|
Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục bá chủ thế giới trong một thời gian dài |
Chuẩn bị chiến tranh: Chớ có ảo tưởng
Dưới sự chỉ đạo của tư duy chiến lược “Không có kẻ địch và bạn bè vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh cửu”, trong quá trình trỗi dậy nước Mỹ bao giờ cũng chuẩn bị đầy đủ về chiến tranh, kể cả đối với Anh Quốc vốn là đồng minh trong Thế chiến I.
Sau Thế chiến I, Mỹ đứng trước tình hình cạnh tranh bá quyền trên biển với Anh và Nhật. Năm 1919, Hội nghị các tướng lĩnh Mỹ cùng với Bộ Tác chiến hải quân thảo luận về thái độ Anh Quốc có thể áp dụng. Hội nghị cho rằng có tồn tại khả năng Mỹ Anh xung đột với nhau; khi Anh tác chiến với Mỹ thì Nhật sẽ dứt khoát đứng về phía Anh. Tháng 3 năm 1920 Mỹ ấn định hai kế hoạch tác chiến: một “Kế hoạch màu da cam” tác chiến với Nhật trên Thái Bình Dương, là sự sửa đổi lần 2 bản “Kế hoạch da cam” năm 1911, và “Kế hoạch đỏ-da cam” tác chiến với Anh và Nhật trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Qua kế hoạch tác chiến của hải quân Mỹ có thể thấy việc có tồn tại đồng minh với Anh hay không chẳng những ảnh hưởng trực tiếp tới sự bố trí chiến lược của Mỹ và sự so sánh lực lượng của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, hơn nữa còn ảnh hưởng tới địa vị chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ tất phải chia hạm đội của mình ra sử dụng trên hai đại dương.
Trong báo cáo hàng năm làm trong thời gian 1922 – 1924, Vụ Kế hoạch chiến tranh của Bộ Hải quân Mỹ đều có nhận định như sau: Anh và Nhật vẫn là hai quốc gia có thể tranh giành quyền kiểm soát biển với Mỹ, dẫn đến sự tồn tại điểm đối lập giao chiến giữa Mỹ với hai quốc gia Anh, Nhật hoặc với một quốc gia. Hải quân Mỹ chuẩn bị chiến tranh trước hết với Nhật, thứ hai là với Anh hoặc với sự liên hợp Anh-Nhật.
Xét tình hình quốc tế cuối thập niên 20 – 30 thế kỷ 20, đối tượng tác chiến có khả năng nhất của Mỹ vẫn là Nhật, “chiến tranh màu da cam được coi là cuộc chiến có khả năng xảy ra nhất”, “Da cam” cũng trở thành kế hoạch tác chiến chủ yếu nhất của quân đội Mỹ. Trong hơn 10 năm hoạch định kế hoạch này, tuy có mấy lần sửa chữa song nội dung chính của việc chuẩn bị “đơn độc tiến hành một trận tấn công Nhật trên Thái Bình Dương” thì vẫn không thay đổi.
Cuối thập niên 30 thế kỷ 20, Mỹ mới bắt đầu dần dần thay đổi tư tưởng chiến lược. Tháng 2/1938 Mỹ sửa đổi “Kế hoạch da cam”, ngoài việc giữ tư tưởng cơ bản tác chiến tấn công Nhật trên Thái Bình Dương vốn có, đã sơ bộ đánh giá sự đe doạ của Đức và Ý đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Tháng 2/1939, Roosevelt đề nghị Quốc Hội tăng cường 16 căn cứ hải quân, trong đó số căn cứ ở vùng Thái Bình Dương thì gấp 3 lần số căn cứ tại vùng Ca-ri-bê. Điều đó phản ánh tư tưởng chiến lược coi Thái Bình Dương là trọng điểm vẫn chưa triệt để thay đổi.
Chỉ tới tháng 3/1939, Đức chiếm toàn bộ Tiệp Khắc rồi nêu yêu cầu lãnh thổ với Ba Lan, sau đấy tháng 4/1939 Uỷ ban Liên hợp Lục Hải quân Mỹ mới đề xuất bản báo cáo vạch ra: nếu cả hai đại dương đồng thời có đe doạ thì nên giữ thế thủ trên Thái Bình Dương, giữ đủ số quân đội, lấy Hawaii làm căn cứ địa, bảo vệ “Tam giác chiến lược” (Hawaii – Alaska – Panama). Điều đó có ý nghĩa là tư tưởng cơ bản tấn công Nhật trên Thái Bình Dương đã bị huỷ bỏ, trở thành bước ngoặt chuyển biến tư tưởng chiến lược của quân đội Mỹ.
