Gây chiến Nga, Mỹ và NATO không có “cửa thắng”

Theo bất cứ kịch bản nào, Nga đều có thể về cơ bản hủy diệt hoàn toàn nước Mỹ trong vòng 30 phút (dĩ nhiên, Mỹ cũng có thể làm điều tương tự với Nga). Bất cứ nhà lập kế hoạch nào của Mỹ cũng phải cân nhắc kỹ một sự leo thang hành động quân sự nào chống Nga, Unz Review nhận định.
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận

Nếu bằng một sự thần kỳ nào đó, tất cả vũ khí hạt nhân biến mất, sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Nga sẽ như thế nào? Để trả lời loại câu hỏi này phải nhờ tới thứ mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ gọi là “đếm đầu”. Như Global Firepower và các con số thống kê quân số, số xe tăng chủ lực, xe bọc thép, pháo tự hành, chiến đấu cơ, máy bay ném bom, pháo binh, tên lửa, tàu mặt nước, tàu ngầm…của mỗi phe.

Thực tế việc thống kê số lượng như vậy hoàn toàn vô nghĩa. Hãy lấy một ví dụ: Nếu một cuộc chiến nổ ra giữa Nga và Trung Quốc và thực tế Trung Quốc chỉ riêng ở tỉnh Vân Nam đã có 1.000 xe tăng. Nhưng con số này chẳng có gì khác biệt trong chiến tranh, đơn giản vì chúng quá lạc hậu. Tuy nhiên, khi xem xét cán cân quân sự thông thường Mỹ-Nga, ta phải tự đặt ra hai vấn đề cơ bản:

-Bộ phận nào trong bộ máy quân sự Mỹ trên khắp thế giới có thể ngay lập tức hữu dụng với các nhà chỉ huy Mỹ trong trường hợp chiến tranh với Nga?

-Bao nhiêu sự tăng cường có thể hỗ trợ lực lượng này và họ có thể điều động chúng sớm tới mức độ nào?

Nên nhớ rằng xe tăng, máy bay ném bom, binh lính và pháo binh không chiến đấu riêng rẽ - chúng phải tác chiến cùng với nhau trong thứ gọi là các trận chiến “phối hợp vũ khí”. Do vậy, thậm chí Mỹ có thể huy động X số binh sĩ tới điểm A, nếu họ không có tất cả các loại vũ khí thành phần phối hợp để hỗ trợ chiến đấu, họ chỉ là những mục tiêu ngon ăn.

Hơn nữa, bất cứ lực lượng tác chiến nào cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực to lớn về tiếp tế/hậu cần. Sẽ rất tốt để đưa máy bay X đến địa điểm A, nhưng nếu các tên lửa, các thiết bị bảo dưỡng và chuyên gia kỹ thuật không có mặt ở đó trợ giúp, chúng hoàn toàn vô dụng. Ai cũng biết lực lượng thiết giáp cần một lượng nhiên liệu khổng lồ. Theo một ước tính năm 1991, một đơn vị thiết giáp Mỹ chỉ có thể cầm cự được 5 ngày, sau đó họ cần được tiếp tế quy mô.

Lính dù Nga hành quân

Rốt cuộc, bất cứ lực lượng nào của Mỹ có thể huy động từ điểm A sang điểm B sẽ không thể thực hiện vai trò nhiệm vụ tác chiến bình thường như tại điểm A. Giờ hãy xem xét “điểm A” đó có thể là khu vực Trung Đông hoặc Viễn Đông và bạn sẽ thấy rằng việc này có thể là một quyết định khó khăn đối với các tư lệnh Mỹ.

 Chiến tranh “nặng”

Chúng ta đã có một ví dụ rất tốt về việc Mỹ tác chiến trong chiến dịch “Lá chắn sa mạc” ra sao.  Trong chiến dịch khổng lồ đó, Mỹ mất tới 6 tháng và những nỗ lực hậu cần chưa từng có để tập hợp đủ lực lượng tấn công Iraq.

Hơn thế, Saudi Arabia đã chuẩn bị hàng thập kỷ để tiếp nhận một lực lượng lớn như vậy (phù hợp với cái gọi là Học thuyết Carter) và những nỗ lực của Mỹ hoàn toàn không vấp phải sự kháng cự nào của Saddam Hussein.  Giờ thì hãy tự đặt những câu hỏi sau:

-Trong trường hợp chiến tranh với Nga, nước láng giềng nào của Nga có thể cung cấp cơ sở hạ tầng tương tự như Saudi Arabia, với trang thiết bị hậu cần, các căn cứ khổng lồ, đường băng sân bay, cảng nước sâu…? (câu trả lời là không có)

-Liệu Nga có để cho Mỹ có 6 tháng thoải mái để chuẩn bị chiến tranh mà không có bất cứ hành động nào? (câu trả lời là không thể)

Một đối tượng hoàn toàn không thể áp dụng theo kịch bản “nặng” của chiến dịch “Bão táp sa mạc”. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự “nhẹ”, chỉ sử dụng các lực lượng phản ứng nhanh của Mỹ và NATO?

Chiến tranh “nhẹ”

Cần phải nhắc lại rằng người Nga không hề sợ mối đe dọa quân sự từ NATO. Phản ứng của họ đối với những động thái mới nhất của NATO (thiết lập các căn cứ quân sự mới và điều động binh sĩ tới Trung Âu, tăng chi tiêu quân sự..vv) là cáo buộc đó là hành động khiêu khích, nhưng tất cả giới chức Nga đều nhấn mạnh Nga có thể xử lý mối đe dọa quân sự.

