Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội: Thành phố đang tiên phong làm Sổ Sức khỏe điện tử cho 10 triệu người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chia sẻ bên lề Hội nghị "Thành phố thông minh" diễn ra tại Hà Nội sáng 29/11, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT - nói rằng chính quyền TP đã xây dựng được hơn 8 triệu bộ hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thủ đô.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại sự kiện
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại sự kiện

Trong bài tham luận tại "Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023", ông Nguyễn Việt Hùng đã nêu bật chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam, thể hiện qua Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0; Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phát triển thủ đô Hà Nội; Nghị quyết 18 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh định hướng đến 2030.

Ông Hùng cũng nêu 4 quan điểm chỉ đạo của chính quyền thành phố Hà Nội khi xây dựng thành phố thông minh.
Thứ nhất là thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

Thứ hai là phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Thứ ba là nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội.

Thứ tư là ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng xung quanh chủ đề thành phố Hà Nội thông minh.

Video ông Nguyễn Việt Hùng trả lời phỏng vấn về thành phố thông minh (Phần 1)

PV: Ông đánh giá như thế nào về chủ đề của hội nghị này trong việc kết nối các bên cũng như đóng góp vào kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Như phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND thành mphố Hà Nội, lựa chọn phối hợp với VINASA tổ chức hội nghị này với tiêu đề "Khai thác dữ liệu để xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững" là rất đúng thời điểm.

Chúng ta đều xác định là muốn xây dựng thành phố thông minh, muốn chuyển đổi số thì phải bắt nguồn từ dữ liệu. Dữ liệu là cơ sở để chúng ta phân tích, ra quyết định trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

PV: Xin ông cho biết các kế hoạch mà Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho thành phố Hà Nội trong thời gian tới để có thể xây dựng thành phố thông minh theo những mục tiêu đã đề ra?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Nghị quyết 18 của Thành ủy Hà Nội đã được ban hành gần một năm. Ngay sau Nghị quyết 18, UBND đã ban hành Kế hoạch 239 để thực hiện Nghị quyết 18, trong đó, có các nhiệm vụ cụ thể và nhiều đề án giao cho các sở, ban, ngành để thực hiện một cách đồng bộ.

bai phat bieu cua ong Truong Gia Binh.jpg
Phần phát biểu của ông Trương Gia Bình, nhà sáng lập tập đoàn FPT

Trong thời gian tới, việc thực hiện các đề án sẽ được đẩy mạnh để có thể đạt được những kết quả cụ thể với những nhiệm vụ cụ thể đó. Để có kết quả đó thì như tôi đã nói, chúng ta phải rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thời gian.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Hà Nội trong việc trở thành thành phố thông minh trong tương lai?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Dân số trên địa bàn đông và nguồn lực trí thức cũng rất dồi dào, có thể nói là hàng đầu cả nước. Đó là điều kiện rất tốt để cho chuyển đổi số, thành phố thông minh có thể thành công ở khía cạnh nguồn nhân lực.
Tất nhiên chúng ta sẽ phải luôn luôn bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số thành phố Hà Nội thông minh.

Những bài toán về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội có rất nhiều. Và khi có bài toán, có nguồn lực thì đó sẽ là động lực để chúng ta giải các bài toán đó. Khi giải quyết được các bài toán thì việc xây dựng thành phố thông minh sẽ tiến triển thuận lợi.

PV: Xin ông giới thiệu về một trong số những nội dung về thành phố thông minh mà Hà Nội đang triển khai?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Hà Nội đang tiên phong làm sổ sức khỏe điện tử cho khoảng 10 triệu người dân sống trên địa bàn thành phố, không chỉ là công dân thủ đô mà tất cả người dân sống trong thành phố. Dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành việc này.

Hiện tại thì cơ sở dữ liệu đã có khoảng 7,6 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân rồi và trong những tháng cuối năm 2023 chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan trong đó có Bộ Công an, Bộ Y tế cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để thu thập dữ liệu của hơn 2 triệu người dân còn lại để tạo lập Sổ Sức khỏe điện tử cho người dân Hà Nội. Sổ này sau đó sẽ được tích hợp vào Hồ sơ Sức khỏe điện tử nhân dân. Ban chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ đã quyết định lấy Hà Nội làm thí điểm và từ đó nhân rộng ra cả nước.

PV: Một vấn đề mà Hà Nội đang phải đương đầu là tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như hệ thống cấp thoát nước của thành phố. Liệu thành phố thông minh trong tương lai sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Đối với lĩnh vực phòng chống ô nhiễm môi trường thì bước đầu Hà Nội đã có những trạm quan trắc dựa vào công nghệ IoT và trong thời gian tới thành phố sẽ bổ sung thêm các trạm quan trắc mới, các cảm biến để có dữ liệu về môi trường và qua đó có những biện pháp khắc phục.

Vấn đề cấp thoát nước cũng đang được đầu tư, tiến hành song song để cơ bản cung cấp nguồn nước sạch cho người dân thủ đô, cũng như hệ thống thoát nước sẽ được hoàn thiện.

PV: Xin ông cho biết những thách thức khi Hà Nội xây dựng thành phố thông minh và những giải pháp đề ra trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Trong những thách thức về xây dựng thành phố thông minh thì có những thách thức chung và thách thức riêng.

Thách thức chung là dữ liệu phải đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống. Dữ liệu phải được tạo lập, quản lý, chia sẻ và tích hợp đồng bộ.

Còn thách thức riêng thì Hà Nội là thủ đô của cả nước, có dân số rất đông. Các bài toán về đảm bảo giáo dục, y tế, giao thông luôn luôn là một thách thức cho các thành phố đông dân. Vì vậy xây dựng thành phố thông minh phải đồng bộ, từ thể chế chính sách đến hạ tầng dữ liệu đến kiểm soát, kiểm tra, thực hiện.

Video ông Nguyễn Việt Hùng trả lời phỏng vấn về thành phố thông minh (phần 2)

PV: Vấn đề bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin có phải là một thách thức khi xây dựng thành phố thông minh?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Kiến trúc về chính quyền số và thành phố thông minh Hà Nội đã tính đến những phương án bảo mật tổng thể, từ bảo mật hệ thống, bảo mật hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số cho đến nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền. Tất cả đều được xây dựng thành các đề án, văn bản và thành phố luôn tuyên truyền, phát động, động viên người dân tham gia và chấp hành.

PV: Nếu nói về những điểm ấn tượng và con số nổi bật nhất trong thời gian qua khi Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, thì đó là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Mọi thứ đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng ấn tượng nhất là thời gian gần đây, ngay sau khi có Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số và thành phố thông minh, thì có một sự chuyển động rất đồng bộ, rất nhiệt huyết trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như trong nhân dân. Đây là điểm mà tôi thấy phấn khởi nhất, rõ rệt nhất. Sự chuyển động đồng bộ này cùng những nhận thức có tính hệ thống sẽ giúp giải quyết các bài toán đặt ra một cách đồng bộ và nhanh chóng hơn./.