Trên cơ sở đó, tháng 6/1939 Uỷ ban Liên hợp Lục hải quân Mỹ ấn định một kế hoạch tác chiến mới – “Kế hoạch cầu vồng”, đặt ra 5 tình huống cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra trên hai đại dương và ấn định 5 phương án tương ứng. Trong đó, phương án “Cầu vồng số 5” giả thiết Mỹ, Anh, Pháp liên hiệp tác chiến, đồng thời với việc bảo đảm an toàn cho Tây bán cầu, sẽ sớm đưa quân Mỹ tới Đại Tây Dương và xuất quân tại châu Âu và châu Phi để hiệp đồng Anh và Pháp áp dụng chiến lược tấn công Đức và Ý.
Trên Đại Tây Dương sẽ giữ thế phòng ngự chiến lược cho tới khi đánh bại các nước khối Trục châu Âu thì mới triển khai phản công chiến lược đánh Nhật trên Thái Bình Dương. “Cầu vồng số 5” gần giống nhất với kế hoạch chiến tranh Mỹ đã thi hành trên thực tế trong Thế chiến II, đánh dấu sự dần dần hình thành tư tưởng chiến lược “Châu Âu trước tiên”. Mãi cho tới tháng 1/1941 khi Bộ Tham mưu liên hợp Anh và Mỹ ấn định kế hoạch “ASC – 1” thì phương châm đại chiến lược “Châu Âu trước tiên” mới được chính thức xác định.
Sự chỉ đạo chiến lược của Mỹ thể hiện trên chiến lược quân sự, tính dự kiến về chiến tranh, tính kiên quyết trong chuẩn bị chiến tranh đều rất mạnh, hơn nữa còn có thể căn cứ theo sự biến đổi tình thế quốc tế mà kịp thời thay đổi đối tượng tác chiến, kịp thời điều chỉnh phương châm chiến lược, qua đó nắm quyền chủ động chiến lược. Thành công của chiến lược quân sự Mỹ đã phát huy tác dụng đặc biệt mang lại sự trỗi dậy thành công của nước Mỹ.
Thao quang dưỡng hối: chậm xuất đầu lộ diện
Trong nghệ thuật trỗi dậy của Mỹ có một điểm là “Thao quang dưỡng hối [giấu mình chờ thời] mang đặc sắc Mỹ”, tức là cho dù hiện nay đã có điều kiện ưu việt để làm lãnh tụ thế giới thì cũng chưa vội xuất đầu lộ diện và đứng mũi chịu sào.
Warren Cohen từng nói: “Lịch sử chuyển biến thế giới thời gian 1913 – 1945 cũng là lịch sử biển đổi vai trò thế giới của nước Mỹ. Châu Âu từng đóng vai trò trung tâm mối quan hệ quốc tế tác động tới các nơi trên toàn cầu, kể cả Mỹ, từ sau Thế chiến I đã đánh mất địa vị bá quyền. Niên đại sau năm 1817 đánh dấu sự trỗi dậy của Mỹ với tư cách là lãnh tụ toàn cầu; cho dù ngay khi không lợi dụng lực lượng quân sự để thực sự phát huy tác dụng lãnh đạo (như thập niên 1920) thì Mỹ cũng cung cấp tài nguyên kinh tế và văn hoá để xác định và duy trì trật tự toàn cầu.
Thực sự có một trường hợp ngoại lệ là giữa thập niên 1930, nước Mỹ né tránh quyền lãnh đạo quốc tế hoặc sự hợp tác quốc tế trên các tầng nấc và lùi về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương; nhưng cho dù vào hồi ấy, sử dụng ngôn từ của Joseph Nye thì vẫn có thể thấy rõ sớm muộn thì nước Mỹ đều sẽ phải nhất định lãnh đạo”.
