Sự kiện bắn hạ Su-24 Nga diễn ra tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ phía tây Aleppo. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chiến đấu cơ Nga đã xâm phạm không phận nước trong vòng 17 giây.
Các tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã phục sẵn tại khu vực này, đã bổ nhào xuống và bắn hạ máy bay Su-24 bằng tên lửa không đối không. Một trong hai phi công đã bị lực lượng phiến quân người Thổ bắn chết sau khi nhảy dù. Một lính thủy đánh bộ Nga cũng thiệt mạng khi máy bay trực thăng tham gia chiến dịch giải cứu hai phi công bị phiến quân dùng tên lửa chống tăng TOW do Mỹ cung cấp bắn cháy.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã cảnh cáo chiến đấu cơ Nga 10 lần trước khi bắn hạ Su-24. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải thích thế nào về việc các máy bay F-16 đã phục kích trước và phát cảnh báo 10 lần trong vòng 17 giây thì không sao cắt nghĩa được. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giận dữ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tội giết người và ủng hộ những kẻ khủng bố IS.
Khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu đã vội ủng hộ thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã tăng cường điều động lực lượng tới biên giới với Syria. Ông Putin đã ra lệnh triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 tới Syria và đặt tuần dương hạm Moskva ngoài khơi Syria vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Cả hai hệ thống phòng không đáng gờm này có thể bao phủ khu vực phía tây Syria rộng lớn, bao gồm các khu vực các máy bay của Mỹ, Pháp, Anh và Israel thường hoạt động.
Tóm lại, một nồi hầm hoàn hảo để bắt đầu một cuộc chiến thật sự giữa Nga và phương Tây đang sôi sục tại Syria và Ukraine. Quân đội Mỹ hiện nay đang hoạt động tại hai quốc gia ở khoảng cách rất gần quân Nga.
Địa điểm của vụ đụng độ Nga-Thổ rất thú vị. Nó xảy ra tại phần lãnh thổ nhỏ hẹp của Thổ Nhĩ Kỳ, lồi ra ăn vào lãnh thổ Syria. Khu vực lãnh thổ này thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm thành trì trong cuộc thập tự chinh và cảng biển quan trọng Iskenderun. Hatay từng là sân khấu của những cuộc khủng hoảng quân sự kể từ trận đánh đầu tiên diễn ra vào năm 853 trước công nguyên.
Hatay trong lịch sử từng thuộc về Syria cho đến Thế chiến thứ nhất, thực dân Pháp thời điểm đó đã cắt một phần thuộc địa Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ với nỗ lực kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh của Pháp. Syria từ lâu đã đòi trao trả lại Hatay.
Thảm kịch bắn hạ Su-24 diễn ra ở Hatay dường như sẽ làm sống lại yêu cầu đòi lại Hatay của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ tất cả các yêu sách của Syria. Vấn đề này do đó đã trở thành cơ sở cho một cuộc xung đột mới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai là người châm ngòi cuộc xung đột mới nhất tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ? Cả hai bên. Cả hai đều không nên bay tuần tra chiến đấu tại khu vực biên giới. Nên có vùng đệm tối thiểu 10km của cả hai phía tại khu vực biên giới nhạy cảm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã vội ra lệnh cho lực lượng không quân khai hỏa chết người mà không có bất cứ động tác lắc cánh nào để cảnh báo máy bay Nga, nếu như quả thật họ xâm phạm không phận nước này. Thổ Nhĩ Kỳ không ở vị thế để nhận mình là bên bị tổn thương khi vũ tran, cung cấp đạn dược, hậu cần cho lực lượng khủng bố IS tràn qua biên giới vào Syria trong 5 năm qua.
Nga (đúng hơn là Liên Xô) cũng không phải thiên thần khi bắn rơi máy bay của South Korean airliner năm 1982. Cũng không phải Mỹ vì Washington đã bắn hạ một máy bay của Iran năm 1988.
Thổ Nhĩ Kỳ là người bị chỉ mặt trong liên minh kỳ quặc ngấm ngầm hậu thuẫn IS bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Anh và Pháp (Pháp vừa nếm đòn đau từ IS). IS là vũ khí được các nước này lựa chọn để chống lại quốc gia Iran Hồi giáo dòng Shiite và các đồng minh Syria và Lebanon và rất sớm thôi là Taliban ở Afghanistan. Vấn đề ở chỗ, họ chống lưng IS nhưng không thể kiểm soát những thành viên mới. Con chó dại họ giúp khai sinh ra giờ đây đang chạy quanh người bị cắn đau đớn.
Bằng việc gây chiến với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang tự bắn vào chân mình. Nga và người tiền nhiệm của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là đế quốc Ottoman đã trải qua vô số các cuộc chiến kể từ những năm 1680 cho tới Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nga chưa bao giờ từ bỏ mong muốn chiếm giữ các eo biển như Constantinople và Dardanelles.
Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu 4 tỷ USD hàng hóa sang Nga và nhập khẩu một lượng lớn lúa mì, dầu lửa, khí đốt, thép. Ít nhất 4,5 triệu người Nga hàng năm đổ sang du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bắn hạ một máy bay Nga sẽ khiến những người Thổ dân tộc chủ nghĩa vỗ ngực nhưng dư vị của vụ việc sẽ hủy hoại nghiêm trọng nền kinh tế không ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Putin và Erdogan nên gặp nhau để giải quyết những vấn đề của họ trước khi chúng trở thành những bước đi nguy hiểm khác trên con đường dẫn tới Thế chiến thứ ba.
*Bài viết của tác giả Eric Margolis trên UnzRevew
Theo QPAN