Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Góc nhìn từ bên kia chiến tuyến: “Chúng ta đã thất bại“

VietTimes -- Trong khi đang đàm phán Hiệp định Geneva về khôi phục hòa bình ở Đông Dương, Ngoại trưởng Mỹ thông báo với thủ lĩnh các đảng trong Quốc hội rằng, Hoa Kì phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ở vùng đất châu Á này. Cụ thể, Mỹ muốn xây dựng một liên minh khu vực, theo mô hình NATO ở châu Âu.
Giám đốc CIA William Colby, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân George Brown (từ trái sang phải), khi nhận "tin xấu" từ Việt Nam vào tối ngày 28/4/1975 (giờ Mỹ). Ảnh: Nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly

Lời tòa soạn: Trong cuốn "Chiến tranh Việt Nam: được và mất", Nhà sử học Nigel Cawthorne từng nhận định: "Trong khi phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy đất nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng. Rất nhiều người trong số 2.700.000 lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam đã phải gánh chịu những chấn thương tâm lý trong nhiều thập kỷ và nước Mỹ buộc phải chấp nhận một điều rằng dù với tất cả sức mạnh và sự ưu việt về kỹ thuật của mình, họ vẫn không thể đánh bại một đối thủ tuy nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm".

Nhân kỷ niệm 44 năm sự kiện lịch sử, VietTimes xin giới thiệu tác phẩm ký dài 10 kỳ về cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, với góc nhìn khách quan và nhiều chi tiết lịch sử được xâu chuỗi.

------------

Phần 1: Chú Sam vào cuộc

16h30 ngày 8/5/1954, tại phòng số 5, khách sạn Palais des Nations nằm bên hồ Leman của thành phố Geneva thơ mộng, Hội nghị Geneva chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên. Chín chiếc bàn to được xếp thành hình bầu dục cho 9 đoàn ngồi theo thứ tự Alfabet: Anh, Vương quốc Campuchia, Mỹ, Quốc gia Việt Nam (VNCH), Pháp, Vương quốc Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, CHND Trung Hoa, Liên Xô.

Buổi khai mạc hội nghị Geneva về về khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Geneva với tư thế đại biểu cho một dân tộc chiến thắng, nhiều vấn đề không có tiếng nói của Việt Nam thì không thể giải quyết được. Lập trường của Việt Nam rất rõ ràng, vừa giữ vững những vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa có sách lược mềm dẻo nhằm phân hóa nội bộ đối phương. Tuy nhiên, chúng ta có ít kinh nghiệm đàm phán, ít thông tin về các cuộc mặc cả, lại bị gây sức ép và đối phó với những toan tính và sự dàn xếp của các nước lớn, kể cả trong phe ta.

Về phần các nước lớn – thực chất vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính, trong xu thế hòa hoãn quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng thương lượng hòa bình, họ đều đến Geneva với những toan tính, mưu mẹo riêng của mình. Trong đó, Mỹ chủ trương ngăn chặn mọi thỏa hiệp bất lợi cho mưu đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương. Vì vậy, Mỹ tìm mọi cách phá hoại hội nghị, coi đây chỉ là cuộc đình chiến tạm thời để có thời gian tổ chức một hệ thống phòng ngự mới ở Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Lào và hai vùng lãnh thổ của Việt Nam.

Thực ra, sự “quan tâm” của Mỹ đến Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng xuất hiện từ rất sớm, từ khi người Pháp theo sau quân Đồng Minh trở lại thuộc địa cũ nay đã trở thành một quốc gia độc lập. Và cũng chính từ lúc ấy Mỹ đã chơi trò hai mặt: vừa viện trợ cho Pháp (vì sợ Việt Minh thắng thế), lại vừa tìm cách sán đến Đông Dương và hất cẳng Pháp. Bao năm Mỹ tung tiền của “giúp” Pháp tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương, cũng để chờ thời cơ độc chiếm khu vực này.

Ngày 27/6/1950, Tổng thống Mỹ Harry Truman cho lập Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương (Millitary Assistance Advisory Group in Indochina, viết tắt MAAG – Indochina) có nhiệm vụ theo dõi chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, đề nghị lên chính phủ Mỹ kế hoạch viện trợ quân sự cho quân viễn chinh Pháp và các đạo quân bản xứ ở ba nước Đông Dương, hướng dẫn các đạo quân này sử dụng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh do Mỹ cung cấp.

