Google có thể “đứng ngồi không yên” vì cú bắt tay định mệnh giữa Microsoft và ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Google sụt giảm đến hơn 7% cổ phiếu không hẳn vì chatbot của Google lộ "lỗ hổng kiến thức" mà còn vì sự lo sợ vị thế đứng đầu có thể bị sụt giảm trong tương lai.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

“Cú hích” có thể thay đổi phương thức giao tiếp bằng chatbot

Kể từ khi ra mắt, ChatGPT vẫn đang là cái tên gây bão trong giới công nghệ, sản phẩm trở nên đặc biệt và thu hút bởi khả năng nén một dữ liệu thông tin khổng lồ chỉ qua một vài từ cốt lõi.

Tối ưu hóa mô hình ngôn ngữ và tinh chỉnh chúng để tạo ra các văn bản mạch lạc, xúc tích và cô đọng là tính năng nổi bật của ChatGPT. Nhưng nhìn sâu bên trong, ChatGPT còn ẩn chứa một phương thức giao tiếp mới, thay đổi tương tác thông thường giữa con người và máy tính.

Thay vì tìm kiếm, đào xới, chắt lọc rồi tối ưu giữa hằng hà sa số thông tin. Giờ đây con người chỉ cần hỏi 1 câu, ChatGPT sẽ cho ra đời 1 câu trả lời tổng hợp duy nhất. Công việc của chúng ta giờ là tinh chỉnh câu hỏi cho đến khi đạt được đáp án chất lượng. Sự thay đổi ấy hứa hẹn ưu việt hơn nhiều cách mà Google đang giúp chúng ta tra cứu thông tin.

Nếu ví tính năng của ChatGPT là viên đạn sắc nhọn, thì Microsoft chính là nòng súng vững chắc, bệ đỡ của ChatGPT. ChatGPT không thể trụ vững nếu đứng đơn phương độc mã, chúng cần được nâng đỡ bởi một hệ điều hành lớn mạnh. Với thị phần lớn hơn 75%, Microsoft sở hữu những sản phẩm và dịch vụ như: công cụ tìm kiếm Bing, Office 365, Azure - nền tảng điện toán đám mây cho doanh nghiệp, Xbox - dịch vụ kết nối mạng game. Nếu ChatGPT tích hợp trên các nền tảng của Windows, giả dụ ngay trên màn hình desktop, liệu chúng ta có cần thao tác đến 4 bước để tra cứu thông tin trên Google? Chắc chắn, Microsoft không chỉ muốn ChatGPT xuất hiện trên Bing, mà còn tích hợp trên mọi ứng dụng công nghệ khác.

Google đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ nhất, Google Ads - con gà đẻ trứng của Google:

Google Ads được coi là một trong những nguồn doanh thu chính của Google. Công ty sẽ tìm cách nâng cao lợi nhuận bằng việc tập trung vào phát triển công nghệ, mở rộng chức năng hoặc tăng công suất tìm kiếm. Công nghệ cũ giúp người dùng gia tăng tìm kiếm trên quy mô lớn, giúp Google thu được một khoản lời khổng lồ từ Google Ads. Vậy sẽ gia sao nếu Google tự làm thêm một chatbot. Liệu sản phẩm mới ấy có đe dọa vị thế đứng đầu của sản phẩm cũ? Liệu chatbot có khiến doanh thu quảng cáo dựa tìm kiếm bị sụt giảm?

Thứ hai, Google đang rơi vào “thế lưỡng nan của nhà cải tiến”

Có một thực tế rằng, công ty từng rất hùng mạnh trong địa hạt của mình có thể thất bại khi thị trường chuyển sang một mô hình khác. Nếu các công ty thay đổi mô hình theo mong muốn của thị trường thì sự thay đổi có thể dẫn đến sự “hủy diệt” lĩnh vực béo bở mình đang thống trị. Nhưng nếu không thay đổi thì đối thủ khác cũng làm và thị phần rất dễ bị lung lay.

Google tương tự như nhiều nhà vô địch thị trường, sở hữu trong tay nhiều nguồn lực, nhưng lại có các quy trình rất khó khăn và một bộ giá trị cố định, hiếm khi phù hợp với thị trường mục tiêu của một đổi mới đột phá. Sự thay đổi không thể đòi hỏi “một sớm một chiều”, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Google không xây dựng tính năng chat AI triệt để, thông minh và sáng tạo. Dù cho Google đã nghiên cứu AI trong nhiều năm nay, cũng là một trong những tập đoàn công nghệ tiên phong trong lĩnh vực này với Google Assistant, Google Maps, hay Google Maps.

Thứ 3, Google rất khó để đưa ra quyết định sau khi cân nhắc các lợi ích

Chúng ta có thể kể đến Google Assistant - một ứng sử dụng nhiều kỹ thuật AI để hiểu yêu cầu của người dùng và cung cấp câu trả lời phù hợp. Trợ lý ảo này có thể thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm đặt lịch hẹn, gọi điện thoại, phát nhạc và điều khiển các thiết bị trong nhà thông minh. Google chắc hẳn đủ sức làm ra một chatbot thông minh, sáng tạo. Nhưng “thế lưỡng nan của nhà cải tiến” đẩy Google vào tình trạng khó đưa ra sự quyết định, hoặc là tự triệt hạ chính mình, hoặc đối thủ sẽ vươn lên thống lĩnh mô hình của mình.

Một ví dụ điển hình cho thế lưỡng nan này. Vào năm 2004, lãnh đạo của Nokia đã nhận ra tương lai của thiết bị di động là điện thoại thông minh và yếu tố cạnh tranh chủ chốt khi đó sẽ là hệ điều hành. Tuy nhiên, Nokia vẫn đang thống trị thị trường và mọi hứa hẹn về doanh thu về sản phẩm mới đem lại chưa thể chắc chắn. Một lý do nữa, khi Nokia tung ra sản phẩm Nokia 9000 ra đời với tính năng lướt web vào năm 1996, thì công nghệ mạng không dây chưa sẵn sàng để sử dụng, khách hàng đã không thực sự cảm nhận được sự “thông minh” của sản phẩm này.

Tương tự vậy, Google vẫn đang tích hợp AI một cách “chưa triệt để” nhằm giữ vững vị thế của mình. Ngoài ra, một hộp chatbot rất khó tạo ra lợi nhuận lớn và doanh thu tốt như nguồn quảng cáo từ Google Ads hiện nay. Thậm chí sản phẩm mới có thể đối trọng trực tiếp với sản phẩm cũ, làm “sụt giảm” lợi nhuận Google Ads.

Hầu hết các công ty công nghệ đều sở hữu tính chất bền vững, nhưng không gì là tồn tại mãi mãi. Các sản phẩm dựa trên mô hình đột phá thường rẻ hơn, đơn giản hơn, thông minh hơn. Đây có thể là “gót chân asin” khiến các công ty lớn phải dè chừng. Google sẽ giải quyết bài toán hóc búa này ra sao? Chúng ta cần thời gian để đánh giá và phản hồi./.