Gần 3,5 triệu người Việt Nam đã có chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến 5/8, gần 3,5 triệu người Việt Nam đã có chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử. Cùng với đó, nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng 5 triệu mũi tiêm mỗi ngày.
Chứng nhận điện tử sau khi hoàn thành mũi tiêm chủng vaccine COVID-19 đầu tiên.
Chứng nhận điện tử sau khi hoàn thành mũi tiêm chủng vaccine COVID-19 đầu tiên.

Viettel cũng cho biết nền tảng này cũng đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế. Viettel đã chuẩn bị các phương án về công nghệ và hạ tầng để đảm bảo nền tảng vận hành tốt ngay cả khi nhu cầu tăng vượt dự kiến.

Triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia là nhiệm vụ quan trọng do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 giao Viettel thực hiện. Nền tảng bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Hiện nền tảng ứng dụng thực tế tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Khi tham gia tiêm chủng tại các điểm tiêm ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia, người dân sẽ chỉ mất chưa đến 5 giây để xác nhận thông tin bằng mã QR. Sau khi dữ liệu tiêm được cập nhật lên cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, người dân có thể tra cứu “Chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19” của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Những người đã tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh.

Ông Khổng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho biết: “Số hóa hoạt động quản lý tiêm chủng cần thiết để hỗ trợ các điểm tiêm đảm bảo quy định 5K, tuân thủ quy trình tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, nền tảng tiêm chủng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện trong bối cảnh chỉ thị 16 đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành”.

Việc cho phép đăng ký trước thông qua ứng dụng điện thoại giúp hạn chế tương tác giữa người đi tiêm và người phụ trách xác nhận thông tin, tiết giảm bước nhập liệu so với cách làm thông thường. Việc người dân trực tiếp nhập thông tin của mình cũng giúp giảm thiểu sai sót, đảm bảo tính chính xác của thông tin.