Từ đó, song song với những khoản kinh phí hỗ trợ không ngừng tăng lên qua mỗi năm là những cuộc thăm viếng liên tục của các nhân vật quân sự và dân sự Mỹ, đỉnh điểm là chuyến thăm của Phó Tổng thống Nixon (tháng 10/1953). Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ USD, trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD, năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa.

Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân. Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp.

Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - Henri Navarre phải than phiền: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ".

Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - Tướng Henri Navarre (thứ ba - trái sang) chỉ huy trận đánh tại Điện Biên Phủ

Khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ, Ngoại trưởng John Duless thốt lên: “Pháp thua ở Điện Biên Phủ cũng có cái hay, nó cho phép Mỹ nhảy vào Đông Dương ngon lành, không mang tiếng thực dân xâm lược…”. Và ngay trong đêm 7/5/1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã họp gấp với Ngoại trưởng Duless đề xuất chủ trương đòi Pháp trao quyền cho Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ huy quân ngụy. Một tháng sau, ngày 6/6, Mỹ ép Pháp và Bảo Đại buộc thủ tướng bù nhìn Bửu Lộc (thân Pháp) từ chức.

Thế rồi, ngày 7/7, một nội các mới với thành phần thân Mỹ là chủ yếu được dựng lên, do Ngô Đình Diệm làm thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng. Cũng trong đêm đó, Duless điện cho Smith – trưởng phái đoàn Mỹ tại Geneva: “Chắc chắn, tuyển cử có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn hết là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt”. Trước đó, ngày 26/6, Ngoại trưởng Mỹ thông báo với thủ lĩnh các đảng trong Quốc hội rằng, Hoa Kì phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ở vùng đất châu Á này. Cụ thể, Mỹ muốn xây dựng một liên minh khu vực, theo mô hình NATO ở châu Âu.

Tại Hội nghị Geneva, trưởng đoàn Mỹ đã không kí vào Tuyên bố cuối cùng, để rảnh tay thực hiện ý đồ can dự vào Việt Nam. Và khi các chữ kí trên bản Hiệp định còn chưa ráo mực, ngày 8/8/1954 (18 ngày sau khi Hội nghị Geneva kết thúc), Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chính thức quyết định hất cẳng Pháp, thay Pháp nhảy vào miền Nam. Quyết định nêu rõ: Mỹ trực tiếp viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn, không qua Pháp; Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam và phải ủng hộ Diệm; loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp...

Ngày 8/9/1954, Mỹ lôi kéo các nước đồng minh thành lập Khối hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự bảo trợ của tổ chức này. Ngày 17/11, Mỹ cử tướng Collin sang làm đại sứ ở Sài Gòn. Tháng 1/1955, chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ tới tay quân đội Sài Gòn. Ngày 1/11/1955, Mỹ lập MAAG – Việt Nam (thay cho MAAG – Đông Dương) để tổ chức lại Quân đội quốc gia Việt Nam do Pháp lập ra ngày 11/5/1950 thành Quân đội Việt Nam cộng hòa, huấn luyện và trang bị vũ khí cho đạo quân này chống lại nhân dân miền Nam. Ngày 26/4/1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam, hai ngày sau đó, phái đoàn MAAG của Mỹ chính thức nắm và huấn luyện quân đội Sài Gòn…

Nhà sử học Mỹ Cecil B. Currey thừa nhận là: “... ngay từ đầu, Duless đã nhìn hội nghị Geneva với con mắt nghi ngờ. Ông ta biết tất nhiên sẽ có một giải pháp nào đó và lo sợ trước ý nghĩ một khoảng trống quân sự sẽ để lại ở Đông Nam Á khi người Pháp ra đi. Ông ta muốn Mỹ phải đứng chân vững chắc trong khu vực và dùng Việt Nam như một mắt xích chính trong vành đai an toàn (Cordon Sanitaire) mà ông ta muốn thiết lập. Khi xung quanh bàn đàm phán im lặng trong chốc lát, phái đoàn Mỹ đã nghe thấy các quân bài domino đổ dây chuyền”.