Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023: 6% hay 6,5%?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 6,5%, tăng trưởng quý 3 phải đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9% và 3,2% so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng 4/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách Nhà nước...

Trong khi đó, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

mpi-nguyen-chi-dung-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: VGP)

Dự báo bối cảnh, tình hình nửa cuối năm và kết quả đạt được trong 6 tháng qua, Bộ KH&ĐT cập nhật lại hai kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 và cả năm 2023.

Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3% và 1,9% so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt 8%.

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP nửa cuối năm phải đạt 8,9%; trong đó tăng trưởng quý 3 đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9% và 3,2% so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm.

“Tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư (gồm khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc... để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, các cơ quan hữu trách cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số./.