Hải quân Mỹ nghiên cứu ngư lôi đánh chặn ngư lôi để bảo vệ cụm chiến đấu tàu sân bay

VietTimes -- CAT giống như tên lửa phòng thủ dưới nước, có điều, nó là ngư lôi cỡ nhỏ được đẩy bằng chân vịt, tốc độ của CAT rất nhanh và vận động linh hoạt, sử dụng phương pháp đụng va trực tiếp để giải quyết mối đe dọa ngư lôi.
Mỹ phát triển ngư lôi đánh chặn ngư lôi CAT. Ảnh: Chinatimes

Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 17/10 cho hay, tính năng của tàu ngầm động cơ diesel hiện đại khác với trước đây. Do có công nghệ đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP), tàu ngầm đã có khả năng chạy êm và lặn trong thời gian dài, do đó làm gia tăng mối đe dọa cho các tàu chiến mặt nước.

Để bảo vệ an toàn của tàu sân bay động cơ hạt nhân – một loại tàu mặt nước cỡ lớn, Mỹ đang nghiên cứu phát triển một loại ngư lôi có thể đánh chặn ngư lôi, được gọi là Countermeasure Anti-Torpedo (CAT).

Đội tàu hộ vệ của tàu sân bay Mỹ tiến hành bảo vệ xung quanh, tạo nên cụm chiến đấu tàu sân bay khổng lồ. Những tàu chiến này cũng trang bị các loại vũ khí phòng không, trong đó có tên lửa phòng không tầm xa (như tên lửa RIM-116 Rolling), pháo phòng thủ gần (như Mk15).

Những hệ thống phòng thủ nhiều tầng này phần lớn là để ứng phó với các mối đe dọa trên không, nhưng phòng thủ dưới nước rõ ràng không đủ và không tin cậy.

Mặc dù đa số tàu hộ vệ đều trang bị thiết bị định vị thủy âm và máy bay trực thăng săn ngầm, nhưng bị hạn chế bởi tính không xác định ở các tầng nước trên biển, việc phát hiện ra tàu ngầm vẫn là vấn đề rất khó khăn.

Tàu sân bay USS George Bush CVN-77 Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Tàu ngầm của Nga và Trung Quốc có thể chọc thủng hạm đội Mỹ trong tình hình "thần không biết quỷ không hay", những sự kiện như vậy thường xuyên được nghe thấy. Vì vậy, tàu sân bay với tính chất là nòng cốt của hạm đội, vẫn dễ bị tàu ngầm tấn công.

Hơn nữa hiện nay ngư lôi kiểu mới cũng rất khó phòng thủ. Ngư lôi Type 53 có thể phóng từ khu vực xa trên 10 dặm Anh, loại ngư lôi này rất khó phòng thủ.

Đối với vấn đề này, Hải quân Mỹ nghiên cứu phát triển phương pháp đối phó có hiệu quả, đó là một hệ thống có tên lửa Surface Ship Torpedo Defense, SSTD.

SSTD bao gồm 3 bộ phận, bộ phận thứ nhất là hệ thống cảnh báo sớm ngư lôi, tức là thiết bị định vị thủy âm kéo, phụ trách tìm kiếm mối đe dọa.

Bộ phận thứ hai là hệ thống phân loại mối đe dọa, phán đoán các vật thể dưới nước có phải là ngư lôi hay không. Bộ phận thứ ba là ngư lôi CAT, đó chính là ngư lôi phụ trách đánh chặn ngư lôi.

CAT giống như tên lửa phòng thủ dưới nước, có điều, nó là ngư lôi cỡ nhỏ được đẩy bằng chân vịt, tốc độ của CAT rất nhanh và vận động linh hoạt, sử dụng phương pháp đụng va trực tiếp để giải quyết mối đe dọa ngư lôi.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương (ảnh tư liệu)

Hiện nay, nó được điều khiển bởi hệ thống khác. Nếu các hoạt động thử nghiệm thuận lợi, có khả năng nó được cải tiến thành mô hình "nghe âm thanh" chủ động, tăng khoảng cách phòng thủ.

CAT được thử nghiệm cho tàu sân bay USS George HW. Bush (CVN-77), đã đánh chặn thành công ngư lôi 7 lần trong vài cuộc tập trận, cho thấy hệ thống này thực sự có hiệu quả.

Hải quân Mỹ hy vọng hệ thống này có thể tiếp tục được cải tiến, đến khoảng năm 2035 có thể lắp thiết bị chống ngư lôi cho từng tàu chiến chủ yếu của Mỹ. Hiện nay, tàu khu trục tiên tiến nhất DDG-1000 của Mỹ cũng sẽ trang bị.