Khi Thế chiến II sắp thắng lợi, “Roosevelt và các đồng sự hy vọng nước Mỹ sẽ trỗi dậy từ trong chiến tranh, tiến tới trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Khác với Thế chiến I, sau cuộc chiến tranh này họ quyết tâm phải lãnh đạo thế giới. Lần này họ cần lập ra một trật tự thế giới có thể tăng tiến lợi ích của Mỹ, khiến cho nước Mỹ chẳng những có thể tăng được của cải và quyền thế của mình mà còn có thể phổ cập giá trị quan của mình tới bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới.
Mỹ không thể một lần nữa lẩn tránh trách nhiệm nước lớn mà nên cung cấp một kiểu quyền lãnh đạo cần thiết cho việc lập nên trật tự kinh tế quốc tế theo chủ nghĩa tự do – lấy cơ sở là tự do thương mại và hối suất tiền tệ ổn định, tạo dựng sự phồn vinh các dân tộc chưa từng thấy. Nước Mỹ ắt phải lãnh đạo thế giới nhằm ngăn chặn sự sống lại của cường quyền Đức – Nhật, ngăn chặn sự trỗi dậy của các cường quyền khác noi gương đế quốc Hitler và Nhật.”
“Thao quang dưỡng hối” mang đặc sắc Mỹ là truyền thống chủ nghĩa biệt lập từng bén rễ sâu ở nước Mỹ. Sức mạnh của truyền thống đó lớn tới mức khi nước Mỹ có đủ lực lượng làm lãnh tụ thế giới, khi một số nhân vật tinh anh Mỹ muốn xuất đầu lộ diện và đứng mũi chịu sào trong cộng đồng xã hội quốc tế, thì họ vẫn gặp trục trặc, trắc trở. “Bi kịch Wilson” xuất hiện sau Thế chiến I là một thí dụ thực tế điển hình.
Sau khi sức mạnh kinh tế Mỹ đứng đầu thế giới, nước Mỹ trải qua nửa thế kỷ mới từ “Thao quang dưỡng hối” đi lên cương vị lãnh tụ thế giới.
Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha năm 1898 là một cột mốc quan trọng đánh dấu nước Mỹ từ chủ nghĩa biệt lập chuyển sang nền ngoại giao theo chủ nghĩa thế giới. Năm 1899 Mỹ đề xuất “chính sách mở cửa” đối với Trung Quốc và năm 1904 Roosevelt nêu “suy luận” về chủ nghĩa Monroe là hành động tăng cường sự chuyển biến đó.
“Nguyên tắc 14 điểm” về việc xử lý vấn đề hoà bình sau chiến tranh do Wilson đề xuất đầu năm 1918, trên thực tế là một bản kế hoạch tranh bá quyền, cũng là bản kế hoạch nước Mỹ muốn dẫn dắt và lãnh đạo thế giới. Ba điều khoản quan trọng trong đó đều là điều khoản giành giật bá quyền thế giới: một là huỷ bỏ các hiệp ước bí mật, tức là phải ngăn chặn các cường quốc châu Âu bí mật chia chác thế giới sau lưng Mỹ; hai là nhấn mạnh dân tộc tự quyết, tức là muốn làm tan rã hệ thống thực dân cũ của các cường quốc châu Âu; ba là đề nghị xây dựng “Hội Quốc Liên”, đây là ý đồ muốn thao túng hệ thống an ninh quốc tế sau Thế chiến I.
Sự phá sản của bàn kế hoạch tranh bá quyền này có nguyên nhân là: nước Mỹ hồi ấy tuy đã là cường quốc quân sự, kinh tế nhưng vẫn còn yếu về chính trị quốc tế và ngoại giao, các nước lớn khác trên thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận Mỹ lãnh đạo và chủ đạo các công việc thế giới, mặt khác cũng do ý tưởng Mỹ lãnh đạo thế giới còn chưa trở thành dòng chính trong dư luận nội bộ nước Mỹ. Bởi vậy, tuy Wilson đã “thắng chiến tranh” nhưng lại để “mất hoà bình”, tuy đã thiết kế được bản vẽ thế giới tươi đẹp nhưng lại không thể nào thi công.
