|
Lực lượng IRGC phóng tên lửa diệt khủng bố ở Syria |
Đêm 18/6, một máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn rơi một máy bay của Syria sau khi máy bay này được cho là ném bom gần vị trí của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Đến ngày 20/6, Lầu Năm Góc lại tuyên bố đã bắn rơi một máy bay không người lái do Iran chế tạo ở miền đông nam nước này, nơi binh lính Mỹ đang huấn luyện nhiệm vụ chống IS.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, quân đội Mỹ đã tấn công chế độ Syria và các đồng minh của Assad ít nhất 5 lần, và hầu hết các trường hợp này đều để bảo vệ những phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn. Ngay cả khi Lầu Năm Góc có thể không muốn liên quan trực tiếp đến các lực lượng ở Syria hay các liên minh do Nga và Iran hậu thuẫn, nhưng các sự cố gây căng thẳng vẫn diễn ra, đặc biệt là khi nhiều lực lượng tiếp tục tiến về miền đông và miền nam Syria để tranh giành lãnh thổ từ tay IS. Về phần mình, Nga lên án một cách giận dữ hành động của Mỹ và đe dọa sẽ coi tất cả các máy bay của liên minh xuất hiện trên bầu trời Syria là mục tiêu tiềm tàng, Defense One cho hay.
Tuy nhiên, những mối nguy hiểm có lẽ đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn với Iran, nước đã phóng tên lửa từ lãnh thổ Iran để tiêu diệt IS ở tận miền đông Syria. Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho biết những quả tên lửa này tấn công các mục tiêu ở tỉnh Deir Ezzor để đáp trả lại hai cuộc tấn công của IS vào Tehran hôm 7/6 khiến 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Các cuộc tấn công này đánh dấu lần đầu tiên IS xâm hại vào bên trong Iran.
Dù quân đội Iran có một số công cụ ít tính răn đe hơn để trả đũa IS nhưng rõ ràng họ đã cố tình không sử dụng chúng. Thay vào đó, hành động trả thù của Iran dường như là một thông điệp nhằm vào cả chính quyền ông Donald Trump lẫn Ả Rập Xê-út, Defense One nhận định (6 quả tên lửa đạn đạo mà Iran tấn công IS có tầm bắn 700km, hoàn toàn có thể vươn tới các thành phố lớn của Ả Rập Xê-út). Trong thời gian gần đây, Ả Rập Xê-út đã được củng cố quyền lực trong khu vực và liên tục đưa ra các luận điệu chống Iran, nhờ thông điệp ủng hộ không điều kiện của ông Trump với lãnh đạo Ả Rập.
Đồng thời, việc ông Trump sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại chế độ tổng thống Assad và các bên ủng hộ Assad càng thúc đẩy nguy cơ một cuộc đối đầu mở rộng. Điều này đi ngược lại những gì ông Trump từng tuyên bố là ưu tiên hàng đầu, đó là tiêu diệt IS ở Iraq và Syria. Từ một ứng viên vận động người dân bằng những lời cam kết tránh can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria, ông Trump đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang bùng nổ trong khu vực, cuộc chiến có thể xác định lại mọi nguồn lực của Trung Đông thời hậu chiến.
Các sự kiện hôm 18/6 đã khiến nguy cơ leo thang chiến tranh ngày càng tăng cao, đi kèm với nó là sự phức tạp của các liên minh trong cuộc chiến. Cuộc đối đầu bắt đầu khi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cùng lực lượng SDF (liên minh của người Kurd, người Ả Rập dòng Sunni, người Thiên chúa giáo và người Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị tấn công bởi lực lượng ủng hộ chính phủ ở miền nam Tabqa, nơi có một con đập chiến lược bị IS chiếm giữ một số năm trước khi được SDF giành lại hồi tháng Năm.
Trong suốt một năm qua, SDF và YPG (Lực lượng tự vệ người Kurd) đã cố tránh đối đầu với quân đội chính phủ. Tuy nhiên phương thức hành động này có lẽ đang thay đổi khi chính quyền Assad cùng đồng minh đang trở nên quyết liệt hơn trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát ở miền đông nam Syria. Lầu Năm Góc đã phối hợp hành động ở Syria cùng quân Nga và các quan chức Mỹ cho biết họ đã liên lạc với Nga theo đường dây “giảm xung đột”, yêu cầu Nga can thiệp vào lực lượng chính phủ để ngăn chặn các cuộc tấn công. Nhưng hai giờ sau đó, một máy bay của quân đội Syria đã bị Mỹ cáo buộc ném bom gần vị trí của SDF và đã bị máy bay hải quân Mỹ bắn rơi, Lầu Năm Góc cho hay.
Sau đó, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ bảo vệ lực lượng nổi dậy ở Syria, phe mà Mỹ đã huấn luyện và trang bị vũ khí để tấn công IS ở Raqqa trong hơn một năm qua. “Nhiệm vụ của liên minh là đánh bại IS ở Iraq và Syria. Liên minh không tìm cách chống lại chế độ Syria, Nga, hoặc các lực lượng ủng hộ chế độ, nhưng cũng sẽ không do dự khi bảo vệ liên minh và các lực lượng đối tác trước bất kỳ mối đe dọa nào,” Mỹ tuyên bố.
