Ví dụ "tiêu biểu" cho kiểu kéo dài này là dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai thuộc phường Đồng Mai, phường Phú Lãm và phường Yên Nghĩa do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND TP Hà Nội giao đất tại Quyết định 4860/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 với tổng diện tích 226ha.
Trước đó, từ ngày 05/6/2009 UBND TP Hà Nội đã phát Thông báo 206/TB-UBND chấp thuận chuyển đổi chức năng sử dụng đất Cụm công nghiệp Đồng Mai từ đất nông nghiệp sang đất đô thị.
Tới ngày 30/6/2010, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4508/VPCP-KTN về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú tiếp tục thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai.
5 năm sau, đến năm 2015, UBND TP Hà Nội mới chính thức phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 214ha, quy mô gồm: Khu nhà ở xã hội; Khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người già; Khu sân gofl, cảnh quan trung tâm; Khu làng nghề; Khu vui chơi giải trí; Khu vườn thú; Trung tâm thời trang, sân khấu tổ chức sự kiện; Các khu giáo dục đặc biệt.
Đặc biệt, đến nay dự án chưa được triển khai xây dựng. Lý do vì chủ đầu tư đang xin… điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Và, việc này hiện mới “được” Hội đồng thẩm định Quy hoạch xây dựng TP Hà Nội có văn bản trả lời.
Trong năm 2017, Quận ủy Hà Đông đã làm việc về tình hình thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, ban hành Thông báo số 916-TB/QU ngày 28/12/2017 chỉ đạo chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể về thời gian, tiến độ thực hiện dự án, phối hợp với UBND quận Hà Đông giải quyết dứt điểm tồn tại trong quá trình thực hiện dự án.
Hiện Khu chung cư quốc tế Booyoung mới hoàn thiện được công trình CT4 và CT7, còn lại CT2, CT3, CT5, CT6 vẫn được chủ đầu tư cho quây tôn kín mít.
|
Dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung thuộc Khu đô thị Mỗ Lao được cho là “hái ra vàng”, khi tọa lạc tại một trong những địa điểm đẹp nhất của quận Hà Đông.
Dự án được quy hoạch có diện tích khoảng 4,3ha, với tổng mức đầu tư 171 triệu USD gồm 2 loại hình là chung cư và căn hộ cao cấp, trong đó diện tích sàn xây dựng chiếm 553.683m2.
Dự án đã được khởi công vào tháng 2/2007, nhưng đã đình trệ nhiều năm.
Thông tin từ UBND quận Hà Đông cho biết, từ ngày 10/4/2009 UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011043000485 cho Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam đầu tư dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung.
Dự án khởi công xây dựng từ tháng 12/2012, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014.
Nhưng thời điểm dự kiến đó đã không thành. Đến năm 2015 UBND TP đã tiếp tục phê duyệt cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ khu chung cư (từ CT2 đến CT7), thời gian thực hiện từ quý I/2015 đến quý II/2018.
Hiện Công ty mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà CT4 và CT7. Còn lại 04 công trình CT2, CT3, CT5, CT6 đều đang trong tình trạng quây tôn và chưa triển khai.
UBND quận Hà Đông cho biết, những công trình này phía Booyoung Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ… điều chỉnh thiết kế.
Để thúc tiến độ dự án, ngày 10/5/2018 UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Văn bản số 2033/UBND-ĐT thực hiện Thông báo số 1378-TB/TU ngày 27/4/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc điều chỉnh dự án. Trong đó yêu cầu Công ty TNHH MTV Booyoung khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định hiện hành.
Như vậy, mặc dù khởi công từ năm 2007, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tới nay dự án tọa lạc tại “khu đất vàng” Hà Đông này vẫn dở dang, chưa thể hoàn thiện.
Dự án Khu nhà ở Văn La do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô thị và KCN Sông Đà làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2008.
Nhưng mãi đến ngày 23/11/2015, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định 6316/QĐ-UBND điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Văn La. Lúc này quy mô diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 12,29ha, quy mô dân số khoảng 2.600 người.
Đến nay Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô thị và KCN Sông Đà mới cơ bản hoàn thành san nền toàn dự án, di chuyển, hạ ngầm đường điện; triển khai thi công phần cọc một số công trình thấp tầng.
Tuy nhiên, Công ty vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đáng hướng dẫn công ty bổ sung hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư.
Ngày 13/3/2017, Quận ủy Hà Đông có Thông báo số 570-TB/QU, thông báo kết luận của thường trực Quận ủy về tình hình triển khai dự án. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất với các sở, ngành Thành phố có thẩm quyền và UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án; xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về tiến độ thực hiện dự án.
Tất cả các dự án trên đều thuộc trường hợp chậm triển khai nhiều năm so với tiến độ công bố.
Tuy nhiên, cần lưu ý, Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Đối chiếu với quy định này sẽ thấy, việc liên tục xin - hay…bị - điều chỉnh quy hoạch đã giúp các chủ đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành dự án vượt quyết định cho phép. Và việc vượt thời gian ấy lại không chịu điều chỉnh của quy định.
Thực tế này gọi là lách luật hay vi phạm, thì còn tùy thành phố Hà Nội.