|
Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Pixxel Awais Ahmed. Ảnh: Reuters. |
Công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ Pixxel của Ấn Độ, được Google hậu thuẫn, đã ghi dấu ấn quan trọng khi phóng thành công 3 trong sáu vệ tinh chụp ảnh siêu quang phổ trên tên lửa SpaceX từ California vào ngày 14/1.
Đây là bước tiến đáng kể không chỉ với Pixxel, một công ty khởi nghiệp năm tuổi, mà còn đối với ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân đang phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ.
Các vệ tinh của Pixxel sử dụng công nghệ siêu quang phổ, cho phép thu thập dữ liệu chi tiết trên hàng trăm dải ánh sáng khác nhau. Công nghệ này mở ra tiềm năng ứng dụng lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác mỏ, giám sát môi trường và quốc phòng.
Theo đại diện Pixxel, công nghệ này có thể hỗ trợ cải thiện năng suất cây trồng ở Ấn Độ, theo dõi tài nguyên thiên nhiên, giám sát sự cố tràn dầu và cung cấp dữ liệu địa lý chi tiết hơn các công nghệ hiện tại.
Ba vệ tinh còn lại trong lô đầu tiên dự kiến sẽ được triển khai vào quý 2 năm 2025.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Pixxel, Awais Ahmed, cho biết công ty đang có kế hoạch mở rộng đội tàu vũ trụ của mình lên 24 vệ tinh vào năm 2029. Pixxel hiện đã ký hợp đồng với khoảng 65 khách hàng, bao gồm các tập đoàn lớn như Rio Tinto, British Petroleum và Bộ Nông nghiệp Ấn Độ. Một số khách hàng đã trả tiền để sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh thử nghiệm của công ty.
Thị trường hình ảnh vệ tinh toàn cầu dự kiến đạt 19 tỷ USD vào năm 2029, trong đó công nghệ siêu quang phổ có thể chiếm từ 500 triệu đến 1 tỷ USD.
Dù năng lực thám hiểm không gian đã được khẳng định, Ấn Độ hiện chỉ chiếm 2% thị phần thương mại vũ trụ toàn cầu, trong khi Mỹ dẫn đầu nhờ sự phát triển của các công ty tư nhân như SpaceX.
Việc Pixxel và các công ty vũ trụ tư nhân khác như Diganatara bắt đầu vươn tầm quốc tế là tín hiệu tích cực, hứa hẹn nâng cao vị thế của Ấn Độ trên bản đồ vũ trụ toàn cầu.
Theo Reuters