Đây cũng là tuần giảm giá thứ 8 liên tiếp của dầu WTI, thời gian sụt giảm dài nhất trong vòng 29 năm qua. Trong khi với dầu Brent Biển Bắc, đây là tuần giảm giá thứ 7 trong vòng 8 tuần trở lại.
Số liệu ảm đạm về hoạt động trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc là đòn mới nhất giáng vào sự trì trệ và chậm lại trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kéo theo những gia tăng lo ngại về “thể trạng” chung của nền kinh tế toàn cầu và bao phủ bóng đen lên tất cả các thị trường tài chính, hàng hóa thế giới.
Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm xuống còn 47,1 so với mức 47,8 của tháng 7, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tín hiệu xấu mới nhất này từ nền kinh tế số hai thế giới và là nhà nhập khẩu năng lượng hàng đầu, sau động thái bất ngờ hạ giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ trong tuần trước, đã "bồi" thêm những lo ngại dai dẳng trên thị trường dầu mỏ về nguồn cung dư thừa và tăng trưởng nhu cầu yếu.
Phiên cuối tuần 21/8 chỉ là phiên nối dài sự sụt giảm của giá dầu sau phần lớn các phiên đi xuống trước đó. Kết thúc phiên này, giá dầu WTI tại thị trường New York giảm tiếp 87 xu so với phiên trước xuống chốt phiên và chốt tuần ở 40,45 USD/thùng. Trước đó, đã có lúc trong phiên, giá hợp đồng dầu này tụt xuống còn 39,86 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2/2009 giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 1,16 USD xuống chốt phiên ở 45,46 USD/thùng.
Trước đó, cũng đã có lúc trong phiên, giá hợp đồng dầu này tụt xuống 45,07 USD/thùng, bằng với mức của hồi tháng 3/2009.
Tính chung cả tuần, dầu WTI để mất 4,8% giá trị trong khi dầu Brent giảm tới 7,3%.
Các nhà phân tích nhận định, thị trường dầu hiện vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi mức tăng của nhu cầu chậm lại. Chênh lệch cung-cầu này gây áp lực lên giá dầu và hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới như Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cắt giảm sản lượng.
Theo TTXVN/Tin tức