|
Một khẩu siêu pháo của Mỹ có nòng dài 36 mét được bắn thử nghiệm tại sa mạc Arizona năm 1966. |
Theo tuần san Defense News, Đại tá John Rafferty, người chủ trì dự án phát triển ưu tiên của Lục quân Mỹ có tên “Strategic long-range artillery” hay “Long distance precision attack missile” cho biết trong cuộc họp báo thường niên mới đây của Hiệp hội Lục quân Mỹ (AUSA) rằng: quân đội đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích thuộc Trường bắn tên lửa White Sands và Trung tâm Phân tích của Lục quân để xác nhận rằng các nhiệm vụ nghiên cứu của dự án này có thể được hoàn thành đúng tiến độ.
|
Pháo tự hành tầm xa M109A6 của Mỹ đang bắn
|
Dự án pháo tầm xa chiến lược bắn xa ngàn dặm
Ông John Rafferty nói, việc nghiên cứu phát triển loại siêu pháo này có nhiều rào cản kỹ thuật phải đột phá. Gần đây, với sự chi viện của Hải quân, Lục quân sẽ thử nghiệm hạng mục đột phá công nghệ đầu tiên tại Virginia. Vụ ‘thử nghiệm đường đạn giai đoạn đầu” này nếu hoàn thành mới đệ trình một báo cáo chi tiết về kế hoạch này lên ban lãnh đạo Lục quân. Do khó khăn về công nghệ nên việc có thể hoàn thành được tầm bắn với lực đẩy hạn chế hay không hiện nay vẫn còn khó xác định.
Bài viết của Defense News viết, tầm bắn của pháo là nhân tố quan trọng nhất để chống lại các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Các đối thủ này đều đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ phòng thủ. Sau khi họ tích hợp đầy đủ các hệ thống phòng không tầm xa, pháo lớn, phòng thủ bờ biển và radar tầm xa, sẽ rất khó để đối kháng. Hệ thống phòng thủ hoàn chỉnh này rất khó khăn để máy bay chiến đấu và tàu thuyền xuyên thủng; chỉ có tăng cường hỏa lực phân tán mặt đối mặt mới có cơ hội khoan thủng chúng để mở ra cơ hội cho lực lượng hợp thành. Loại hỏa lực mặt đối mặt này chỉ có thể trông chờ vào lục quân.
|
Pháo tự hành M109A6 Paladin hiện có trong biên chế quân đội Mỹ
|
Lục quân Mỹ đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoan đầu tại Cơ sở thực nghiệm Hải quân Dahlgren - từng là nơi thử nghiệm của nhiều loại pháo tiên tiến, bao gồm cả dự án pháo điện từ mà Hải quân Mỹ đã từ bỏ.
Ông Rafferty nói với tuần san Defense News: con đường đi đến thử nghiệm toàn diện khẩu pháo mẫu còn phải vượt qua các “cửa ải kỹ thuật”.
Bài test đầu tiên sẽ là một đánh giá về đường đạn giai đoạn đầu. Ngoài ra, còn có một số vấn đề kỹ thuật quan trọng hơn, bao gồm cả tầm bắn của pháo mà mà Lục quân tìm kiếm liệu có thể thực hiện được mà không phải trả chi phí quá đắt giống như các vấn đề đã xảy ra đối với “Hệ thống pháo hạm tiên tiến” (AGS) trang bị cho tàu khu trục tàng hình Zumwalt class của Hải quân.
|
Loại đạn tên lửa M982 “Excalibur” được dẫn bằng GPS của pháo tự hành M109 (dưới). So sánh độ chính xác của đạn M982 (trên, bên phải) với đạn thông thường (trái).
|
Ông John Rafferty nhấn mạnh rằng có hai hệ thống có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ để vào lãnh thổ đối phương: tên lửa siêu thanh là loại đầu tiên, nhưng nó rất đắt tiền; loại còn lại là pháo chiến lược tầm xa với đạn rẻ hơn nhiều, hơn hữa có thể bắn liên tục trong thời gian ngắn. Tướng James McConville, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nói mỗi quả đạn pháo chiến lược tầm xa này có giá từ 400 ngàn đến 500 ngàn USD. So với giá hàng triệu USD mỗi quả tên lửa thì hiệu quả hơn nhiều.
