Nhận diện những trẻ cần giáo dục chuyên biệt
Sự thiếu hụt về cấu trúc và hạn chế về chức năng ở trẻ khuyết tật biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Các nhóm trẻ khuyết tật chính gồm trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác.
Giáo dục chuyên biệt là hình thức tách trẻ em có các dạng khuyết tật khác nhau vào học trong các cơ sở giáo dục/trường riêng. Trong đó, có thể trẻ cùng loại tật vào học chung một trường nhưng cũng có thể nhiều trẻ khuyết tật khác nhau vào học chung một trường. Mỗi lớp học có nhiều trẻ khuyết tật ở những mức độ khuyết tật khác nhau, không giống nhau về năng lực (Ví dụ, trẻ khiếm thính vẫn còn có khả năng nghe và nói được học chung với những trẻ không nghe được âm thanh lời nói và không nói được). Vì vậy, trẻ cần được học trong những trường lớp riêng biệt, chương trình học riêng, phương tiện dạy - học riêng.
Thực trạng công tác chuyên môn tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt
Mỗi học sinh khuyết tật luôn cần một giáo trình riêng
|
Chương trình sử dụng trong các trường chuyên biệt hiện nay thiếu tính thống nhất (chưa có khung chương trình chung). Để đáp ứng nhu cầu dạy-học trẻ khuyết tật, các nhà trường thiết kế chương trình theo quan điểm riêng biệt của một nhóm người hoặc một người. Vì vậy, hiện nay có rất nhiều loại chương trình khác nhau đang được sử dụng trong các trường chuyên biệt.
Điều này làm cho nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lí chuyên môn và đánh giá chất lượng giáo dục.
Giáo viên dạy ở các trường chuyên biệt hầu hết do không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật cho nên về mặt lí luận nhìn chung còn hạn chế. Chính vì vậy, chương trình do giáo viên biên soạn thiếu cơ sở khoa học, khi xây dựng chương trình ít chú trọng vào đặc điểm, khả năng, nhu cầu của trẻ mà chủ yếu lựa chọn nội dung trong chương trình phổ thông bằng cách lược bỏ nội dung khó, trừu tượng theo cảm tính của mình sau đó sắp xếp, phân bổ cho hợp lí theo thời gian quy định của một năm học và kéo dài chương trình tiểu học 5 năm thành 8 - 9 năm cho trẻ khuyết tật.
Phạm vi sử dụng của những chương trình kiểu này rất hẹp vì nó chỉ phù hợp cho nhóm nhỏ học sinh trong môi trường đó và khó được giáo viên khác chấp nhận sử dụng nên nó không có tính phổ biến rộng rãi.
Đa số phụ huynh trẻ khuyết tật chưa được tiếp cận với chương trình giáo dục của con em mình. Chính vì vậy, vai trò của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật ở nước ta còn nhiều hạn chế. Có thể nói phụ huynh là lực lượng hỗ trợ giáo dục quan trọng bậc nhất nhưng chưa được phát huy. Phụ huynh có nhiều thời gian gần gũi trẻ, hiểu tâm sinh lí trẻ nhất nhưng do thiếu kiến thức, kĩ năng và không biết nội dung, tiến trình dạy trẻ cho nên sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất hạn chế.
Chất lượng của việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật trong trường chuyên biệt còn hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục như: chưa xác định được cơ sở cốt lõi để làm điểm tựa chính khi xây dựng chương trình; chưa có cơ quan có thẩm quyền biên soạn chương trình, quản lí, giám sát việc thực hiện chương trình nên việc sử dụng chương trình còn tùy tiện, thiếu tính thống nhất, việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường còn hạn chế.
Do không được tiếp cận với chương trình giáo dục, thiếu kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật cho nên sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất hạn chế; giáo viên tiêu tốn rất nhiều thời gian vào biên soạn chương trình nên không còn nhiều thời gian cho việc thiết kế bài dạy, tìm kiếm và làm đồ dùng dạy học, vì vậy chất lượng giảng dạy chưa đạt hiệu quả cao.
Giáo dục chuyên biệt cần cả xã hội chung tay.
Nhà trường , gia đình và xã hội hãy chung tay giúp đỡ trẻ khuyết tật
|
Một ngày đầu thu trước thềm khai giảng năm học mới, chia sẻ với chúng tôi Ths giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Biển Dương (Thành phố Vinh) – cơ sở giáo dục chuyên biệt có 5 năm kinh nghiệm cho biết: “Mỗi gia đình đều mong muốn con, em mình được sinh ra là đứa trẻ hoàn thiện, lành lặn. Nhưng thật buồn khi có những trẻ em sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh và bất hạnh; hơn nữa gia đình khi nhận biết khiếm khuyết của trẻ thì đã có phần muộn màng".
Khi nói về cơ chế chính sách của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo chuyên biệt, Ths Nguyễn Thị Thu cho biết thêm: "Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 42/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật (Thông tư 42) ; Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định về việc giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. Tuy nhiên nội dung thông tư chỉ điều chỉnh chủ yếu đến các trường công lập, còn những có sở dân lập, tư thục thì gần như không có tác động. Trên thực tế hiện nay trẻ em được giáo dục chuyên biệt phần lớn tại các cơ sở tư thục, điều kiện cơ sở vật chất rất hạn chế và các cơ sở này chủ yếu hoạt động tại các đô thị lớn nên chi phí rất cao là gánh nặng cho phụ huynh không hề nhỏ... “.
Cán bộ, giáo viên, phụ huynh của các cơ sở chuyên biệt mong muốn rằng : Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về chẩn đoán xác định bệnh lý ban đầu. Kiến tạo các cơ chế chính sách về đất đai, về lãi suất ngân hàng để tư nhân tham gia đầu tư vào các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Chi phí để tái hòa nhập một trẻ thông qua giáo dục chuyên biệt là rất lớn thậm chí là gánh nặng cho nhiều gia đình có thu nhập ở mức trung bình. Vì vậy cần kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài nước chung tay đóng góp nguồn lực để giáo dục chuyên biệt ngày càng hoàn thiện hơn, sớm đưa trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.