Giá dịch vụ 5G đắt hay rẻ sau khi thương mại hoá?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giá dịch vụ 5G phụ thuộc vào nhiều yếu tố và việc dự đoán giá tại thời điểm này, khi các doanh nghiệp viễn thông vừa trúng đấu giá băng tần và mới bắt tay để triển khai dịch vụ, là còn tương đối sớm.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông

Trao đổi với VietTimes về giá dịch vụ 5G khi các nhà mạng triển khai thương mại hoá, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông và cho rằng, doanh nghiệp viễn thông được chủ động định giá dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, giá dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở giá thành dịch vụ được tính toán, hình thành từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vào thời điểm các doanh nghiệp viễn thông vừa trúng đấu giá băng tần và mới bắt tay để triển khai dịch vụ, việc dự đoán về giá dịch vụ 5G là còn tương đối sớm.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng cam kết về tiến độ triển khai hạ tầng. Cụ thể, họ phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G, và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần đã đấu giá thành công trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện như đã cam kết trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Trao đổi thêm với VietTimes về chế tài để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, khi vi phạm cam kết về số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp (tương đương với 50 MHz) trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà doanh nghiệp không khắc phục, sẽ bị thu hồi giấy phép.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho rằng cuộc đấu giá 5G vừa qua là thành công, từ góc nhìn trong nước và quốc tế. Sau khi đấu giá, Cục Tần số Vô Tuyến điện đã theo dõi các nguồn tin trong nước, quốc tế về các phiên đấu giá và ghi nhận những phản hồi về phiên đấu giá. Sau 15 năm, đây là các phiên đấu giá băng tần thành công đầu tiên trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Không chỉ thu được tiền đấu giá để nộp ngân sách, việc đấu giá còn đảm bảo yếu tố minh bạch về quy trình cấp phép tần số. Kết quả là các doanh nghiệp đã có được băng tần, giải quyết được vấn đề nghẽn băng tần và triển khai các dịch vụ viễn thông băng thông rộng. Theo đó, các tần số để triển khai thông tin di động đã tăng lên 59% (khoảng 200MHz) so với lượng tần số hiện tại (340Mhz).

"Chất lượng dịch vụ di động chắc chắn sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp khai thác các tần số mới”, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện nói thêm.