Mỹ từng đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu pháo binh tầm xa
Trong lịch sử, Lục quân Mỹ đã rất chú trọng nghiên cứu, phát triển pháo tầm xa. Pháo tự hành sê-ri M109 có thể được coi là “Lão tướng trên chiến trường” của Lục quân Mỹ. Kiểu M109 ban đầu đã được sử dụng từ năm 1963. Nó đã tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột cục bộ kể từ Chiến tranh Việt Nam. Tổng số đã có hơn 70.000 khẩu được sản xuất và trang bị cho quân đội của hơn 30 quốc gia. Cái tên M109 đã trở thành đồng nghĩa với pháo tự hành của phương Tây. Mẫu được trang bị nhiều nhất hiện nay là M109A6 Paladin.
|
So sánh pháo hạt nhân M65 với pháo bình thường
|
M109 có cỡ nòng 155mm, do lắp đạn bằng phương pháp thủ công, nên M109 có tốc độ bắn nhanh nhất chỉ 6 phát/phút, nếu bắn liên tục chỉ 3 phát/phút. Đáng lưu ý, M109 có thể bắn loại đạn tên lửa M982 “Excalibur” (Kiếm thần) được dẫn bằng GPS, được bắn từ khoảng cách 30 ngàn mét, độ sai lệch chạm mục tiêu không quá 4m. Mặc dù tốc độ bắn hạn chế, nhưng xạ trình (tầm bắn) của M109 rất khả quan, bắn đạn thông thường đạt trung bình 18 ngàn mét, nếu dùng đạn tăng tầm thì đạt 30 ngàn mét.
Do thân xe chủ yếu được hàn kết nối bằng vỏ giáp nhôm, M109 có tổng trọng lượng chiến đấu chỉ 27,5 tấn, rất phù hợp để triển khai bằng đường hàng không.
|
Pháo M65 bắn đạn thông thường
|
Cuộc chạy đua pháo hạt nhân Mỹ - Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vào thời mà hai siêu cường quân sự Mỹ và Liên Xô chưa triển khai các tên lửa đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật (vào những năm 1950 và 1960), cả hai bên đều đã nghiên cứu phát triển và lắp đặt một loại hỏa pháo hạt nhân (atomic cannon, còn được gọi là “pháo nguyên tử”) – một thứ “vũ khí ma quỷ”.
Lịch sử của pháo hạt nhân có thể bắt đầu từ năm 1949, sau khi Thế chiến II kết thúc. Vào thời điểm đó, Chiến tranh Lạnh mới chỉ bắt đầu. Để đối phó với “Cơn lũ thiết giáp Đỏ”, quân đội Mỹ rất cần một thứ vũ khí tầm xa có thể phóng đạn hạt nhân chiến thuật. Do khi đó tên lửa mang và việc thu nhỏ bom hạt nhân chưa đạt mức mong muốn, quân đội Mỹ đã tập trung vào pháo hạng nặng. Gánh nặng của việc nghiên cứu phát triển loại hỏa pháo mới được đặt lên vai cựu kỹ sư pháo binh phát xít Đức Robert Schwartz (người đã nghiên cứu phát triển loại pháo đặt trên xe Krupp K5 nổi tiếng trong Thế chiến II). Không để người Mỹ thất vọng, Robert Schwartz nhanh chóng cho ra đời trong những năm 1950 loại pháo hạt nhân M65 cỡ nòng 280mm.
|
Các pháo thủ thao tác nạp đạn cho pháo M65
|
Do hình dạng của M65 là phiên bản lớn hơn của Krupp K5, nên quân đội Mỹ gọi nó là “Atomic Annie” (một biệt danh có nguồn gốc từ các biệt hiệu “Annie Oakley” quân đội Mỹ gọi pháo K5 của Đức trong Thế chiến II). M65 có chiều dài 26 mét, rộng 4,9 mét, cao 3,7 mét, tổng trọng lượng 83 tấn, có thể bắn đạn hạt nhân W9 có đương lượng nổ 15.000 tấn TNT, tầm bắn tối đa khoảng 30 km, cần 7 xạ thủ thao tác, thời gian chuẩn bị bắn 15 phút. So sánh về kích thước của khẩu pháo thông thường với pháo hạt nhân M65 giống như “con kiến bên cạnh con khỉ”.