Và trong số những mối đe dọa đó, mối nguy hiểm đầu tiên trong mắt của chính quyền ông Trump chính là Iran. Trong khi ông Trump đã thay đổi suy nghĩ của mình về một số vấn đề chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, nhưng chỉ riêng với Iran, ông Trump vẫn cho rằng nước này là nhà tài trợ chính của chủ nghĩa khủng bố và là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Đồng thời, các cố vấn của ông gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster cũng là những người luôn có hướng tiếp cận cứng rắn để ngăn chặn Iran.
Iran không triển khai quyền lực mạnh mẽ ở nơi nào hơn Syria. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Tehran đã chi hàng tỷ USD viện trợ và cử hàng nghìn binh sĩ và lực lượng tình nguyện đến hỗ trợ tổng thống Assad. Trong hai năm qua, Nga và Iran cùng lực lượng Hezbollah và các lực lượng dân quân Iraq dòng Shiite đã giúp Assad củng cố quyền kiểm soát và giành được lãnh thổ từ tay phiến quân và lực lượng thánh chiến. Vào tháng 12, với các cuộc không kích của Nga và sự hỗ trợ trên bộ của Iran, quân đội Assad đã giành lại được Aleppo, thành phố lớn nhất Syria do phiến quân chiếm đóng. Đó là chiến thắng lớn nhất của Assad kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Thành tựu tiếp theo của Assad và các đồng minh là tỉnh Deir Ezzor miền đông Syria, nơi có các mỏ dầu tầm trung của đất nước. Ở khu vực sa mạc này có một số cửa khẩu biên giới giữa Syria, Iraq và Jordan và đường cao tốc chiến lược nối Damascus và Baghdad. Trong những tuần gần đây, quân đội Syria, cùng với Hezbollah và lực lượng dân quân dòng Shiite khác đã và đang cố gắng tăng cường quyền kiểm soát khu vực và kết nối với các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, lực lượng đang chiến đấu để đánh bại IS ở phía Iraq.
Điều này khiến chính quyền ông Trump lo ngại rằng Iran và các đồng minh của nước này sẽ tạo ra một "lưỡi liềm Shiite" kéo dài từ Iran, qua Iraq và Syria, tới Lebanon, nơi mà Hezbollah là lực lượng chính trị và quân sự hùng mạnh nhất. Triển vọng như vậy ngày càng hiện rõ, khiến không chỉ chính quyền Trump mà các đồng minh của nước này trong thế giới Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Xê-út lo lắng.
Kể từ khi nhậm chức, Donald Trump và các cố vấn hàng đầu của ông đã thay đổi giọng điệu để thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng hơn cho Ả Rập Xê-út và các đồng minh Hồi giáo dòng Sunni, đồng thời đổi lại là cái nhìn khắt khe hơn đối với Iran. Sự thay đổi này đã được củng cố trong chuyến thăm của ông Trump tới Ả Rập Xê-út, nơi ông chọn là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên làm Tổng thống.
Giống như các đối tác Ả Rập, ông Trump cáo buộc các vấn đề của Trung Đông hiện nay đều là kết quả của "chính sách hiếu chiến" của Iran và chủ nghĩa khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Cho dù chính Ả Rập Xê-út cũng gây ra những hành động gây mất ổn định khu vực, trong đó không thể không kể đến cuộc chiến thảm khốc ở Yemen và vụ cấm vận Qatar mới đây, Defense One nhận xét.
Trong khi đó, các quan chức Iran đang ngày càng thất vọng vì chính quyền ông Trump liên tục vi phạm thỏa thuận đã ký với Tehran vào tháng 7/2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Lãnh đạo Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, cũng đã kịch liệt phản đối của ông Trump trong bài phát biểu đầy cứng rắn hôm 18/6.
Thực tế, Mỹ đã và đang mạo hiểm với chính sách mới. Dưới thời ông Obama, chính sách của Mỹ ở Syria chỉ tập trung vào chống IS và lờ đi chính quyền Assad, cố gắng không để các đồng minh của Mỹ xung đột lẫn nhau. Nhưng giờ đây, ông Trump đã từ bỏ cách tiếp cận mơ hồ đó bằng cách cố gắng ngăn chặn tham vọng của Iran và chế độ Assad ở miền nam Syria, đồng thời ủng hộ kế hoạch trang bị vũ khí cho người Kurd ở Syria, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 5/2017, chính quyền ông Trump đã phê chuẩn kế hoạch của Lầu Năm Góc cung cấp vũ khí cho lực lượng SDF chiến đấu tiêu diệt IS ở Raqqa, thủ đô tự xưng của IS. Quyết định này khiến hai đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở Syria càng mâu thuẫn nặng nề hơn.
Trong khi Lầu Năm Góc cố biện minh cho hành động bắn rơi máy bay Syria là biện pháp phòng vệ, chế độ của tổng thống Assad và các đồng minh của Iran coi đây là hành vi xâm lược. Và bằng cách tăng cường tầm với quân sự ở Syria trong vụ phóng tên lửa tấn công IS, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các lực lượng đồng minh khác đang khiến quan hệ với chính quyền ông Trump trở nên căng thẳng hơn, và căng thẳng này có thể sẽ bùng phát trong cuộc chiến ở miền nam Syria sắp tới, Defense One cảnh báo.