Gian nan các doanh nghiệp SME Singapore chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Singapore là một trong những quốc gia đang tiến hành quyết liệt công cuộc chuyển đổi số, thế nhưng quá trình này cũng không hề dễ dàng, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy việc tự động hóa các quy trình là một thách thức. Ảnh: CIO
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy việc tự động hóa các quy trình là một thách thức. Ảnh: CIO

Tại Singapore, mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ của chính phủ, quá trình số hóa vẫn đang giậm chân tại chỗ với nhiều nỗ lực không đạt được thành công. Trong khi đó nhu cầu này lại ngày càng trở nên cấp thiết.

Quá trình tiến lên những nấc thang trong chuyển đổi số vẫn còn là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Singapore. Tỷ lệ chấp nhận công nghệ số đã tăng lên đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Theo Nghiên cứu Chuyển đổi số SME của Microsoft Singapore và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa & nhỏ (ASME), sau khi khảo sát 400 chủ doanh nghiệp và những người đưa ra quyết định chính về IT, có khoảng 99% các công ty đã áp dụng công nghệ số dù chỉ là ở mức đơn giản nhất như trong công cụ giúp tăng hiệu suất làm việc trong văn phòng (office productivity tools) và email trên nền web (web-based email).

Trong khi đó cơ quan thống kê chính phủ thừa nhận rằng các doanh nghiệp SME chiếm 99% trên tổng số các doanh nghiệp tại Singapore. Các doanh nghiệp vừa (Medium businesses) được hiểu là những doanh nghiệp có doanh thu từ 10 triệu đến 100 triệu USD Singapore (SGD) mỗi năm; doanh nghiệp nhỏ (Small Business) sẽ kiếm được dưới 10 triệu SGD.

Mặc dù trong suốt khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay, việc nhận thức về tầm quan trọng và áp dụng chuyển đổi số đã tăng lên đáng kể, nhưng các doanh nghiệp SME vẫn chỉ đạt được những thành công chưa đáng kể trong hành trình chuyển đổi số của họ. Chỉ 39% các doanh nghiệp cho rằng việc triển khai kỹ thuật số của họ đã thành công. Đây được coi là một sự cải thiện quá ít ỏi khi so với con số 28% vào hai năm về trước.

“Có khả năng đây là thời gian quá sớm khi hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận chuyển đổi số. Họ chưa học được cách tối đa hóa những giá trị mà họ có thể thu được từ điện toán đám mây (Cloud). Trong năm vừa qua, trọng tâm của các khoản đầu tư vào điện toán đám mây là đạt được các thành tựu về cung cấp tài nguyên cho các mô hình làm việc từ xa (remote work models).

Chuyển đổi số yêu cầu sử dụng điện toán đám mây ở quy mô lớn hơn và giờ đây khi các công ty này đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện toán đám mây cơ bản, bước tiếp theo sẽ là bắt đầu hướng tới việc khám phá những lợi thế khác mà việc áp dụng đám mây có thể cho phép”, Peter Yuan - trưởng nhóm công nghệ khu vực Đông Nam Á tại Accenture lý giải nguyên nhân.

Ảnh: Business Fights Poverty

Ảnh: Business Fights Poverty

Theo Nghiên cứu Asia Pacific SMB Digital Maturity 2020 của Cisco Systems, mặc dù Singapore được xếp hạng đầu về "Digital Maturity Index" (chỉ số tham chiếu mô tả hiệu quả của chuyển đổi số đối với một tổ chức) nhưng thực tế Singapore vẫn chỉ đang ở vị thế “các nhà quan sát chuyển đổi số”.

Điều đó có nghĩa là nhiều quy trình vẫn chưa được tự động hóa và các doanh nghiệp đang tập trung vào giải quyết sự kém hiệu quả đến từ việc sử dụng hạn chế những phân tích, tập trung vào việc sử dụng các công cụ báo cáo và chỉ mới đang bắt đầu tạo ra một kế hoạch chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp SME giống như Sunlight Paper Products - một doanh nghiệp với tuổi đời 40 năm, chuyên cung cấp các sản phẩm khăn giấy cho khách hàng doanh nghiệp (corporate customers - những cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước hay các đơn vị có nhu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm mà doanh nghiệp đó cung cấp), cũng chỉ mới bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình bằng cách thay thế hệ thống Logistics thủ công bằng điện toán đám mây.

Điều chỉnh các nỗ lực chuyển đổi số với các mục tiêu kinh doanh

Về vấn đề cố gắng mở rộng quy mô chuyển đổi số của các doanh nghiệp, các chuyên gia đã chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp SME đã không tìm thấy kết quả kinh doanh mà họ muốn đạt được hoặc những kiến thức làm sáng tỏ sự liên kết giữa công nghệ, con người và quy trình để đạt được mục tiêu kinh doanh đó. Yuan khẳng định: “Các tổ chức này cần “lùi lại một bước” để xem xét các nhu cầu kinh doanh của chính bản thân họ và đưa ra các chiến lược số hóa phù hợp để đáp ứng các mục tiêu này.”