Pháo M65 hạt nhân nòng súng dài, sức giật rất lớn, trước khi bắn phải có trận địa cố định. Nó được di chuyển bằng loại xe lực kéo kép ở phía trước và phía sau, có thể di chuyển tiến và lùi mà không cần quay đầu. Xe kéo được trang bị một kích thủy lực để tháo pháo ra khỏi rơ moóc.
|
Pháo M65 bắn thử nghiệm đạt hạt nhân ngày 25 tháng 5 năm 1953 tại bãi thử nghiệm ở Nevada
|
Sau khi chính thức trang bị M65, năm 1953 quân đội Mỹ nhanh chóng triển khai tại khu vực sông Rhine của Đức một tiểu đoàn pháo hạt nhân chiến thuật, gồm 3 đại đội. mỗi đại đội biên chế 2 khẩu M65, 4 xe kéo và 8 xe vận chuyển đạn hạt nhân và pháo thủ. Nhưng loại pháo hạt nhân này hệ số an toàn hạt nhân không cao, bị hạn chế bởi trình độ công nghệ ở thời điểm đó. M65 được trang bị loại đạn với công nghệ che chắn bức xạ hạt nhân kém, pháo thủ chính là những người chịu mối đe dọa phóng xạ hạt nhân lớn.
Ngày 25 tháng 5 năm 1953, quân đội Mỹ đã tiến hành bắn thử nghiệm pháo hạt nhân M65 với đạn hạt nhân W9 nặng 272 kg tại bãi thử nghiệm ở bang Nevada. Tầm bắn thử nghiệm đạt 32 km và đầu đạn hạt nhân tương đương 15.000 tấn TNT, được cho là tương đương với 4.000 quả đạn pháo 155mm. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Mỹ bắn thử đạn pháo hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
|
Pháo M65 hiện trưng bày trong viện bảo tàng
|
Trước khi loại biên chế năm 1963, quân đội Mỹ đã trang bị hơn 20 khẩu M65. Sau đó, với sự xuất hiện của đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn (có thể dùng cho lựu pháo 203mm và 155mm), pháo hạt nhân M65 cồng kềnh đã nhanh chóng rút khỏi vũ đài lịch sử.
Năm 1938, Liên Xô cũng đã đưa vào sử dụng loại pháo khổng lồ TM-3-12 cỡ nòng 305mm vốn là pháo chủ lực trên chiến hạm. Khi đưa lên sử dụng trên đất liền do thể tích quá cồng kềnh nên nó phải di chuyển trên đường ray. Có tất cả 3 khẩu TM-3-12 đã được triển khai, hiện nó đang được trưng bày trong bảo tàng tại Moscow.
|
Pháo khổng lồ TM-3-12 cỡ nòng 305mm di chuyển trên đường ray xe lửa của Liên Xô
|
Để đối phó với việc Mỹ triển khai pháo hạt nhân M65 vào năm 1953 tại Tây Đức, quân đội Liên Xô năm 1956 cũng được chính thức đưa vào trang bị loại pháo hạt nhân tự hành 2A3 cỡ nòng 406 mm còn khủng hơn M65 của Mỹ. Loại pháo “quái vật” này được chế tạo bởi nhà máy binh khí Kirov nổi tiếng. Nó lần đầu tiên được xuất hiện công khai trong cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ vào năm 1957. 2A3 có tổng trọng lượng 64 tấn, kíp pháo thủ 8 người, tầm bắn tối đa 25,6 km và tốc độ bắn 5 phút/phát, chỉ có tổng số 4 khẩu được sản xuất.
|
Siêu pháo tự hành 2A3 cỡ nòng 406mm của Liên Xô trong cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ năm 1957
|
Sau khi Stalin qua đời, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev lên nắm quyền thích vũ khí tên lửa mới, nên 2A3 có thời gian phục vụ ngắn hơn nhiều so với đối thủ M65 của Mỹ, năm 1960 nó đã bị đưa khỏi biên chế chỉ 4 năm sau khi đưa vào. Và giống như “Atomic Anne” của quân đội Mỹ, ngày nay người ta chỉ có thể nhìn thấy hình dạng khổng lồ của 2A3 trong viện bảo tàng như những ký ức về những năm tháng điên rồ.
Theo Creader, Sina