Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Nhân viên và cả cán bộ quản lý y tế nghỉ việc

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã trình bày những khó khăn, thách thức của ngành y tế TP.HCM với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP ngày 5.8.

Sáng 5.8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP.HCM theo hình thức trực tiếp tại Sở Y tế và trực tuyến tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Mở đầu buổi gặp gỡ, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã nói về những khó khăn, thách thức và những nỗ lực của ngành y tế TP.HCM.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, khóc khi nói về thu nhập nhân viên y tế

1 năm trước, ngành y tế TP triển khai các hoạt động chưa từng có

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng , tròn 1 năm trước (ngày 5.8.2021), TP.HCM có 3.886 ca mắc Covid-19 mới, tổng số bệnh bệnh nhân Covid-19 nằm viện là 32.182 ca và cũng ngày 5.8 TP.HCM có 214 người tử vong. Tất cả bệnh viện dã chiến khi đó đều quá tải, toàn bộ hệ thống y tế căng thẳng, ban chỉ huy Sở Y tế rất lo lắng vì tình hình diễn biến dịch bệnh xấu dần.

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị 6 vấn đề. (Duy Tính)

Thời điểm này lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận được chỉ đạo liên tục của UBND TP và Bí thư Thành ủy TP qua điện thoại, liên tục yêu cầu triển khai cách ly F0 tại nhà . Nhưng vấn đề đau đầu là thời điểm này chưa có thuốc, Ban Giám đốc Sở Y tế bàn với các chuyên gia để làm sao có thuốc. Đến ngày 19.5.2021, Sở Y tế đã có gói thuốc A, B, đến ngày 26.8 thì bổ sung gói thuốc C - thuốc đặc trị là thuốc kháng vi rút.

Thời điểm 1 năm trước, ngành y tế TP triển khai các hoạt động chưa từng có, 525 trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà có sự tiếp sức của quân y, thành lập Trung tâm hồi sức Covid-19 , 32 bệnh viện dã chiến và 64 bệnh viện chuyển đổi công năng với 59.860 giường), bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Hầu hết người nghỉ việc đã có thâm niên

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm yên, ngành y tế TP lại gặp những thách thức, khó khăn mới, đó là dịch chồng dịch; thiếu thuốc vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc , trong đó có 1 số cán bộ quản lý y tế xin nghỉ việc; sự lo lắng kéo dài trong 1 bộ phận nhân viên y tế .

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 891 viên chức cơ sở xin nghỉ việc, nhưng bù lại thì có những nhân viên mới xin vào làm.

Theo thống kê của Sở Y tế, tổng số người làm việc năm 2021 của ngành y tế công TP.HCM là 42.914 người; số người làm việc 6 tháng đầu năm là 42.608 người, giảm 306 người. Tuy số chênh lệch nghỉ không nhiều, nhưng gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Buổi nói chuyện của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với nhân viên ngành y tế TP. (Duy Tính)

Từ những khó khăn trên, ngành y tế TP đề ra các giải pháp để tránh dịch chồng dịch.

Tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực, ưu tiên cho các cơ sở gặp khó khăn như Bệnh viện Mắt , Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Q.7, Q.6, Trung tâm y tế Q.10…

Với công tác cung ứng thuốc, ngành y tế TP triển khai hiệu quả công tác quản lý đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và đơn vị trực thuộc. Luân phiên đấu thầu tập trung cấp địa phương mỗi 2 năm tại các bệnh viện tuyến cuối của TP, huy động nguồn lực của cả ngành y tế. Tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện. Chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.

Cuối cùng, để chủ động giải pháp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế, lãnh đạo Sở Y tế gồm, Giám đốc và Phó giám đốc luân phiên lắng nghe, tư vấn tâm lý, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên y tế về nghỉ dưỡng, tổ chức hội thi là cơ hội giao lưu...

Theo Thanh niên

Theo https://thanhnien.vn/giam-doc-so-y-te-tp-hcm-nhan-vien-va-ca-can-bo-quan-ly-y-te-nghi-viec-post1485147.html