|
Tổng thống Nga Putin |
Sự trung thành của FSB với tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến cơ quan này trở thành cơ quan tình báo quyền lực nhất nước Nga, The Atlantic đánh giá.
Nhìn vào các truyền thống lịch sử của Liên Xô là cách hay nhất để lý giải sự táo bạo của các hoạt động tình báo của Nga hiện nay, từ việc phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, tới việc hạ bệ các đối thủ của điện Kremlin ở nước ngoài. Nhưng những hành động này không chỉ là sản phẩm của các phương cách cũ hay là những tính toán địa chính trị mới, nó còn là hệ quả của sự chuyển dịch trong các hoạt động của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) – lực lượng tình báo lừng danh của Nga.
Cơ quan này ban đầu vốn được thành lập để bảo vệ các nguyên tắc của Kremlin ở trong nước, nhưng theo thời gian FSB lại ngày càng chuyển sang các hoạt động ở nước ngoài. Một lực lượng cảnh sát mật mới, bỏ qua những phương thức truyền thống các điệp viên và đảm bảo an toàn cho ông Putin, về cơ bản đã thay đổi bản chất của cơ quan tình báo Nga.
FSB không chỉ bị Mỹ cáo buộc là đã cố tình gây ra vụ rò rỉ email nhằm gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton mà cơ quan này còn bị phương Tây tố cáo đã hậu thuẫn cho các đảng cực đoan ở châu Âu, khuấy động sự bất mãn giữa những nhóm người thiểu số nói tiếng Nga ở các nước Baltic, ám sát các lãnh đạo đối lập người Chechen ở Thổ Nhĩ Kỳ và Áo, truyền bá các thông tin sai lệch và thậm chí còn bắt cóc nhân viên an ninh của Estonia tại biên giới vào năm 2014.
Và theo hồ sơ chưa được xác minh do Buzzfeed công bố vào ngày 10/1 vừa qua, FSB cũng thu thập các thông tin về tổng thống Mỹ Donald Trump, hành động bị phương Tây cáo buộc rằng mục đích là biến ông Trump thành con rối của ông Putin. Người ta phải quay trở lại thời kỳ Xô Viết để nhìn lại một loạt những vụ phiêu lưu bí mật của tình báo Liên Xô ở nước ngoài.
Với việc cho phép FSB nhúng tay sâu vào các hoạt động tình báo bí mật ở nước ngoài, ông Putin đã trao quyền hạn rất lớn cho cơ quan tình báo này. FSB đóng vai trò trung tâm trong những phát triển hiện nay, không phải vì FSB có khả năng kỹ thuật mạnh hơn các cơ quan tình báo khác mà quan trọng nhất là vì FSB sẵn sàng vượt qua hoặc không tôn trọng các giới hạn giống như các cơ quan an ninh khác của Nga.
Theo The Atlantic, FSB làm những việc mà các cơ quan khác chỉ dám nghĩ chứ không dám làm vì chúng quá mạo hiểm, bởi lẽ chúng động chạm quá lớn đến chính trị hoặc có khả năng phản tác dụng.
FSB chỉ là phiên bản mới nhất và hoạt động lâu nhất của KGB trước đây thời Liên Xô. Tổng thống Boris Yeltsin đã lờ đi những lời kêu gọi giải tán cơ quan này. Thay vào đó, sau năm 1991, ông đã chọn phân tách KGB. Bộ phận đầu tiên chịu trách nhiệm về hoạt động gián điệp đã được đổi tên thành Cơ quan tình báo nước ngoài (SVR). Phần lớn ban giám đốc được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong nước đều lần đầu tiên cùng tụ hợp dưới ô của Bộ An ninh, sau đó được đổi tên thành Cơ quan phản gián liên bang, và cuối cùng vào năm 1995 lấy tên là Cơ quan an ninh liên bang (FSB).
Kể từ đó, FSB đã phát triển rất mạnh, đặc biệt là sau năm 1998, khi trong một thời gian ngắn, cơ quan này đã được lãnh đạo bởi một cựu nhân viên KGB ít được biết tới, người mà sự nghiệp sau này đã trải qua một bước thăng tiến không ai ngờ tới, đó chính là nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Trong những năm sau đó, FSB đã trở thành một trong những đồng minh trung thành của ông Putin. Đổi lại, ông Putin đã che chắn, trao quyền và nâng đỡ cơ quan này, cho phép FSB giành được ưu thế hơn so với các đối thủ như Cơ quan chống ma túy liên bang, và bố trí các nhân sự thuộc FSB giữ các vị trí quan trọng, từ thống đốc khu vực đến chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia.
Atlantic cho rằng ông Putin kiểm soát giới chức Nga bằng cách tạo ra nhiều cơ quan chồng lấn lên nhau, sau đó sẽ để chúng kiểm soát lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ ràng trong cộng đồng tình báo, ví dụ ở Ukraine, SVR, FSB và GRU (cơ quan tình báo quân sự Nga) đều thực hiện các hoạt động cạnh tranh lẫn nhau.