Sau Thế chiến II, Roosevelt qua việc xây dựng liên minh chống phát xít đã xây dựng thành công cơ cấu an ninh quốc tế mà Wilson chưa xây dựng được – Liên Hợp Quốc, và thông qua nguyên tắc “5 nước lớn nhất trí” và “Quyền phủ quyết của nước lớn” hình thành từ đó, đã đảm bảo được địa vị chủ đạo của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Trong Thế chiến II, các ngành kinh tế Mỹ nhất là công nghiệp quân sự đều phát triển nhanh.
Tới năm 1945, thu nhập quốc dân của Mỹ tăng hơn gấp đôi năm 1939, tổng trọng tải của đội tàu buôn lên tới 57 triệu tấn, chiếm 2/3 đội tàu buôn toàn thế giới, lượng vàng và kim loại quý Mỹ sở hữu cũng chiếm 59% toàn thế giới, đồng USD Mỹ trở thành đồng tiền mạnh thực sự duy nhất trên thế giới hồi ấy. Trong thương mại quốc tế Mỹ cũng chiếm địa vị lũng đoạn. Sức mạnh quân sự Mỹ chẳng những thâm nhập khắp đại lục châu Âu mà còn chiếm cứ nhiều địa điểm chiến lược quan trọng tại các vùng khác trên thế giới. Sự độc quyền vũ khí hạt nhân càng làm cho Mỹ trở thành cường quốc quân sự có sức răn đe nhất.
Sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị của Mỹ sau chiến tranh tạo điều kiện để Mỹ trở thành vai chính trên sân khấu chính trị thế giới và khoả lấp các khoảng trống do các nước châu Âu để lại. Thế nhưng có sức mạnh lãnh đạo thế giới còn cần có quyết sách chiến lược và dã tâm lãnh đạo thế giới – điều đó phụ thuộc vào việc nước Mỹ có thoát ra khỏi chính sách “chủ nghĩa biệt lập” hay không.
Xét thấy “chủ nghĩa quốc tế” của Wilson sau Thế chiến I từng bị thất bại, để tránh dẫm lên vết xe đổ cũ, chính phủ Roosevelt trong thời gian chiến tranh đã bắt tay chuẩn bị về chính sách và dư luận. Sau vụ Trân Châu Cảng, chính phủ Mỹ thành lập Uỷ ban Tư vấn chính sách đối ngoại sau chiến tranh, do Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull và Thứ trưởng Ngoại giao Sumner Welles làm chánh, phó chủ tịch, nhằm ấn định chính sách bố trí trật tự thế giới sau chiến tranh. Tại hội nghị ba người đứng đầu (Mỹ, Anh, Liên Xô) họp trong thời gian chiến tranh, Roosevelt đã chuyển hoá các chính sách đó thành sự thu xếp cụ thể sau chiến tranh, cố gắng biến đồng minh thời chiến thành cơ chế hợp tác thu xếp thế giới sau chiến tranh do Mỹ chủ đạo.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hull và những người khác đã cố gắng làm cho công chúng Mỹ tin rằng việc tham gia thu xếp trật tự kinh tế quốc tế sau chiến tranh và khôi phục cơ chế buôn bán tự do nhiều bên là điều không thể thiếu đối với sự duy trì phồn vinh kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau đề xuất với Thượng viện là Mỹ cần xây dựng một hệ thống thế giới sao cho “các doanh nhân có thể tiến hành buôn bán quốc tế và đầu tư quốc tế theo nguyên tắc thương mại”.
Khi chiến tranh chấm dứt, ở Mỹ vẫn có những người chủ trương không nên can thiệp vào công việc của châu Âu. Đúng là chính phủ Mỹ từng có một thời gian định thu hẹp lực lượng Mỹ tại châu Âu, song tình hình suy yếu của các quốc gia Tây Âu đã khiến cho các nhà quyết sách Mỹ đi tới nhận định: hoặc là mặc kệ Tây Âu xảy ra các rối loạn chính trị, kinh tế nghiêm trọng, qua đó đe doạ hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới, hoặc là xuất đầu lộ diện tiến hành can thiệp với quy mô lớn. Sức mạnh của Mỹ và lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ đã làm cho nước này lựa chọn can thiệp. Vì thế mà có “Hiệp định tài chính Anh Mỹ” tháng 12/1945 và các biện pháp khác viện trợ châu Âu.
* Tác giả Lưu Minh Phúc là Đại tá, Giáo sư trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng là tác giả cuốn sách "Giấc mộng Trung Hoa".
Theo QPAN