Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 15/6 dẫn một bài báo đăng trên New York Times ngày 14/6, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), 57 tuổi, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán nổi tiếng với biệt danh “Người Dơi”, đã xuất hiện, nhấn mạnh rằng giả thuyết về vụ rò rỉ coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) từ phòng thí nghiệm là "hoàn toàn vô căn cứ”. Bà nói: "Tôi chắc chắn rằng mình không làm gì sai nên không có gì phải lo lắng".
New York Times đưa tin rằng “Thói quen giữ bí mật của Trung Quốc” khiến tuyên bố của bà Thạch Chính Lệ khó được xác minh. Bài báo nhắc đến việc Trung Quốc từ chối tiến hành một cuộc điều tra độc lập đối với Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán và nước này cũng từ chối chia sẻ dữ liệu nghiên cứu của mình, điều này càng làm gia tăng sự nghi ngờ của thế giới bên ngoài.
Deutsche Welle viết, vào ngày 14/6, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển đã thúc giục Trung Quốc tham gia vào cuộc điều tra mới về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề vào được phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Bà Thạch Chính Lệ được Trung Quốc coi là người hùng chống virus (Ảnh: Sina). |
Vào ngày 27/5, ông Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ phải làm rõ trong vòng 90 ngày về nguồn gốc của virus rốt cuộc là do động vật lây truyền sang người hay là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Cũng lúc này, cơn sóng gió về nguồn gốc của SARS-CoV-2 đang ngày càng phát triển. Gần đây, tin đồn lan rộng trên Internet rằng "quan chức cấp bậc cao nhất của Trung Quốc đào thoát" để vạch trần thuyết âm mưu “Trung Quốc phát triển vũ khí sinh hóa", liên tục được lan truyền trên các phương tiện truyền thông cực hữu của Mỹ và báo chí chống Trung Quốc.
Một số thí nghiệm của bà Thạch Chính Lệ đối với coronavirus ở loài dơi được thực hiện trong các phòng thí nghiệm với mức độ an toàn sinh học thứ hai (BSL-2) bị người ngoài nghi ngờ rằng các biện pháp phòng hộ chưa được thực hiện đầy đủ và có thể làm rò rỉ virus.
Ngay sau khi loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán đã trở thành một hướng để truy tìm nguồn gốc virus, và bà Thạch Chính Lệ đã trở thành trọng tâm của việc này. Đối với nhiều chính trị gia và nhà khoa học Mỹ, bà Thạch Chính Lệ là chìa khóa để xác nhận nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nhưng đứng trên quan điểm của chính phủ Trung Quốc, bà là một người anh hùng chống virus và cũng là “nạn nhân của thuyết âm mưu”.
Thuyết về vụ rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm đã trải qua nhiều cuộc tranh luận lặp đi lặp lại, từ việc bị hầu hết các nhà khoa học coi là không đáng tin cậy trong giai đoạn đầu, đến "rất khó xảy ra" do nhóm điều tra ở Vũ Hán của WHO báo cáo, sau đó là Trung Quốc không cung cấp các thông tin quan trọng, cộng với sự quan tâm đặc biệt của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, giả thuyết này đã không bao giờ hoàn toàn biến mất.
Tổng giám đốc WHO Tedros Tedros trước đây chưa bao giờ đồng ý với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nay cũng phát biểu một cách thận trọng, nói rằng lý thuyết về virus rò rỉ phòng thí nghiệm cần được điều tra lại. Các chính trị gia và nhà khoa học do Mỹ đứng đầu cũng bày tỏ tập thể không thể loại trừ. Ngoài ra trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nổi lên các tiếng nói yêu cầu một cuộc điều tra thứ hai ở Vũ Hán, giới tình báo Mỹ cũng đang làm rõ nguồn gốc của virus.
Trước các thông tin dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, nói rằng ba nhân viên của Viện virus học Vũ Hán có các triệu chứng tương tự như bệnh COVID-19 và đã đến bệnh viện điều trị vào tháng 11/2019, bà Thạch Chính Lệ trả lời rằng không có chuyện đó và nói: "Nếu có thể, bạn có thể cung cấp tên của ba người này để giúp chúng tôi điều tra được không?".
Trên thực tế, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây cũng đã đặt câu hỏi về thông tin tình báo trên, nói rằng có vấn đề với phương pháp luận này. Hiện nay, cộng đồng tình báo Mỹ đang tích cực tìm kiếm các manh mối về nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Viện Virus Vũ Hán - nơi bị nghi ngờ xảy ra sự cố rò rỉ SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: AP). |
Mặc dù các nhà khoa học phổ biến cho rằng không có bằng chứng trực tiếp nào hỗ trợ cho lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nhưng nhiều người hiện nay đã nhảy ra nói rằng giả thuyết này đã bị phủ nhận một cách vội vàng mà không được điều tra kỹ lưỡng. 18 nhà khoa học nổi tiếng đã ký tên trong thư ngỏ đăng trên tạp chí Science danh tiếng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra minh bạch về tất cả các khả năng, yêu cầu các phòng thí nghiệm và tổ chức y tế công khai hồ sơ, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch.
Cũng có nhà khoa học cho rằng bà Thạch Chính Lệ đã không thực hiện đủ các biện pháp phòng hộ trong phòng thí nghiệm để đối phó với coronavirus ở loài dơi. Bà Thạch Chính Lệ nói với New York Times rằng bà không thể cung cấp chứng cứ cho một vấn đề mà không có bằng chứng và bà không biết tại sao thế giới lại thay đổi thành như thế này, “họ không ngừng hắt nước bẩn lên một nhà khoa học vô tội".
Thạch Chính Lệ nói rằng việc chính trị hóa nguồn gốc của virus đã khiến bà mất đi sự nhiệt tình trong việc điều tra vấn đề này. Hiện tại, bà đã chuyển sang tập trung vào vaccine COVID-19 và các đặc tính của SARS-CoV-2. Thạch Chính Lệ nói rằng thời gian trôi qua, trái tim bà đã bình tĩnh trở lại.
Trong thời gian sắp tới, chắc chắn cái tên Thạch Chính Lệ sẽ lại là một cái tên "hot" trên truyền thông quốc tế.