Hai nước thành viên Liên Xô cũ Kyrgyzstan và Tajikistan lại đụng độ ở biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một cuộc xung đột biên giới lại nổ ra giữa Kyrgyzstan và Tajikistan, hai nước láng giềng Trung Á thuộc Liên Xô cũ, với các đợt đấu pháo dữ dội và đợt ngừng bắn ngắn ngủi đêm qua nhưng sau đó lại tiếp diễn.
Quân đội Kyrgyzstan triển khai ở biên giới hai nước (Ảnh: Sputnik).
Quân đội Kyrgyzstan triển khai ở biên giới hai nước (Ảnh: Sputnik).

Theo trang tin Dwnews dẫn nguồn Trung tâm tin tức của Cục Biên phòng Kyrgyzstan, bắt đầu từ 23h50 giờ địa phương ngày 27/1, hai bên Kyrgyzstan và Tajikistan đã đạt được một lệnh ngừng bắn chỉ kéo dài 10 phút.

Tin cho hay, theo kế hoạch, trong thời gian ngừng bắn, đại diện của Tổng thống Kyrgyzstan tại tỉnh Batken đã gặp gỡ tỉnh trưởng Soget của Tajikistan và lực lượng biên phòng hai nước đã tiến hành đàm phán, nhưng sau đó phía Kyrgyzstan cho rằng Tajikistan đã vi phạm thỏa thuận song phương về lệnh ngừng bắn một lần nữa và tiếp tục bắn vào các trận địa của Kyrgyzstan, dẫn đến các cuộc đụng độ trên biên giới giữa hai nước lại tiếp diễn.

Còn theo thông báo của Hội đồng An ninh Quốc gia Tajikistan, vào khoảng 17h20 giờ địa phương ngày 27/1, khoảng 50 công dân Kyrgyzstan đã cưỡng chế ngăn chặn một chiếc xe tải chở cát và đất của công dân Tajikistan trên một cây cầu ở biên giới hai nước. Phía Tajikistan ngay lập tức yêu cầu một cuộc họp ở cấp đại diện địa phương để ngăn chặn hành vi phạm pháp của công dân Kyrgyzstan, nhưng phía Kyrgyzstan đã không tới tham dự cuộc họp, thay vào đó, lực lượng biên phòng đã tiến vào trận địa vào khoảng 18h10 và sử dụng vũ khí hạng nhẹ để nổ súng vào các dân thường Tajikistan. Đồng thời, Kyrgyzstan cũng điều động quân đội và trang bị tới khu vực biên giới tỉnh Batken.

Đoạn đường trở thành điểm nóng ở biên giới hai nước (Ảnh: Dwnews).

Đoạn đường trở thành điểm nóng ở biên giới hai nước (Ảnh: Dwnews).

Theo phía Tajikistan, phía Kyrgyzstan đã nã pháo dữ dội sang đất Tajikistan từ lãnh thổ của Kyrgyzstan, và phía Tajikistan cũng đã ghi nhận tình huống máy bay không người lái của Kyrgyzstan xâm phạm không phận của Tajikistan.

Hội đồng An ninh Quốc gia Tajikistan cho biết, có thường dân và binh sĩ biên phòng đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, nhưng không công bố số liệu cụ thể. Trước đó, có thông tin cho rằng có 17 người của cả hai bên bị thương trong cuộc xung đột, bao gồm 13 người Tajikistan và 4 người Kyrgyzstan.

Xung đột giữa Kyrgyzstan và Tajikistan đã có từ lâu. Vào ngày 28/4/2021, một cuộc xung đột biên giới đã nổ ra giữa hai nước tại Koktash, phía tây nam tỉnh Batken, Kyrgyzstan bắt nguồn từ việc tranh chấp nguồn nước khiến 44 người thiệt mạng và hơn 30.000 người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Sau đó, ngày 29/4/2021, các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã tiến hành đàm phán và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện thông qua tham vấn, có hiệu lực từ 20h00 ngày 29/4, theo giờ Bishkek và kéo dài cho đến nay.

