Giải pháp để mô hình bất động sản "5 trong 1" trở thành động lực phát triển đô thị

Livehouse – mô hình bất động sản tích hợp 5 trong 1 – đang đối mặt với rào cản pháp lý và quy hoạch. Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ quyền sở hữu, thử nghiệm có kiểm soát và xây dựng hệ sinh thái dịch vụ để mô hình này phát huy tiềm năng.
Hội thảo “Livehouse - Mô hình bất động sản thế hệ mới: Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản trong đô thị”

“Màu sắc mới”, tạo thêm sức hút cho bất động sản thế hệ mới

Chia sẻ tại hội thảo “Livehouse - Mô hình bất động sản thế hệ mới: Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản trong đô thị” do Tạp chí Reatimes tổ chức ngày 3/7, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đánh giá mô hình Livehouse mang nhiều yếu tố mới nhưng cũng là sự kế thừa, phát triển từ các loại hình bất động sản đa năng đã từng xuất hiện như condotel hay officetel.

Livehouse là mô hình bất động sản tích hợp đa chức năng, kết hợp không gian lưu trú, làm việc, giải trí, nghỉ dưỡng và tiêu dùng trong một tổ hợp duy nhất. Đây là dạng bất động sản thế hệ mới, hướng đến đáp ứng nhu cầu sống linh hoạt, hiện đại và hỗ trợ phát triển kinh tế đêm tại các đô thị.

“Mô hình này không hoàn toàn mới, nhưng lại phù hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại. Quan trọng là chúng ta cần có cái nhìn cởi mở, chủ động đón nhận và nghiên cứu để phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, bài học từ sự phát triển mạnh mẽ của condotel, officetel giai đoạn 2017 - 2018 cho thấy, cần sớm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành lang pháp lý. Thời điểm đó, các mô hình này phát triển nhanh nhưng còn thiếu định nghĩa rõ ràng trong hệ thống pháp luật, dẫn tới nhiều khúc mắc trong triển khai. Tuy nhiên, đến nay, các quy định pháp luật cũng đã định nghĩa khái niệm cho những loại hình này.

“Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định các loại công trình đa chức năng không phải nhà ở như thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú, văn phòng, văn hóa... Điều này cho thấy hành lang pháp lý cho các mô hình như Livehouse đã tương đối rõ ràng và có thể triển khai thuận lợi hơn so với trước đây,” ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, mô hình Livehouse gắn liền với kinh tế đêm - một xu hướng đang được quan tâm tại các đô thị lớn. Theo ông Dũng, đây là “màu sắc mới”, tạo thêm sức hút cho bất động sản thế hệ mới, đồng thời góp phần làm sôi động thị trường và đa dạng hoá sản phẩm.

Cần làm rõ quyền sở hữu và quy hoạch bài bản

Ở góc độ pháp lý, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng khung pháp lý cho Livehouse hiện nay mới chỉ dừng ở mức nền tảng, chưa đồng bộ. Trong tham luận “Khung pháp lý cho Livehouse: Từ sở hữu có thời hạn đến vận hành minh bạch”, ông Tuyến nhấn mạnh tính cấp thiết của việc làm rõ quyền sở hữu, đặc biệt với tài sản giá trị lớn như bất động sản, và bảo đảm quyền lợi cho cả chủ đầu tư, người phát triển dự án và khách hàng.

“Nếu những vấn đề này còn mơ hồ thì sẽ không ai dám "ném tiền qua cửa sổ”, ông nhấn mạnh.

Ông phân tích Livehouse là mô hình bất động sản phức hợp, do đó chịu sự điều chỉnh của ít nhất 4 luật: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, Bộ luật Dân sự đã quy định rõ khái niệm tài sản (gồm bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai) và các nguyên tắc chung trong giao dịch dân sự.

“Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định hiện hành vào thực tiễn vẫn gặp nhiều lúng túng. Ví dụ như quyền sở hữu có thời hạn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua, hoặc thiếu quy chuẩn kỹ thuật, vận hành sẽ khiến chủ đầu tư gặp rủi ro pháp lý”, ông Tuyến nhận định.

TS Võ Trí Thành chia sẻ tại hội thảo.

Ở góc nhìn kinh tế và phát triển đô thị, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng Livehouse là sự phát triển tiếp nối của các mô hình bất động sản đa chức năng như officetel, condotel… nhưng đã được tích hợp sâu hơn để phù hợp với nhịp sống hiện đại.

“Mô hình này là tổ hợp 5 trong 1 giữa lưu trú, làm việc, giải trí, nghỉ dưỡng và tiêu dùng. Đây là nền tảng tiềm năng để phát triển kinh tế đêm tại các khu vực đô thị lõi”, ông Thành phân tích trong tham luận “Chuyển dịch cấu trúc đô thị sau sáp nhập: Động lực thúc đẩy những mô hình bất động sản thế hệ mới”.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cảnh báo rằng sự tích hợp nhiều chức năng có thể dẫn đến xung đột lợi ích nếu không được quy hoạch bài bản. Bên cạnh đó, để mô hình Livehouse phát huy hiệu quả như kỳ vọng (giảm giá bất động sản nhờ thời hạn sở hữu có giới hạn), thì thị trường phải đủ lớn, có nhu cầu thật và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ đầy đủ.

“Tôi ủng hộ mô hình mới, nhưng phải có đề án, có cơ chế thử nghiệm tại những địa phương có sẵn hạ tầng, quỹ đất, du lịch phát triển. Nếu thí điểm thành công, có thể mở rộng. Nếu không phù hợp, vẫn có thể linh hoạt chuyển công năng mà không lãng phí”, ông Thành đề xuất.