Nông nghiệp giải bài toán thị trường mở đường cho 4.0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ứng dụng công nghệ và giải bài toán thị trường được xem là đòn bẩy cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ làm nông nghiệp thông minh

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là nông nghiệp tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp dẫn đến khó cạnh tranh. Nhưng nếu ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Cho đến thời điểm này, khá nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tuyên bố nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao như: Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hoà Phát, Thaco… và gần đây là VNPT.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen và đó chính là số.

Theo Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể đặt câu hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết. Ông Bình đưa ví dụ, trước nay nông dân thường đi bắt sâu, lúc nhìn thấy thì bắt được nhưng không bao giờ nhìn thấy hết. Để chọn cách an toàn, bà con phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của Việt Nam bẩn hơn, giá thấp.

Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể thả một máy bay không người lái (drone) bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì máy tính sẽ báo cho nông dân biết nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”, ông Trương Gia Bình nói.

"Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh và kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.

Ứng dụng công nghệ và giải bài toán thị trường được xem là đòn bẩy cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ và giải bài toán thị trường được xem là đòn bẩy cho nông nghiệp và
nông dân Việt Nam.

Gần giống như mô hình mà FPT đưa ra, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết, để làm nông nghiệp thông minh, VNPT đã chọn mô hình hợp tác với đối tác OPTiM (công ty chuyên về sản xuất các thiết bị IoT, AI và cung cấp hỗ trợ giải pháp từ xa, nông nghiệp thông minh hàng đầu Nhật Bản). Cụ thể, drone sẽ bay trên các cánh đồng lớn chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh và sau đó chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Như vậy, có thể tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch thì phần ruộng đã bị phun thuốc được đánh dấu và bỏ ra, vì vậy sẽ có sản phẩm nông nghiệp sạch 100% không có thuốc trừ sâu.

Drone còn chụp ảnh và chuyển về phân tích dữ liệu hóa đất đai và chăm sóc cây trồng, dự đoán sự phát triển của cây trồng. Với dữ liệu này, người nông dân có thể tính toán đến khả năng thu hoạch cây trồng của mình.

Chủ tịch VNPT cho rằng, đây là mô hình đang được áp dụng tại Nhật với các cánh đồng lúa mẫu lớn, có sản phẩm gạo sạch không có thuốc trừ sâu, nông dân Nhật không phải trồng lúa trong nhà kính tốn kém để tránh sâu bệnh. Cách làm này phù hợp với nông nghiệp Việt Nam nếu có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ. VNPT nhận thấy Việt Nam có thể hợp tác với những đối tác của Nhật để triển khai nông nghiệp thông minh theo một cách làm rất khác biệt.

Nông nghiệp cần giải bài toán thị trường

Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp công nghệ nhảy vào nông nghiệp thông minh nhưng chưa có mô hình nào được phát huy rộng rãi tại Việt Nam. Có rất nhiều hướng phát triển nông nghiệp thông minh được đưa ra, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thực sự chạm tới "long mạch" của nông nghiệp Việt Nam. Hiện tỷ lệ người dân sống ở vùng nông thôn chiếm hơn 60% và nếu chúng ta có thể đưa công nghệ để thay đổi đời sống người dân vùng nông thôn sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Với tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh ứng dụng cho các hộ nông dân, nhưng trước tiên phải giải quyết được bài toán thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Nếu tạo ra thị trường tốt, việc ứng dụng công nghệ sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều vì họ thấy được lợi ích chứ không phải nỗi đau "được mùa mất giá".

Khi cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động đến mội hoạt động của đời sống thì người nông dân cũng có thể ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán thị trường của mình. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho hay, với việc tổ chức kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, người nông dân không chỉ có thêm kênh bán hàng mà qua đó có thể quảng bá tốt hơn sản phẩm của mình đến với các đối tác và người tiêu dùng.

Một ví dụ khá thú vị tại Nhật Bản, trước đây, nông sản được tập trung tại các hợp tác xã, sau đó bán cho thương lái, đến các nhà bán lẻ, rồi mới đến tay người tiêu dùng. Nhưng trang thương mại điện tử Tabe Choku cho phép nông dân bán hàng trực tiếp đến người mua không qua trung gian, đã phát triển mạnh mẽ tại thời điểm Covid-19. Tabe Choku trở thành một trong những nền tảng trung gian được sử dụng ở lĩnh vực nông sản. Người mua lựa chọn nông sản từ các trang trại, giao tiếp với nông dân trước khi quyết định mua. Nhờ đó khách hàng biết rõ nguồn gốc thực phẩm và mức độ an toàn của hàng hoá. Trên trang Tabe Choku, hiện có khoảng 10 ngàn loại nông sản bày bán, gồm rau củ, trái cây, hải sản,... Trang thương mại điện tử này được Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản hỗ trợ để phát triển nhanh hơn.

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đang hỗ trợ các hộ nông dân để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử là Postmart và Voso để giúp họ bán sản phẩm ra toàn quốc. Bộ TT&TT kỳ vọng với cách này sẽ giúp người nông dân có được thị trường lớn và bán được sản phẩm của họ với giá cao, đồng thời người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm có nguồn ngốc và chất lương rõ ràng. Bộ TT&TT đã xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.

Theo Vietnamnet