Giá dầu bật tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp

Giá dầu thế giới đã tăng trở lại trong phiên hôm qua (27/1), chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tục trước đó, nhờ đồng USD giảm giá và những đồn đoán liên quan tới Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới hiện ở mức 93 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung dư thừa 1,3 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới hiện ở mức 93 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung dư thừa 1,3 triệu thùng/ngày.

Một số chuyên gia hiện vẫn giữ quan điểm giá dầu sẽ còn giảm thêm, nhưng không còn chắc chắn trong dự báo của mình như trước đó...

Theo tờ Wall Street Journal, chốt phiên tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 tăng 2,4%, chốt ở 46,23 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent trên sàn ICE Futures đóng cửa với mức tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 3%, đạt 49,6 USD/thùng.

Hôm qua, đồng USD đã mất giá so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khi giới đầu tư cho rằng, trong cuộc họp chính sách lần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phát tín hiệu trì hoãn việc tăng lãi suất. Cuộc họp của FED đã bắt đầu vào hôm qua và sẽ kết thúc vào hôm nay.

Giá dầu tính bằng đồng USD, nên theo quy luật thường thấy, khi giá USD giảm xuống, thì giá dầu tăng lên, và ngược lại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, giá dầu khó duy trì được lực tăng. Nhà quản lý quỹ Tariq Zahir thuộc Tyche Capital Advisors nhấn mạnh, dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn đang có xu hướng tăng. “Về cơ bản, tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ điều gì thay đổi trong ngắn hạn để giữ giá dầu”, ông Zahir nói.

Số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy, trong các tháng 1 của hơn 80 năm qua, dự trữ dầu thô của Mỹ chưa khi nào cao như hiện nay. Dự trữ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 4 triệu thùng trong báo cáo dự kiến được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm nay.

Mặc dù vậy, không ít nhà phân tích khác cho rằng, các thành viên chủ chốt trong OPEC có thể đã phát tín hiệu cho thấy cuối cùng, họ đã sẵn sàng cắt sản lượng để ngăn giá dầu giảm sâu hơn.

Hôm thứ Hai, Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem el-Badri nói rằng, giá dầu có vẻ đã tìm thấy đáy và có thể sắp tăng trở lại. Ông el-Badri cũng nói, OPEC dự kiến sẽ duy trì quyết định giữ sản lượng ổn định.

Hôm qua, hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia nói sẽ hoãn một số dự án khai thác dầu. Giám đốc điều hành (CEO) của Saudi Aramco nhấn mạnh, Saudi Arabia “sẽ không đơn thương độc mã cân bằng thị trường trong bối cảnh giá giảm sâu”.

Một số chuyên gia hiện vẫn giữ quan điểm giá dầu sẽ còn giảm thêm, nhưng không còn chắc chắn trong dự báo của mình như trước đó. Trong một báo cáo công bố hôm qua, công ty nghiên cứu Simmons & Co. International nói, “thật khó để đưa ra kết luận chắc chắn”, nhưng có vẻ như Saudi Arabia đã phát tín hiệu cho thấy ít nhất họ sẽ cùng với các nước sản xuất dầu khác phản ứng trước việc giá dầu giảm.

Các nhà phân tích của Energy Aspects cho rằng, các yếu tố nền tảng hiện nay vẫn không ủng hộ cho giá dầu, nhưng đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy giá dầu có thể sẽ đi vào ổn định trong khoảng 47-51 USD/thùng.

Giá dầu thế giới hiện đã giảm hơn một nửa từ mức đỉnh 110 USD/thùng vào tháng 6/2014. Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới hiện ở mức 93 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung dư thừa 1,3 triệu thùng/ngày.

UBS cũng đã cắt giảm dự báo mức trung bình của dầu thô Brent năm nay xuống còn 52,5 USD/thùng từ mức 69,75 USD/thùng trước đó. Dự báo giá trung bình của dầu ngọt nhẹ được UBS cắt giảm còn 49 USD/thùng, từ mức 64,75 USD/thùng.

Cũng trong phiên giao dịch hôm qua, giá xăng giao tháng 2 tại Mỹ chốt phiên tăng 3,34 cent, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 1,3501 USD/gallon. Giá dầu diesel tăng 2,3 cent, tương đương tăng 1,4%, đạt 1,6628 USD/gallon. 

Theo: VnEconomy