Lawrence Loh - người đứng đầu nhóm ngân hàng doanh nghiệp tại United Overseas Bank, một ngân hàng của Singapore chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn số hóa cho các doanh nghiệp SME, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đã không có đủ thời gian và năng lực tài chính để tiến hành “đánh giá kỹ lưỡng các quy trình và khả năng hiện có của công ty nhằm cung cấp sự rõ ràng hơn về các bước tiến cần thiết. Điều này bao gồm mọi thứ từ cơ sở hạ tầng IT, tài chính và nguồn nhân lực…"

“Mặc dù các doanh nghiệp SME có thể muốn thực hiện cách tiếp cận theo từng giai đoạn trong quá trình số hóa của họ, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nỗ lực của họ phù hợp với các kế hoạch quy mô hơn và các giải pháp mà họ áp dụng hiện tại có thể hợp nhất với các giải pháp họ có trong tương lai”, ông Loh bổ sung thêm.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME đối phó với thách thức về những hạn chế trong nguồn lực, vào cuối năm 2021, chính phủ Singapore đã và đang có kế hoạch thiết lập sáng kiến “CTO-as-a-service” bước đầu trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xác định và tiếp cận các nguồn lực mà họ cần để bắt đầu chuyển đổi số.

Dự án này sẽ cung cấp cho các doang nghiệp SME quyền truy cập vào các tài nguyên số hóa và một nhóm các CTO (Chief Technology Officer- giám đốc công nghệ) có kinh nghiệm sẽ tư vấn các vấn đề về kỹ thuật số chuyên sâu, chẳng hạn như xác định nhu cầu số hóa của công tyvà giải pháp kỹ thuật số nào sẽ phù hợp hay cách thức thực hiện giải pháp quản lý dự án.

Giải quyết sự phản kháng và sự cộng tác trong nhân viên

Ông Michael Tan, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn chiến lược Boston Consulting Group (BCG) tại Singapore cho biết: “Những hạn chế lớn nhất ngăn cản hoặc làm chậm quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bao gồm: năng lực tài chính, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh hiện tại và sự phản kháng trong văn hóa công ty. Kết luận này được đưa ra dựa trên mức độ trưởng thành số (digital maturity index) do BCG và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm Media Development Authority (IMDA) của Singapore phát triển.

“Chuyển đổi số không chỉ đòi hỏi hardware (phần cứng) mà còn phải có “heartware”- sự sẵn lòng học hỏi và điều chỉnh theo các cách thức hoạt động mới của đội ngũ nhân viên. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy việc tự động hóa các quy trình là một thách thức. Nhưng là một phần của quá trình tiếp cận tự động hóa, nhu cầu thiết kế lại các luồng quy trình kinh doanh sẵn có là điều hoàn toàn cần thiết. Nếu nhân viên không tham gia vào quy trình, điều đó có thể dẫn đến việc họ kháng cự sự thay đổi, việc triển khai quy trình mới cũng sẽ không thành công”, ông Michel nói.

Bên cạnh đó, một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực cùng với việc sử dụng công nghệ hỗ trợ các quy trình hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút nhân tài. Đây được coi là một vấn đề cấp bách tại Singapore.

“Theo ước tính, nền kinh tế Singapore sẽ cần thêm 1,2 triệu công nhân kỹ thuật số vào năm 2025, tăng 55% so với lực lượng lao động hiện có là 2,2 triệu người. Do đó, các doanh nghiệp SME cũng sẽ cần xem xét vai trò của chuyển số đối với EVP của mình (employee value proposition - thuật ngữ chỉ những đặc trưng của một doanh nghiệp/tổ chức mà có thể được đem ra sử dụng để hấp dẫn người lao động. EVP có thể là những thứ hữu hình như lương thưởng, chế độ đãi ngộ, các chương trình đào tạo tập huấn phát triển)”, theo ông Michel.

Những thách thức của hệ thống và việc phân tích dữ liệu

Tại Singapore, các doanh nghiệp SME đang phải vật lộn với việc thiếu các chiến lược phân tích dữ liệu. Mặc dù từ năm 2017, chính phủ đã cung cấp các văn phòng phân tích dữ liệu không tính phí, nơi họ có thể nhận được những lời khuyên chuyên môn từ các nhà tư vấn IT - những người có hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực phân tích dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng và vạn vật kết nối Internet (IoT) nhưng theo một nghiên cứu vào tháng 10/2020, gần 70% các doanh nghiệp đã không áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu.

“Có được một chiến lược dữ liệu rõ ràng là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhưng nhiều công ty bao gồm cả các doanh nghiệp SME lại thiếu sót về mặt này. Các doanh nghiệp SME thường vận hành với các hệ thống lỗi thời và không có chiến lược ưu tiên rõ ràng về các tình huống sử dụng, do đó không thể tái cấu trúc và tối ưu hóa nguồn dữ liệu hiện có để giúp ích cho quá trình của họ”, ông Michael cho biết.

Theo CIO