Giữa hai hiện thực

Từ xưa tới giờ, bà con dân mình hễ cần khẳng định thứ gì ăn ngon tới mức độ nào, thì chỉ việc lôi con gà ra (như cái thước đo) để so sánh. Thỏ, cá, cóc, ếch, rùa, rắn, ba ba, cá sấu, kỳ nhông, kỳ đà... hai giò, bốn cẳng, trên bờ, dưới nước, leo cây bất kể, nếu đạt chuẩn “ngon như thịt gà” thì người ta sẽ tin ngay thịt của con vật đó thiệt sự là ngon.
Muốn thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải trở thành quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng này không có chỗ cho sự chậm trễ khi tốc độ giữ vai trò quyết định. Trong ảnh: một dự án xe máy điện cộng đồng (dùng

Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định, ô tô tự lái, việc can thiệp vào bản đồ gen... có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa. Và đây chính là lúc công việc của con người trong tương lai không xa sẽ thay đổi chóng mặt.

Công nghiệp 4.0

Ý thức được điều này, trong một cuộc thảo luận tay ba hồi tháng 8-2016 do Tổng thống Mỹ Obama chủ động sắp xếp giữa ông với doanh nhân kiêm Giám đốc Media Lab của Viện Công nghệ Massachusets (MIT) Joi Ito và Scott Dadich của tạp chí Wired để bàn về tác động của AI trong 50 năm tới, Tổng thống Obama nói: “Nhận xét chung của tôi là AI đã thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta bằng đủ mọi cách, chỉ có điều là chúng ta không nhận ra nó, lý do một phần là vì cái cách chúng ta nghĩ về AI nhuốm màu văn hóa đại chúng. Nhưng có sự phân biệt giữa AI tổng quát và AI chuyên biệt... Chúng ta đã thấy AI chuyên biệt trong mọi mặt của cuộc sống, từ y khoa đến vận tải, đến cách phân phối điện năng, và nó hứa hẹn tạo nên một nền kinh tế có năng suất và hiệu quả cao hơn. Nếu thuần phục nó một cách thích hợp, nó sẽ tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội khổng lồ. Nhưng nó cũng có những tác dụng phụ mà chúng ta cần hình dung ra về mặt làm sao để không loại bỏ công ăn việc làm. Nó có thể làm gia tăng bất bình đẳng. Nó có thể loại bỏ tiền lương lao động”.

Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới trong cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ông, đã mô tả những điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng hầu hết dựa trên những tiến bộ công nghệ trước đó. Trong cuộc cách mạng thứ tư, chúng ta sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.

Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỉ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.

Tuy nhiên, GS. Schwab cũng chỉ ra những mối lo ngại của ông về khả năng các tổ chức, doanh nghiệp có thể sẽ chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ tối tân hay các chính phủ sẽ gặp khó trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. Trong cuốn sách, ông cũng đề cập đến việc công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo. Chẳng hạn khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm. Theo một con số ước tính, khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa.

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, các hệ thống chính trị, xã hội hay kinh doanh của chúng ta chưa thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển đổi mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại, nhưng trong tương lai, những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra.

GS. Schwab nhận định: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”.

Đó là một hiện thực đã và đang xảy ra trên thế giới và bằng nhiều ngóc ngách cũng đang thâm nhập nước ta: qua các thiết bị công nghệ số, qua chiếc điện thoại thông minh mà với nó người ta có thể làm được rất nhiều việc chứ không chỉ là nghe và nhắn tin: mua hàng, đặt xe, đặt phòng khách sạn, đặt món ăn, đặt tour, và vô số ứng dụng khác. Rồi sẽ đến lúc người Việt cũng sẽ làm quen với các thiết bị, công nghệ AI... Mới đây tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) chẳng đã khai trương khu phẫu thuật với robot da Vinci là gì?

Để không còn cảnh tàu đến nhưng không bước lên tàu

Ở Việt Nam chúng ta phải khuyến khích hơn nữa một thể chế, một xã hội có nhiều đổi mới sáng tạo, phản biện; khuyến khích một nền kinh tế mà tài nguyên, kể cả chính sách, không bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, bị gặm nhấm bởi tệ nạn tham nhũng; khuyến khích một xã hội mà văn hóa và đạo đức, niềm tin không bị xói mòn.

