Theo một nghiên cứu về dữ liệu vệ tinh toàn quốc công bố hôm 19/4, gần một nửa số thành phố lớn của Trung Quốc đang bị sụt lún ở mức độ “từ trung bình đến nghiêm trọng”, khiến hàng triệu người có nguy cơ hứng chịu các đợt lũ lụt, đặc biệt là khi mực nước biển dâng cao.
Trong bài viết được đăng tải trên Tạp chí Science, các tác giả chỉ ra rằng 45% đất đô thị của Trung Quốc đang chìm với tốc độ hơn 3 mm mỗi năm, trong khi 16% chìm ở mức hơn 10 mm mỗi năm. Tình trạng này xảy ra không chỉ do mực nước ngầm suy giảm mà còn do sức nặng của các toà nhà, do xây dựng quá độ.
Do dân số sống tại các đô thị của Trung Quốc đã vượt quá 900 triệu người, nên "ngay cả một phần nhỏ đất sụt lún ở Trung Quốc cũng có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với cuộc sống đô thị", nhóm nghiên cứu do Ao Zurui thuộc Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc dẫn đầu cho biết.
Tình trạng sụt lún đã khiến Trung Quốc thiệt hại hơn 7,5 tỉ nhân dân tệ (1,04 tỉ USD) hàng năm và trong thế kỷ tới, gần 1/4 đất ven biển có thể thực sự thấp hơn mực nước biển, khiến nước này có thêm hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt.
“Điều này cho thấy đây thực sự là một vấn đề tầm cỡ quốc gia đối với Trung Quốc chứ không phải chỉ là vấn đề ở một hoặc hai nơi”, Robert Nicholls, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Tyndall tại Đại học East Anglia, nhận định. “Và đó là một mô hình thu nhỏ của những gì đang xảy ra trên khắp thế giới”.
Thành phố Thiên Tân nằm ở miền Bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của hơn 15 triệu người, được xác định là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm ngoái, 3.000 cư dân thành phố này đã phải sơ tán sau một "thảm họa địa chất bất ngờ" mà các nhà điều tra đổ lỗi là do cạn kiệt nguồn nước và việc xây dựng các giếng địa nhiệt.
Nhiều khu vực mỏ than cũ của Trung Quốc cũng phải chịu hậu quả của việc khai thác quá độ, chính quyền thường buộc phải bơm bê tông vào các khu hầm đổ nát để gia cố đất.
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Một nghiên cứu khác được công bố trong tháng 2 cho thấy khoảng 6,3 triệu km2 đất trên toàn cầu đang gặp tình trạng tương tự. Trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Indonesia, trong đó phần lớn thủ đô Jakarta hiện đã ở dưới mực nước biển.
Ông Nicholls cho biết các thành phố dễ chịu ảnh hưởng có thể rút ra bài học từ Tokyo, nơi bị chìm khoảng 5 m cho đến khi chính phủ nước này cấm khai thác nước ngầm vào những năm 1970.
“Việc giảm thiểu sụt lún cần được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng người ta không thể dừng tất cả việc đó (khai thác nước ngầm) lại nên cần phải có biện pháp thích ứng và xây dựng đê điều”, ông nói.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Singapore, trong số 44 thành phố lớn ven biển gặp phải vấn đề này, có 30 thành phố nằm ở châu Á.
“Đây là một vấn đề bắt nguồn đô thị hóa và tăng trưởng dân số - mật độ dân số lớn hơn, khai thác nhiều nước hơn dẫn đến sụt lún nhiều hơn”, Matt Wei, chuyên gia địa vật lý tại Đại học Rhode Island, cho biết.
Số phận các mỹ nhân trong làng giải trí Trung Quốc sau khi bị "phong sát"
“Mỹ dung hủ bại”: Thú vui làm đẹp và thủ đoạn thăng tiến của các nữ quan tham Trung Quốc
Trọn gói 17,5 triệu đồng: “Đám cưới tối giản” được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng
Theo Reuters