“Tôi không thấy ấn tượng lắm với con số đó”
(TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách)
Tôi thấy không có gì đặc biệt lắm. Kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay thì vẫn phục hồi nhẹ, chuẩn bị cho một loạt các Hiệp định thương mại được ký kết liên tục từ giờ cho đến năm sau.
Chỉ có 2 vấn đề lớn nhất nổi lên đó là ngân sách và nợ cộng. Thâm hụt ngân sách và nợ Chính phủ là vấn đề sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Cộng thêm việc tỷ giá diễn biến thêm vấn đề Trung Quốc, làm cho đồng Việt Nam tiếp tục giữ ở mức mạnh so với các nước khác, điều đó sẽ là bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam
Tôi không thấy ấn tượng lắm mới con số tăng trưởng GDP (cao nhất 5 năm qua – PV) đó vì chưa biết thực chất nó đến đâu. Bởi vì nếu nhìn vào đời sống kinh tế thì tôi không nhìn thấy có cái gì biến đổi nhiều hay ấn tượng lắm.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách
Theo tôi, Việt Nam vẫn tiếp tục sẽ không bị đi xuống, giữ được đà tăng trưởng từ từ, nhưng vẫn rất là mong manh, không phải bền vững. Mình phải tiết kiệm hết sức trong việc tích lũy tăng trưởng từng chút một.
Dự báo từ nay đến cuối năm, mọi thứ chắc không có gì biến động mạnh, trừ biến động khác của nền kinh tế thế giới như là sự biến đổi của nền kinh tế Trung Quốc, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với Việt Nam.
“Lo ngại”
(Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh)
Nói về mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2015, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại tỏ ra “lo ngại”. Ông Trinh cho rằng, trong khi nền kinh tế liên tục xuất siêu từ cuối năm 2014 đến nay thì mức tăng trưởng do phía tổng cầu tăng cao.
“Việc người dân tiêu dùng quá nhiều dẫn đến để dành sẽ ít đi. Như vậy sẽ dẫn đến 2 khả năng: Muốn đầu tư lại phải đi vay hoặc không đầu tư. Cả hai điều này đều khiến nền kinh tế suy trầm”, ông Trinh nói.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, tăng trưởng GDP thực ra không phải tất cả, mà khoảng cách giữa để dành và đầu tư mới là vấn đề quan trọng của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Về triển vọng cả năm 2015, ông Trinh nhận định nếu theo chỉ đạo Thủ tướng, tiếp tục giữ ổn định đồng tiền Việt Nam, kiên quyết không phá giá như kiến nghị của một số chuyên gia kinh tế thì các mục tiêu tăng trưởng đề ra hồi đầu năm hoàn toàn có thể đạt được.
“Ngược lại, nếu nghe các chuyên gia nới thêm biên độ tỷ giá thì sẽ thành một làn sóng vô cùng nguy hiểm. Bởi khi người dân rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ, lúc đó sẽ kéo nền kinh tế suy trầm...”, ông Trinh phân tích.
“Xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại”
(TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương)
Tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2015 đạt 6,28%, cao nhất kể từ năm 2009 đến nay là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Tăng trưởng đạt được chủ yếu nhờ công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 9,1% có đóng góp quan trọng của khai thác dầu khí. Đơn đặt hàng tăng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như điện thoại thông minh của Samsung, lĩnh vực dệt may, da giày. Lạm phát thấp, tiêu dùng trong nước có cải thiện.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
Khu vực kinh tế dân doanh có dấu hiệu hồi phục yếu ớt với số doanh nghiệp mới đăng ký tăng nhẹ nhưng đa số doanh nghiệp đang hoạt động chưa có lợi nhuận.
Thực tế nền kinh tế nửa đầu năm nay cho thấy, bên cạnh những biểu hiện tích cực đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Cụ thể như bội chi ngân sách tăng cao, Bộ Tài Chính phải đề nghị vay tới 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tăng thu các loại phí, nợ công tiếp tục tăng nhanh…
TUẤN MINH theo BizLive