Tiến sĩ Lê Bá Ân trên tạp chí Khoa học và Phát triển cho rằng: Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng của công nghiệp 4.0. Nếu không thay đổi, không có quyết tâm cao nắm bắt cơ hội do cuộc cách mạng sản xuất mới mang lại, Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn vì lao động chi phí thấp đang mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ, tri thức nới rộng.

Muốn hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu. Muốn thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải trở thành quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cuộc cách mạng này không có chỗ cho sự chậm trễ khi tốc độ giữ vai trò quyết định. Bởi những sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ robot hay trí tuệ nhân tạo... sẽ liên tục được cập nhật và thay thế.

Đòi hỏi của thực tế là vậy, thế nhưng, như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đại diện trường Fulbright Việt Nam, nói khi công bố báo cáo về 10 năm Intel hoạt động ở Việt Nam: “Intel mang con tàu đến để giúp đưa chúng ta ra thế giới, nhưng chúng ta không lên con tàu đó”.

“Cách đây 10 năm, bỏ qua các ứng viên khác như Bangkok (Thái Lan), Đại Liên (Trung Quốc), Chennai (Ấn Độ), Intel đã chọn TPHCM để đặt nhà máy, đó không hoàn toàn do những ưu đãi của ta tốt hơn các nước khác. Các tập đoàn lớn có tầm nhìn xa, không phải họ đến chỉ vì những ưu đãi, họ đến vì thấy ta có tiềm năng về thị trường, nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế cao, ổn định chính trị. Intel đã thành công ở Việt Nam. Ta cũng thành công khi thu hút được họ và sau này là các tập đoàn lớn khác như Samsung, Canon, LG, Fuji... Nhưng thành công của ta không trọn vẹn”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Không trọn vẹn ở chỗ chúng ta vẫn chỉ tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị thấp. Sản phẩm chipset của Intel đóng mác “made in Vietnam” nghe thì sang trọng nhưng sự hiện diện của chúng ta trong chuỗi giá trị đó rất khiêm tốn. Chúng ta chỉ cung ứng cho Intel, Samsung hay các tập đoàn khác đang mở nhà máy ở Việt Nam được những hàng hóa mà họ không nhập được từ bên ngoài như hạ tầng, điện, nước, vận tải, vệ sinh, bảo vệ, cảnh quan, đồ ăn uống, lao động phổ thông. Ngoài ra, chúng ta cũng cung ứng cho họ được một số nguyên vật liệu, phụ kiện gián tiếp như bao bì, khung gá, vải lau.

Nhưng chúng ta không cung ứng được các nguyên liệu trực tiếp có giá trị gia tăng cao nhất, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức cao nhất trong chuỗi sản xuất như tụ, chất tạo dòng, bo mạch, màn hình, vỏ máy, thậm chí cả nhựa hàn, keo dán, máy móc và dây chuyền sản xuất thì rõ ràng càng không có. “Có Intel, Samsung, Canon ở Việt Nam, ta giống như đang mặc một bộ đồ rất đẹp, nhưng bên trong bộ đồ đó là một cơ thể còm cõi, xương xẩu”, ông Tự Anh ví von. (Kinh tế Việt Nam và đường cong nụ cười, TBKTSG 9-12-2016).

Có lẽ trong cùng mạch tư duy về nguyên nhân tụt hậu ấy của Việt Nam, trong một hội thảo về thị trường Mỹ và thế giới sau chiến thắng của tân Tổng thống Mỹ Trump, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhận định rất thẳng thắn: 30 năm qua, Việt Nam đã đổi mới rất nhiều, từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, nhưng bộ máy vận hành vẫn giữ nguyên như thời bao cấp, không ứng phó kịp thời, không tương thích, không phù hợp.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để có sự tương thích, sự phù hợp giữa thể chế của Việt Nam với cái hiện thực gần, hiện thực đang tới, sắp tới, đang vẫy gọi và đòi hỏi kia? Để chúng ta không phải nhìn con tàu công nghiệp 4.0 lao vút đi và chúng ta thì đứng lại ở sân ga. Như đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.

Theo TBKTSG