Hãng tin Nga TASS đưa tin, vào đêm 27/1 theo giờ địa phương, một cuộc xung đột biên giới đã xảy ra giữa Kyrgyzstan và Tajikistan. Hai bên đạt được lệnh ngừng bắn vào đầu giờ sáng, nhưng sau đó xung đột lại tiếp diễn, và phải đến sáng ngày 28, hai bên mới đạt được thỏa thuận ngừng bắn và rút quân.

Theo TASS, cuộc xung đột diễn ra trên đoạn đường Batken-Isfana đi qua biên giới hai nước. Con đường này được xây dựng từ thời Liên Xô, do Kyrgyzstan và Tajikistan khi đó đều là hai quốc gia thành viên thuộc Liên bang Xô Viết nên một phần của con đường đi qua biên giới hai nước ngày nay từ Bakent, thủ phủ tỉnh Batken của Kyrgyzstan, tới Isfana, thành phố Tây Nam Kyrgyzstan, nhưng lại có một đoạn vòng qua phần đất sau đó thuộc về Tajikistan sau khi Liên Xô giải thể. Đoạn đường này về sau đã trở thành điểm nóng về xung đột biên giới .

Kyrgyzstan cho biết đoạn đường đã bị Tajikistan phong tỏa vào tối ngày 27/1, trong khi Tajikistan cho biết vào thời điểm đó, các công dân Kyrgyzstan đã chặn một chiếc xe tải chở cát và đất của công dân Tajikistan ở biên giới, sau đó phía Tajikistan yêu cầu đàm phán với phía Kyrgyzstan để ngăn chặn hành vi vi phạm thỏa thuận này, nhưng Kyrgyzstan đã không tham dự cuộc họp.

Kyrgyzstan cho biết 4 binh sĩ của họ bị thương trong vụ xả súng, đồng thời cáo buộc Tajikistan "phớt lờ yêu cầu ngừng bắn và bắn vào đường dây tải điện và đồn biên phòng Kyrgyzstan" và thậm chí vận chuyển "thiết bị hạng nặng" như súng cối và súng phóng lựu tới khu vực xung đột.

Phía Tajikistan cũng cáo buộc Kyrgyzstan sử dụng súng cối và cho máy bay không người lái xâm phạm không phận của Tajikistan. Hãng tin Nga Sputnik dẫn tin của Bệnh viện Isfana của Tajikistan cho biết 13 người của họ bị thương trong các vụ đụng độ, một trong số đó đã chết. 13 người này bao gồm 2 dân thường và 11 quân nhân.

Khu vực biên giới xảy ra xung đột (Ảnh: Sohu).

Khu vực biên giới xảy ra xung đột (Ảnh: Sohu).

Sáng 28/1, đại diện hai nước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về ngừng bắn toàn diện giữa hai bên, rút hết số quân được triển khai thêm tới hiện trường xung đột biên giới, mở thông đoạn đường nơi xảy ra xung đột, và tiến hành các cuộc tuần tra thực thi pháp luật chung giữa hai bên.

TASS chỉ ra rằng sau khi Liên bang Xô viết giải thể, đã có khoảng 550 km trong số 950 km đường biên giới giữa hai nước đã được phân định, nhưng khu vực biên giới giữa hai bên vẫn thường xuyên xảy ra xung đột giữa các thường dân hai nước và thường kéo theo các cuộc xung đột quân sự quy mô nhỏ.

Theo TASS, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2021, giữa hai nước đã xảy ra xung đột biên giới quy mô lớn, ít nhất 45 người của cả hai bên thiệt mạng và ít nhất 277 người bị thương trong cuộc xung đột.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), ông Stanislav Zas đã điện đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Kyrgyzstan Imankulov và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tajikistan Mahmudzoda, kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức ở khu vực biên giới giữa hai nước. Đồng thời, CSTO sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết hòa bình cuộc xung đột giữa hai bên.

Được biết, cả hai nước Tajikistan và Kyrgyzstan đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu và các quốc gia thành viên luân phiên đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng.