Tờ The Financial Times Anh Anh ngày 5/12 cho rằng ở Hàn Quốc công việc "làm ăn chiến tranh" đang phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 2009 đến nay, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng vọt gần 1.100%. Sự bất ổn ngày càng trầm trọng trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với vũ khí chiến tranh truyền thống, thúc đẩy các nhà chế tạo vũ khí Hàn Quốc phát triển mạnh.
Chuyên gia cho rằng, đến cuối thập niên 2010, Hàn Quốc có triển vọng vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của khu vực này.
Giám đốc nghiên cứu Hàn Quốc Paul Choi của Công ty môi giới chứng khoán CLSA cho rằng: "Nhìn tới toàn cầu, tình hình của Hàn Quốc không tồi. Tăng trưởng mang tính cơ cấu của trang bị quốc phòng Hàn Quốc đã vượt mục tiêu tự thân. Đến năm 2020, họ sẽ vượt Trung Quốc trở thành ông trùm bán vũ khí số một của châu Á".
Tình hình căng thẳng địa - chính trị không ngừng leo thang của châu Á và Đông Âu đang có lợi cho xu thế phát triển này.
Các nhà xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc như Techwin thuộc Tập đoàn Hanwha và Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ KAI Hàn Quốc đã được chứng minh là có khả năng cạnh tranh rất mạnh, họ thường lấy chuyển nhượng công nghệ làm điều kiện để tăng sức hấp dẫn của các giao dịch.
Ngoài ra, Hàn Quốc rất ít phải chịu gánh nặng lịch sử và địa - chính trị, so với một số nước láng giềng, họ có thể đáp ứng nhu cầu vũ khí không ngừng tăng lên của Trung Đông, Tiểu lục địa Nam Á và Đông Nam Á mà không gây ra quan ngại lớn.
Nhà phân tích quốc phòng cao cấp Ben Mooers hãng tư vấn IHS Markit cho rằng: "Bán xe tải và tàu ngầm cho Indonesia, bán thiết bị thông tin cho Iraq, bán tàu cho Anh... Hàn Quốc có ngành quốc phòng đa dạng hóa, phạm vi khách hàng rộng lớn, Trung Quốc thì dựa vào Pakistan và Sri Lanka".
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đạt 871 triệu USD, còn năm 2009 là 73 triệu USD. Ben Mooers dự đoán, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc năm 2016 sẽ vượt 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, IHS Markit dự đoán, năm 2017 Trung Quốc sẽ vươn lên đứng trong Top 10 của bảng xếp hạng toàn cầu.