Dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015, Viện Nghiên cứu và Chính sách đưa ra hai kịch bản khá đối lập.
Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,1%, thấp hơn mục tiêu 6,2% mà Chính phủ đã đề ra. Ở mức này, lạm phát sẽ là 1,9%.
Ở kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,3% và lạm phát tăng lên mức 3,2%.
Dù vậy, báo cáo của VEPR cũng cảnh báo rủi ro vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2016, chủ yếu do Chính phủ phải theo đuổi chính sách tài trợ thâm hụt ngân sách.
"Chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động nguồn tài trợ thâm hụt ngân sách. Nếu Quốc hội không có sự thỏa hiệp cần thiết trong định mức về lượng trái phiếu phát hành hoặc trần nợ công, Chính phủ có thể bị đẩy vào tình thế phải tìm kiếm nguồn tài trợ tạm thời từ Ngân hàng Nhà nước dưới nhiều hình thức và xét cho cùng có bản chất tiền tệ nhiều hơn là tài khóa", báo cáo của VEPR nêu rõ.
Và nếu quá chú trọng tới bù đắp thâm hụt ngân sách, những ràng buộc về kỷ luật tiền tệ lẫn tài khóa có nguy cơ bị phá vỡ, tạo một tiền lệ xấu. Tác động tức thời của các chính sách này là sự xói mòn niềm tin của thị trường vào cả chính sách tiền tệ và mức độ minh bạch tài khóa. Cùng với đó, VND tiếp tục tích lũy sự lên giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên sẽ âm thầm xói mòn sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ thu hút khách nước ngoài, du lịch.
"Hai yếu tố này tưởng chừng ít liên quan nhưng lại gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt khi xảy ra các tình huống bất lợi. Ví dụ, việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách nếu kích hoạt một làn sóng lạm phát nhẹ vào đầu năm 2016, có thể dẫn tới sức ép thay đổi tỷ giá ngày càng nhiều hơn vào thời điểm đó. Và nếu tỷ giá phải thay đổi mang tính đối phó, thì vô hình trung sẽ tạo ra một vòng xoáy lạm phát làm thay đổi tỷ giá, phá vỡ thế cân bằng vĩ mô đang tạm thời có được hiện nay", nhóm nghiên cứu VEPR cảnh báo.
Cũng theo VEPR, một điểm sáng của kinh tế Việt Nam chính là ngành công nghiệp khởi sắc. Chỉ số sản xuất PMI có khuynh hướng dương liên tục và đạt điểm số trên 50 trong suốt 16 tháng kể từ tháng 9/2013.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều tận dụng được thế mạnh của ngành sản xuất. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động đạt mức tăng cao nhất 4 năm. Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không tiếp cận được nguồn vốn…
Tiễn sĩ Nguyễn Đức Thành-Viện trưởng Viện trưởng VEPR cho biết, trong bối cảnh động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn tới phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng dụng và thương mại hóa các thành tựu khoa học công nghệ, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng truyền thống, vừa phải tiếp tục khai thác hiệu quả các dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng dựa trên lợi thế so sánh, vừa phải kiến tạo nền tảng cho mô hình tăng trưởng mới dựa trên lợi thế quy mô, công nghệ, sáng tạo.
Theo toquoc.gov.vn