Giúp nông dân chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thay vì cách sản xuất và bán hàng truyền thống nhỏ lẻ, giờ đây nông dân bắt đầu quen với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để bán với sô lượng lớn và giá cả tốt hơn.

Nông sản được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, sàn thương mại điện tử Shopee và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) - đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử Postmart, với mục tiêu hỗ trợ đưa nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.

Ngay sau khi thỏa thuận hợp tác được ký kết, đặc sản xoài Yên Châu đã được đưa lên tiêu thụ trên hai sàn thương mại điện tử Shopee và Postmart. Riêng với Postmart, bà con nông dân ở Sơn La cũng vừa được Vietnam Post hỗ trợ mở gian hàng đặc sản mận hậu trên sàn thương mại điện tử này để có thể nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng cả nước.

Những tháng gần đây, Vietnam Post còn hỗ trợ nông dân nhiều tỉnh, thành đưa nông sản lên bán trên sàn Postmart, như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn, dứa Lục Nam (Bắc Giang), hành tím (Sóc Trăng), dưa hấu (Quảng Bình), mít thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Toàn bộ nông sản đưa lên sàn Postmart đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo chất lượng. Qua sàn Postmart, nhiều nhà cung cấp đã chủ động giới thiệu về đặc sản vừa mang tính vùng miền vừa mang tính thương hiệu riêng của hộ gia đình đến người tiêu dùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đều đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để vừa đảm bảo chống dịch. Hiện đã có nhiều nền tảng thương mại điện tử tham gia hỗ trợ nông dân 2 tỉnh này tiêu thụ vải thiều. Mới đây, 4 sàn thương mại điện tử gồm Postmart, Vỏ Sò, Sendo và Lazada, đã mở bán vải Hải Dương và Bắc Giang.

Giúp nông dân chuyển đổi số ảnh 1
Nông dân bắt đầu quen với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để bán với sô lượng lớn và giá cả tốt hơn.

Tìm cách hỗ trợ nông dân chuyển đổi số

Sau thời gian triển khai chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông dân tiêu thụ nông sản, VietnamPost cho hay, đã tiến hành khóa đào tạo về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart cho các hộ kinh doanh 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình, số nhà cung cấp sau đó đưa sản phẩm lên sàn không nhiều. Bên cạnh lý do nhiều người chưa quen sử dụng công nghệ, một khó khăn không nhỏ là việc thay đổi tư duy “bán hàng truyền thống” của các hộ, hay sự hoài nghi về hiệu quả của việc đưa sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử.

“Qua thời gian triển khai chiến dịch tại Hải Dương, chúng tôi nhận thấy việc tiếp nhận công nghệ của bà con còn nhiều hạn chế, mặc dù đội ngũ Vỏ Sò đã trực tiếp đến tận các nông trại, nhà vườn để hướng dẫn”, đại diện Viettel Post chia sẻ thêm.

Cả hai doanh nghiệp bưu chính VietnamPost, ViettelPost đều có chung nhận định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nông dân là việc cần được chú trọng đầu tiên. Điểm đặc biệt là những chia sẻ ở các buổi hướng dẫn này do chính những “người truyền cảm hứng” - hộ nông dân tại chính địa phương đã và đang kinh doanh thành công trên sàn thương mại điện tử.

Để chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số đạt hiệu quả mong muốn, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện ViettelPost đề xuất Bộ TT&TT chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số các địa phương với vai trò định hướng và làm cầu nối liên kết với các bộ, ngành cùng các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú cho biết, việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử của các hợp tác xã, người nông dân còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực hiểu biết về CNTT; đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường khá xa lạ với các hợp tác xã. Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả cho các địa phương thông qua kênh này.

Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã lên kế hoạch phối hợp với Vietnam Post triển khai chương trình hỗ trợ nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hóa, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).

Ứng dụng công nghệ để dự báo sản lượng nông sản hỗ trợ nông dân

Cho đến thời điểm này, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đã nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như FPT, VNPT, Thaco… Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, cần phải có sự bắt tay của 3 nhà là “Nhà nông - Nhà bán lẻ - Nhà công nghệ”. Trong đó, nhà công nghệ sẽ đưa công nghệ hỗ trợ nhà nông chăm sóc cây trồng cũng như phân tích về sản lượng, thời gian và cách chăm sóc, thời gian thu hoạch chính xác để có được năng suất cao và chất lượng tốt. Ngoài ra, có thể dùng nền tảng công nghệ để hỗ trợ nhà nông tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, rất nhiều hệ thống kênh phân phối tại Việt Nam đang nằm trong tay nước ngoài, có thể là trở ngại cho tiêu thụ nông sản Việt. Bởi các kênh phân phối nước ngoài thường dựng lên những rào cản kỹ thuật và chất lượng, nếu nông sản Việt Nam không đáp ứng được sẽ không thể bước chân vào hệ thống siêu thị. Đây cũng là bài toán đặt ra ở tầm vĩ mô cần sớm giải quyết trong mô hình nông nghiệp thông minh.

Ông Trần Quang Cường, CEO Nextfarm - một công ty chuyên ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cho biết, nông nghiệp thông minh nếu giải được bài toán dự báo sản lượng sẽ giúp cho người nông dân rất nhiều, tránh chuyện phải giải cứu nông sản như hiện nay. Thực tế, việc dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa được ứng dụng công nghệ để xử lý nên vẫn chủ yếu dự báo bằng kinh nghiệm. Tại một số nước có công nghiệp nông nghiệp như Australia, họ không những ứng dụng công nghệ dự báo sản lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra mà còn để dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu này tốt nhất. Một trang trại họ có thể biết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của một siêu thị mà họ cung cấp ra sao để cung cấp cho siêu thị này, tránh trường hợp dư thừa hoặc thiếu nông sản.

CEO Nextfarm đưa ra ví dụ, nếu vải thiều ở Lục Ngạn hay thanh long ở Bình Thuận được ứng dụng công nghệ xử lý dự báo tốt thì chính quyền và người dân sẽ biết tương đối chính xác sản lượng năm đó khoảng bao nhiêu, từ đó mới có đủ thời gian lên kế hoạch để tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Cường, có thể thấy bài toán về ứng dụng công nghệ để dự báo sản lượng nông nghiệp cực kỳ thiết thực, nhưng chưa có bên nào làm. Vì thế thỉnh thoảng chúng ta lại thấy rộ lên việc giải cứu nông sản như dưa hấu, khoai lang, gừng, thanh long… Đó là hệ quả của việc không dự báo được sản lượng nông sản cho từng mùa vụ. "Nếu ứng dụng CNTT để dự báo chính xác sản lượng từng loại nông sản, chúng ta sẽ giải được vấn đề, từ đó không phải giải cứu nông sản như vậy nữa", ông Cường khẳng định.

Theo ICTNews