"Để tôi nói rõ, đây là vắc xin Covid-19 của chúng tôi", tiến sĩ Sean Tucker, người đứng đầu mảng khoa học của công ty công nghệ sinh học Mỹ Vaxart có trụ sở tại San Francisco, giới thiệu với Straits Times.
Trên tay ông Tucker, không phải là chế phẩm được dùng để tiêm vào tay như bình thường. Thay vào đó, ông giới thiệu một vật trông như viên thuốc thông thường.
Trong bối cảnh nhiều nước đang thúc đẩy tốc độ tiêm chủng nhanh hơn nữa để ngăn làn sóng dịch bệnh lây lan, nhiều nơi đã đối mặt với tình trạng đình trệ, không chỉ vì nguồn cung vắc xin hạn chế, mà còn bởi vì họ thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản vắc xin ở nhiệt độ thấp hoặc thiếu nhân viên y tế cần thiết để tiến hành chiến dịch tiêm chủng.
Đó là một thách thức chưa từng có tiền lệ liên quan tới việc lưu trữ và vận chuyển vắc xin mà công ty Vaxart có trụ sở ở California muốn giải quyết bằng vắc xin Covid-19 dạng viên uống do họ điều chế.
"Bạn có thể gửi nó qua bưu phẩm, bằng máy bay không người lái. Đó là điểm tích cực của vắc xin dạng viên uống", ông Tucker nói, nhấn mạnh việc không cần bảo quản phức tạp vắc xin loại này bằng cơ sở hạ tầng làm lạnh là một lợi ích lớn. Hiện thời, chế phẩm của Vaxart đang trải qua thử nghiệm giai đoạn 2.
Hiện nay, các loại vắc xin Covid-19 đang sử dụng trên thế giới đều phải bảo quản trong nhiệt độ thấp. Ví dụ, vắc xin của Oxford-AstraZeneca cần phải được giữ trong nhiệt độ từ 2-8 độ C, trong khi vắc xin của Pfizer là -70 độ C. Điều này đặt ra thách thức với các nước thu nhập thấp và trung bình khi thiếu cơ sở hạ tầng về bảo quản lạnh với vắc xin.
Vì vậy, việc các "vắc xin ấm" - tức là các chế phẩm dễ lưu trữ và bảo quản hơn - sẽ giúp quá trình phân phối nhanh hơn, tạo nên bước đột phá trong việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng ở các khu vực thời tiết ấm và thiếu nguồn lực cơ sở hạ tầng.
Triển vọng của "vắc xin ấm"
Một trong những thành tựu đáng khích lệ trong việc phát triển "vắc xin ấm" trên thế giới diễn ra hồi tháng trước, khi Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và công ty công nghệ sinh học Mynvax thông báo, ứng viên vắc xin của họ có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở chuột và bảo vệ chuột lang khỏi SARS-CoV-2.
Ứng viên vắc xin này sản sinh ra đủ kháng thể để diệt được 4 chủng của virus, bao gồm cả biến thể Delta nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cho biết, vắc xin trên có thể chịu được nhiệt độ 37 độ C trong tối đa một tháng, và chịu được 100 độ C trong 90 phút.
Tiến sĩ Raghavan Varadarajan từ IISc nhấn mạnh rằng, ứng viên "vắc xin ấm" của họ sẽ được chia làm 2 phần gồm: chất bột đông khô cùng với tá dược lỏng đựng trong lọ riêng biệt.
Cả 2 thành phần này đều có thể được lưu trữ trong nhiệt độ phòng và vận chuyển dễ dàng. Để sử dụng, người ta sẽ trộn chúng lại với nhau để tạo thành một chế phẩm dùng để tiêm vào bắp tay. Các thử nghiệm lâm sàng đối với ứng viên vắc xin này được lên kế hoạch bắt đầu sau 6 tháng nữa.
Giống nhiều nước khác, Ấn Độ vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng. Mới khoảng dưới 10% dân số nước này được tiêm đủ 2 mũi. Thêm vào đó, một số người có thể cần phải tiêm liều nhắc trong tương lai. Vì vậy, nhu cầu về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin là rất lớn và "vắc xin ấm" như của IISc-Mynvax được cho là có rất nhiều tiềm năng và có thể tạo nên bước đột phá quan trọng.
Theo The Lancet, các quốc gia thu nhập cao thường không quá quan tâm tới việc phát triển "vắc xin ấm" vì họ có đủ cơ sở hạ tầng bảo quản lạnh. Vì vậy, các vắc xin chịu được nhiệt độ cao chưa bao giờ được ưu tiên dù nhu cầu ở các nước thu nhập thấp và trung bình rất lớn.
Đó là một trong những lý mà Vaxart muốn chế tạo vắc xin dạng viên uống. Vaxart hiện nay chuyên sản xuất vắc xin dạng viên, bao gồm vắc xin ngừa bệnh viêm dạ dày ruột cũng như cúm mùa.
Cơ chế phòng vệ
Hồi tháng 5, ứng viên vắc xin Covid-19 của Vaxart đạt được kết quả đáng khích lệ với thử nghiệm giai đoạn 1, cho thấy phản ứng của tế bào T CD8+ cao hơn so với vắc xin Pfizer và Moderna. Tế bào T CD8+ một loại tế bào bạch cầu có vai trò tạo ra phản ứng miễn dịch.
Ngoài vấn đề về chuỗi cung ứng, vắc xin dạng uống cũng được cho khiến tâm lý ngần ngại vắc xin giảm xuống. Kết quả của một cuộc thăm dò do Vaxart thực hiện vào đầu năm nay cho biết, gần 19 triệu người Mỹ trưởng thành sẽ sử dụng vắc xin nếu họ có thể uống một viên thuốc thay vì tiêm vào cơ thể.
Tuy nhiên, việc phát triển vắc xin đường uống là một thách thức vì không phải lúc nào cũng hiệu quả trên cơ thể người như với động vật.
Vắc xin của Vaxart hoạt động theo cơ chế phòng thủ 2 bước, với bước đầu tiên là thúc đẩy phản ứng kháng thể từ màng nhầy tạo thành lớp bao bọc bên trong của một số cơ quan và khoang cơ thể như mũi, miệng, phổi và dạ dày. Nếu cách tiếp cận này hiệu quả, nó có thể diệt virus ngay trong hệ thống hô hấp phía trên, làm giảm đáng kể khả năng người nhiễm virus đổ bệnh.
Tuy nhiên, nếu lớp phòng thủ bước một bất thành, vắc xin sẽ kích thích phản ứng của tế bào T CD8+ để tiếp tục tấn công virus. Ông Tucker gọi đây là tấn công trên nhiều mặt trận và sẽ giúp diệt virus nhanh hơn.
Theo Dantri.com