Một quan chức Nga tuyên bố rằng: “Lực lượng phản ứng nhanh số 5 là vấn đề chúng tôi có thể giải quyết chỉ bằng một quả tên lửa”. Một công thức đơn giản nhưng về cơ bản là đúng.
Như đã từng nêu, quyết định tăng gấp đôi lực lượng lính dù Nga và nâng cấp trung đoàn dù đặc nhiệm số 45 thành một lữ đoàn đầy đủ đã sẵn sàng. Nga đã đi trước việc NATO thành lập lực lượng mạnh gồm 10.000 quân bằng cách tăng quân số lính dù từ 36.000 lên 72.000 quân.

Việc này rất đặc thù Putin. Trong khi NATO thông báo với sự khoa trương ầm ĩ rằng NATO sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh “xung kích” với 10.000 quân, Putin đã âm thầm tăng gấp đôi quân số lực lượng lính dù lên 72.000 người.

Hãy tin rằng, trận mạc đã khiến lực lượng dù Nga dày dạn và có năng lực chiến đấu rất cao so với lực lượng đa quốc gia gồm 5.000 “lính cậu” của 28 quốc gia NATO. Các chỉ huy Mỹ rất hiểu điều này.

Nói cách khác, với chiến tranh “nhẹ” hoặc “phản ứng nhanh” người Nga vượt trội và hoàn toàn không phải dạng xung đột Mỹ hay NATO có thể hy vọng thắng thế. Bên cạnh đó, nếu “chiến tranh nhẹ” kéo dài hơn dự kiến và có thể leo thang thành dạng “nặng”, thử hỏi Mỹ hay Nga sẽ có lực lượng hạng nặng gần hơn?

Sốc và kinh hoàng

Tất nhiên, đó là kiểu thức khả dĩ khác đối với các chỉ huy Mỹ: kiểu chiến tranh “Sốc và kinh hoàng” với đòn tấn công tên lửa ồ ạt được máy bay ném bom yểm trợ. Tuy nhiên, không kích Nga không thể so với việc ném bom Iraq và hệ thống phòng không của Nga thuộc loại tuyệt nhất hành tinh.

Mỹ giỏi ném bom dân thường, nhưng có vẻ thất bại khi chống một lực lượng quân sự như quân đội Serbia tại Kosovo. Trong 78 ngày đêm không kích liên tục của Mỹ và NATO, hơn 1.000 máy bay và 38.000 lần xuất kích nhưng tất cả đạt được gì? 10 hoặc hơn một chút máy bay Serbi bị phá hủy (chủ yếu trên mặt đất), 20 xe bọc thép và xe tăng bị phá hủy, khoảng 1.000 lính Serbia chết và bị thương. Đây là con số quá nhỏ bé so với lực lượng 130.000 quân của Serbia, 80 máy bay, 1.400 khẩu pháo, 1.270 xe tăng và 825 xe bọc thép.

Quân đội NATO tập trận

Nhưng thậm chí nếu chúng ta cứ cho rằng bằng cách này cách khác Mỹ thành công trong kiểu “chiến tranh từ xa” của mình, liệu có ai tin rằng việc đó có thể tác động nghiêm trọng đến quân đội Nga hoặc bẻ gãy ý chí của người Nga? (người dân thành phố Leningrad đã cầm cự không chỉ trong 78 ngày mà tới 900 ngày trong vòng vây hãm và ném bom của phát xít Đức mà chưa từng đầu hàng!).

Thực tế đang cho thấy về quốc phòng Nga đang có ưu thế lớn so với Mỹ, thậm chí nếu chúng ta chỉ xem xét về các loại vũ khí thông thường. Thậm chí nếu xung đột diễn ra tại Ukraine hoặc các quốc gia vùng Baltic, sự gần gũi về địa lý cũng trao cho Nga một lợi thế mang tính quyết định trươc bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ và NATO. Các chỉ huy Mỹ đều hiểu rất rõ thậm chí ngay cả khi họ tham vọng khác.

Ngược lại, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Mỹ và NATO có vẻ rất khó xảy ra vì những lý do tương tự. Nga không thể phóng chiếu quyền lực quá xa biên giới của họ. Thực tế, nếu nhìn vào cách quân đội Nga được tổ chức, cấu trúc và đào tạo, sẽ thấy ngay rằng đó là một lực lượng được thiết kế trước hết là để đánh bại một kẻ địch ở biên giới hoặc trong phạm vi dưới1.000km tính từ biên giới Nga.

Ta thấy các máy bay ném bom, tàu mặt nước, tàu ngầm hoạt động xa hơn, nhưng đó cũng điển hình cho các nhiệm vụ “khoe cờ”, chứ không phải huấn luyện chiến đấu cho các kịch bản quân sự hiện nay. Quân đội Mỹ chưa từng được thiết kế để chiến đấu một cuộc chiến tranh lớn chống một kẻ địch tinh vi. Chỉ có lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ được trao nhiệm vụ bảo vệ Mỹ trước các cường quốc hạt nhân khác (Nga và Trung Quốc).

Quân đội Nga được xây dựng hoàn toàn để tự vệ và không có khả năng đe dọa bất kỳ ai ở châu Âu, chứ đừng nói tới Mỹ. Tất nhiên, các tập đoàn truyền thông phương Tây sẽ tiếp tục “đếm đầu” các lực lượng Mỹ và Nga, nhưng đó thuần túy là tuyên truyền để tạo ra cảm giác khẩn cấp và sự sợ hãi trong công chúng. Thực tế dự báo tương lai cả Mỹ hay Nga đều không thể giành thắng lợi khi tấn công bên kia, thậm chí chỉ với các lực lượng quy ước.

Theo QPAN