Khi tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ sau cuộc cách mạng Euromaidan năm 2014 khiến Matxcơva ngỡ ngàng, một cuộc chạy đua trách nhiệm đã diễn ra. Cho dù FSB là cơ quan liên hệ thân cận nhất với ông Yanukovych và đã tranh luận một cách mạnh mẽ rằng ông ta sẽ tồn tại được, FSB vẫn nhận được sự ủng hộ từ Putin, và SVR phải chịu mọi sự đổ lỗi về thất bại tình báo này.
Một hệ quả của việc các cơ quan tình báo cạnh tranh nhau trên cùng một mặt trận là sự xâm nhập ngày càng mạnh của FSB vào các hoạt động ở nước ngoài. Trong năm 2003, cơ quan này đã lĩnh hội gần hết khả năng nghe trộm và tình báo không gian mạng của FAPSI, một cơ quan của Nga tương tự như NSA. Năm 2005, FSB bắt đầu hoạt động ở các nước láng giềng của Xô Viết trước đây. Năm 2006, Nga đã thông qua một điều luật cho phép sử dụng quân đội “để ngăn chặn các hoạt động khủng bố quốc tế bên ngoài Liên bang Nga”, ngay trước khi kẻ đào tẩu Alexander Litvinenko bị chết ở London.
Khi tầm vóc và vai trò của FSB tăng lên, các đối thủ trong lĩnh vực tình báo ở Nga cũng yếu đi. Cuối những năm 2000, GRU đã mất mặt vì những sai lầm ngớ ngẩn trong cuộc chiến tranh Georgia năm 2008, khiến các đơn vị quân đội Nga đã bị thiệt hại nặng nề. Ông Putin cũng cảm thấy SVR quá bảo thủ và nhút nhát vì tự hạn chế mình trong những hoạt động thu thập thông tin đơn điệu. Cơ quan này không thể hiện được vài trò như kỳ vọng của ông Putin.
Và ông Putin cũng ngày càng tin rằng Mỹ đang thực hiện một chiến dịch nhằm cô lập nước Nga và bác bỏ vị thế cường quốc mà ông Putin cảm thấy nước Nga hoàn toàn xứng đáng. Ông Putin coi các cuộc Cách mạng màu là những kịch bản do Mỹ dàn dựng để lật đổ các chính quyền thân Nga (ví dụ ở Georgia năm 2003, ở Ukraine năm 2004, và ở Kyrgyzstan năm 2005), và ông Putin cũng lý giải sự can thiệp của NATO vào Libya năm 2011 như một dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các âm mưu thay đổi chế độ.
Ông Putin càng coi phương Tây là mối đe dọa thì ông càng cần các cơ quan tình báo của mình thu thập thông tin và phục vụ như những công cụ tích cực thực hiện các tham vọng địa chính trị của ông. Quan điểm này dường như đã kết tinh trong quãng thời gian ngắn ngủi khi ông làm thủ tướng Nga từ năm 2008 đến 2012.
FSB đã tranh giành để lấp đầy khoảng trống do GRU và SVR để lại. Đột nhiên, FSB lại cung cấp thông tin chính sách đối ngoại cho ông Putin, tiến vào lĩnh vực truyền thống của SVR và bộ ngoại giao. Cơ quan này đã vận động hành lang gây quỹ và nhận được sự ủy thác để thực hiện các hoạt động chính trị, đầu tiên là ở châu Âu, sau đó xa hơn vươn sang cả Mỹ.
Khi cuộc đối thoại thiếu thận trọng giữa trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt xuất hiện vào năm 2014, người ta tin rằng FSB đã chặn và rò rỉ vụ này. FSB còn có thể chiếm đoạt các thông tin của SVR và GRU, các tình báo viên của FSB đã tiết lộ rằng thông tin của họ là do các cơ quan tình báo khác thu thập.
FSB có thể làm những việc như vậy vì cơ quan này có được sự tin tưởng từ ông Putin. Atlantic cho rằng các sĩ quan của FSB đã có được vị thế đặc quyền, được giao cho nhiệm vụ can thiệp vào các cuộc bầu cử, mua chuộc các cử tri và các chính trị gia chuyên vận động hành lang ở phương Tây.
FSB bị phương Tây cáo buộc đứng sau vụ bắt cóc xuyên biên giới sĩ quan an ninh Estonia tên là Eston Kohver năm 2014, và theo các nguồn tin tình báo Mỹ, FSB cũng đứng sau vụ rò rỉ emai của Đảng Dân chủ dù cho GRU mới là cơ quan trực tiếp thực hiện hành động.
Nhưng theo Atlantic đánh giá, tài sản lớn nhất mà FSB sở hữu là khả năng sẵn sàng chớp lấy mọi cơ hội. Về khía cạnh này, FSB chỉ đơn giản là phản ánh lại đúng chất của ông Putin, người có thể làm tốt kể cả trong tình huống éo le, người khó đoán định và sẵn sàng đối đầu hơn bất kỳ ai.
Mỹ và phương Tây cáo buộc các cơ quan tình báo Nga khiến ông Putin càng có xu hướng thực hiện các cuộc phiêu lưu mạo hiểm, chẳng hạn như dấn sâu thêm vào cuộc chiến Syria, can thiệp mạnh hơn vào Ukraine hay gây rắc rối trực tiếp với NATO hoặc Trung Quốc.