Đây là dự án do Liên danh FPT Quy Nhơn gồm 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng (FPT City), Công ty TNHH Đầu tư FPT (FPT Investment), Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), làm chủ đầu tư.
Dự án được triển khai với mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và hình thành khu đô thị phụ trợ với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo góp phần thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ, góp phần đưa Bình Định thành trung tâm AI của khu vực. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng góp phần đưa Bình Định trở thành trung tâm AI của khu vực.
Dự án gồm 3 phân khu chức năng chính là Trung tâm trí tuệ nhân tạo; Khu giáo dục và đào tạo; Khu đô thị phụ trợ.
Phân khu Trung tâm trí tuệ nhân tạo là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ. Phân khu giáo dục là khu vực xây dựng trường liên cấp từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Khu đô thị phụ trợ đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu theo đặc thù khu đô thị trí tuệ nhân tạo góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Định, đặc biệt là nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, “dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ không chỉ là một dự án có quy mô lớn mà còn đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương. Việc xây dựng Trung tâm này là một minh chứng cho sự quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với các định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh Bình Định, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, và dữ liệu lớn (Big data), qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Định trong thời đại công nghệ số”.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Công nghệ có thể giúp các công ty, các thành phố, các tỉnh và thậm chí là một quốc gia phát triển vượt trội. Tôi tin rằng Bình Định sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực và thậm chí là trên thế giới. Vì trên thực tiễn hiện nay, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI của chúng tôi tại Bình Định đang triển khai các dự án có quy mô hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu USD cho khách hàng Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Và để Bình Định có thể nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực, giải quyết những bài toán lớn nhất của thế giới, chúng tôi sẽ song hành cùng Bình Định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về với Bình Định”.
Sở dĩ FPT lựa chọn Bình Định để xây dựng Trung tâm AI và đô thị phụ trợ là vì FPT đã có cam kết đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số với tỉnh Bình Định từ năm 2021.
Năm 2021, Tập đoàn đã ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu góp phần sớm đưa Bình Định trở thành tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Tập đoàn cũng đã đồng hành cùng tỉnh Bình Định xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thông qua nền tảng công nghệ chung duy nhất; đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; triển khai Hệ thống camera điều hành giao thông ứng dụng AI phân tích hành vi vi phạm của các phương tiện qua chốt; đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số quy mô lớn; tư vấn triển khai các giải pháp y tế số, nông nghiệp số, doanh nghiệp số…Hiện, Bình Định xếp thứ 29 trên tổng số 63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số, tăng 5 bậc so với năm 2021.
FPT cũng đã có những đóng góp nhất định từng bước đưa Bình Định trở thành cái nôi về đào tạo và nghiên cứu AI, với nguồn nhân lực AI được đào tạo bài bản từ khi còn là học sinh cho đến đại học, sau đại học.
Hiện FPT đang đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên tại Bình Định. Trong đó, phân hiệu trường ĐH FPT tại Bình Định đi vào hoạt động từ năm 2021, với định hướng đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc biệt, đội ngũ nhân sự công nghệ của FPT tại Bình Định sẽ tham gia làm mentor cho các sinh viên cũng như hỗ trợ đội ngũ giảng viên hoàn thiện chương trình giảng dạy để sâu sát với thực tế hơn, đưa ngành Trí tuệ nhân tạo của Đại học FPT Quy Nhơn trở thành điểm đến uy tín và thu hút mà học sinh, sinh viên cả nước tìm về.
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI của FPT tại Quy Nhơn cũng liên tục mang về các dự án AI trị giá hàng triệu USD với khách hàng của Mỹ, Nhật Bản và mang đến mang đến nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực của tỉnh cũng như thu hút nhân tài từ các tỉnh lân cận về làm việc tại Bình Định.
FPT tại Bình Định đang tạo ra một dòng chảy nhân sự chất lượng cao từ Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác về lập nghiệp lâu dài tại Bình Định.
Nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Định, Liên danh FPT Quy Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ bàn giao nhà trong năm 2025 cho cán bộ nhân viên có đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của FPT tại Bình Định.
Cũng tại sự kiện, đại diện FPT cũng đã trao tặng tỉnh 40 bộ máy tính cho trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định góp phần giúp các em học sinh mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ mới chinh phục những ước mơ của mình và góp phần phát triển Bình Định.