|
Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye. Ảnh: Bloomberg |
Việc Quốc hội Hàn Quốc ngày 9/12 thông qua quyết định luận tội Tổng thống có nghĩa là bà Park Geun-hye sẽ bị chấm dứt thực hiện quyền lực Tổng thống, cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề luận tội.
Bước tiếp theo, tình hình chính trường hỗn loạn của Hàn Quốc liệu có khả năng chào đón một sự chuyển đổi theo hướng tốt thì vẫn còn phải chờ quan sát.
Đánh giá về thái độ của bà Park Geun-hye trước sai lầm của mình, giáo sư Triệu Nguyên Bân (dịch âm) chuyên nghiên cứu về chính trị và ngoại giao, Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc cho rằng do bà Park Geun-hye không thừa nhận sai lầm của mình, còn "đá bóng" cho Quốc hội về vấn đề "ra đi" của mình, do đó gây thất vọng sâu sắc cho người dân Hàn Quốc, dẫn tới rất nhiều người dân tiếp tục xuống đường tiến hành phản đối.
Dưới sức ép to lớn của dư luận, các nghị sĩ không thuộc phe của bà trong đảng cầm quyền đã chuyển sang tán thành luận tội.
Chờ phán quyết cuối cùng
Trước đó, ngày 6/12, khi hội kiến với đại diện đảng Saenuri và đại diện Tòa án Hiến pháp, bà Park Geun-hye cho biết sẽ làm tốt chuẩn bị cho việc phối hợp với thủ tục luận tội, chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp.
Theo báo chí Hàn Quốc, bà Park Geun-hye đang thành lập một đoàn luật sư hùng hậu để ứng phó với cuộc điều tra của tiểu ban công tố đặc biệt và phán quyết của Tòa án Hiến pháp sắp tới, tìm cơ hội lật ngược cuối cùng.
Trước đó, trong bài phát biểu trước dân, bà Park Geun-hye đều phủ nhận bản thân lợi dụng chức quyền để tìm lấy bất cứ lợi ích riêng nào, chỉ cho biết sự sai lầm của bản thân ở chỗ chưa quản lý tốt những người xung quanh mình. Luật sư của bà Park Geun-hye cũng phủ nhận toàn bộ mọi sự lên án của bên công tố.
Có phân tích cho rằng căn cứ để Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết là bà Park Geun-hye có hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật hay không.
Hiện nay, bên công tố đã tiến hành công tố đối với những nhân vật chính của sự kiện "thân tín can thiệp chính trị" liên quan bà Park Geun-hye, bao gồm bà Choi Soon-sil, đồng thời lên án bà Park Geun-hye đồng phạm với những người như bà Choi Soon-sil.
Trong đơn kiện cũng đã đề cập rõ ràng tới những tình nghi như bà Park Geun-hye lạm dụng chức quyền, tiết lộ bí mật quốc gia, vì vậy Tòa án Hiến pháp có thể sẽ chờ kết quả xét xử của vụ án này, coi đó là căn cứ quan trọng của phán quyết.
Mặc dù thời gian xem xét dài nhất đối với vụ việc luận tội của Tòa án Hiến pháp có thể lên tới 180 ngày, nhưng do sức ép từ người dân và của đảng đối lập, Tòa án Hiến pháp sẽ khó có thể kéo dài quá lâu.
Có tờ báo cho rằng Tòa án Hiến pháp sớm nhất có thể đưa ra phán quyết cuối cùng trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 2 năm 2017.
Chuyên gia cho rằng về lý thuyết, bà Park Geun-hye còn có cơ hội tránh được số phận bị luận tội, nhưng rất nhiều nghị sĩ trong đảng cầm quyền ủng hộ luận tội cho thấy bà đã rơi vào tình cảnh bị cô lập.
Quá độ là vấn đề nan giải
Theo quy định của Hiến pháp Hàn Quốc, sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị chấm dứt thực thi quyền lực vì luận tội, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn sẽ lập tức thay quyền bà Park Geun-hye.
Nhưng, Hàn Quốc "thời đại hậu Park Geun-hye" vẫn đầy tính bất định, tình hình chính trị Hàn Quốc cuối cùng sẽ đi theo hướng nào còn phải chờ quan sát.
Theo báo chí Hàn Quốc, Văn phòng Thủ tướng đã nghiên cứu cách làm trong thời kỳ cựu Tổng thống Roh Moo-hyun. Sau khi Tổng thống Roh Moo-hyun bị Quốc hội luận tội vào tháng 3/2004, Thủ tướng Hàn Quốc khi đó là Goh Kun đã thay quyền Tổng thống, nắm quyền lực trên các mặt như ngoại giao, an ninh, kinh tế.
Hơn hai tháng sau, Tòa án Hiến phán đưa ra phán quyết, bác bỏ vấn đề luận tội Tổng thống, ông Roh Moo-hyun có thể khôi phục thực hiện quyền lực Tổng thống.
Có phân tích cho rằng, ông Hwang Kyo-ahn, một nhân vật quan trọng của chính quyền Park Geun-hye rất khó nhận được sự ủng hộ của phe đối lập. Sau khi ông nắm quyền, va chạm giữa hai bên có thể khó tránh khỏi.
Trong giai đoạn quá độ, đối với chính phủ và đảng cầm quyền Hàn Quốc hiện nay, việc khôi phục nhanh chóng sự vận hành chính quyền bình thường là một thách thức không nhỏ.
Một nhân tố không xác định khác đến từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Nếu Tòa án Hiến pháp đồng ý luận tội thì theo quy định của Hiến pháp, cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tiến hành trong 60 ngày.
Hiện nay, Hàn Quốc còn chưa xuất hiện ứng cử viên Tổng thống tiềm năng có ưu thế tuyệt đối. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức trước, thì sẽ là một cuộc bầu cử mà các chính đảng chủ yếu đều chưa làm tốt chuẩn bị đầy đủ, kết quả cuối cùng tồn tại rất nhiều biến số.
Nếu Tòa án Hiến pháp bác bỏ vụ luận tội thì đảng đối lập có thể sẽ dựa vào dư luận người dân mạnh mẽ để tiến hành một đợt chống đối mới. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn lớn hơn trên chính trường Hàn Quốc.