“Chúng tôi đã tham gia rất nhiều đàm phán FTA (Hiệp định thương mại tự do – PV), nhưng đàm phán FTA với Hàn Quốc là đàm phán khó khăn nhất, nhiều áp lực nhất và chưa có đàm phán nào vất vả thế này”, bà Đào Thu Hương – Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính – chia sẻ.
“Với Hàn Quốc, có những phiên đàm phán từ 9h sáng hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Hầu như cả 2 bên chỉ nghỉ 15 – 20 phút rồi lại tiếp tục đàm phán. Cứ liên tục như thế. Những đêm đàm phán cuối cùng phải đàm phán thâu đêm”.
“Sau khi kết thúc đàm phán, đối tác Hàn Quốc đã khóc, không chỉ khóc một hôm mà các bạn khóc rất nhiều. Trước khi Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố kết thúc đàm phán khoảng 4 tiếng, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục yêu cầu Việt Nam cho Hàn Quốc rút lại một số cam kết...”
Phía Hàn Quốc khóc vì họ cho rằng họ đã thất bại trong đàm phán với Việt Nam, khi Việt Nam là nước kém phát triển hơn, đại diện đàm phán lại phần đa là nữ mà lại quá đỗi cứng rắn trong thương thảo, ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương - cho biết.
“Rất nhiều mặt hàng, cho đến giờ này Hàn Quốc chỉ mở cửa duy nhất với Việt Nam”, bà Hương cho biết thêm.
Với mặt hàng tôm, trước giờ Hàn Quốc rất hạn chế mở hạn ngạch đối với các nước xuất khẩu tôm, đặc biệt là các nước ASEAN. Với ASEAN, khi Hàn Quốc đàm phán dưới sức ép của 10 nước, Hàn Quốc vẫn chỉ mở 5.000 tấn/năm miễn thuế cho tất cả 10 nước.
Trong khi đó, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), hạn ngạch miễn thuế đối với mặt hàng tôm lên tới 10.000 tấn/năm, gấp đôi hạn ngạch của 10 nước ASEAN cộng lại. Hạn ngạch này sẽ tăng lên 15.000 tấn/năm kể từ năm thứ 6 sau khi Hiệp định có hiệu lực.
3 - 4 ngày đêm chỉ bàn chuyện tỏi, ớt
“Tại sao đàm phán với Hàn Quốc, chúng ta đánh đổi xăng dầu, ô tô, sắt thép hay một số lĩnh vực khác mà chỉ để lấy tỏi, ớt, con tôm, cua, cá?”, ông Tuyên nói. “Tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu rất quan trọng để làm nên kim chi – thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của mọi người dân Hàn Quốc”.
“Hàn Quốc cực kỳ nhạy cảm với mặt hàng này, thậm chí cuộc đàm phán về mặt hàng này kéo dài 3 - 4 ngày đêm, hầu như chúng tôi làm việc 22 tiếng đồng hồ/ngày, chỉ ngủ ít tiếng và sáng hôm sau lại ngồi dậy tiếp tục đàm phán... Thậm chí Chính phủ Hàn Quốc, cả đêm Bộ trưởng gọi điện cho nhau, họp nội các để thông qua vấn đề tỏi, ớt”.
“Với những nước có trình độ phát triển, bảo hộ nông nghiệp là vấn đề hàng đầu. Bảo hộ nông nghiệp không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn liên quan đến chính trị... Nhiều lúc tôi chứng kiến đối tác đàm phán với chúng ta rồi khóc, nói là tôi coi như thất bại trong đàm phán với Việt Nam...”, ông Tuyên tâm sự.
Hiện nhóm mặt hàng tỏi, ớt, gừng được bảo hộ rất cao với thuế suất 300 – 400%. Trong cam kết với Việt Nam, thuế suất nhóm mặt hàng này 10 năm nữa sẽ về 0%.
Nhìn nhận VKFTA là cơ hội, nhưng cơ hội này liệu các doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được hay không? “Trong các ký kết FTA, chúng ta nói rất nhiều về cơ hội, nhưng cơ hội cứ rơi rụng dần đi. Việc ký kết là việc Chính phủ mở ra cho doanh nghiệp của chúng ta, còn chúng ta sẽ đi thế nào?” – bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI – đặt dấu hỏi.
Về phía các doanh nghiệp, song song với các thắc mắc về từng nhóm mặt hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra dấu hỏi cho cơ quan Nhà nước: VKFTA đã được ký kết vào ngày 5/5 và phía Hàn Quốc đã tiếp cận được Hiệp định này từ khi được ký tắt bằng tiếng Hàn, thậm chí còn được chuẩn bị cả một “bộ sách giáo khoa” về VKFTA. Còn phía Việt Nam, khi nào mới tiếp cận được VKFTA bằng tiếng Việt? Và khi nào Việt Nam mới có một bộ phận riêng để giải đáp các thắc mắc về VKFTA như ở Hàn Quốc, thay vì một Bộ Công thương đứng ra đại diện như hiện nay?
Theo Trí Thức Trẻ