|
Công nhân sản xuất iPhone ở Trịnh Châu. Ảnh SCMP |
Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, do Foxconn Technology Group điều hành tại thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc đã duy trì hệ thống sản xuất “khép kín” hạn chế sự di chuyển của nhân viên kể từ giữa tháng 10, do nhà cung cấp chính của Apple chịu áp lực đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa nghỉ lễ nhưng buộc phải ngừng sản xuất.
Nhóm Kinh doanh Sản phẩm Kỹ thuật số Tích hợp của Foxconn, bộ phận chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone, đã mô tả hiện trạng này vào cuối tuần qua trong một bức thư ngỏ, kêu gọi các công nhân tại khu phức hợp sản xuất iPhone “hiểu và hỗ trợ nhiều hơn” chính sách khép kín trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn và buộc phải nỗ lực “hoàn thành xuất sắc đơn hàng”.
Công ty sản xuất iPhone theo hợp đồng Đài Loan, tên chính thức là Hon Hai Precision Industry, cố gắng trấn an lực lượng công nhân, khẳng định sự cố lây nhiễm từ biến thể Omicron Covid-19 tại cơ sở “hầu hết là nhẹ hoặc không có triệu chứng”, đồng thời nói thêm rằng “sẽ không có hậu quả”, theo nội dung của thư ngỏ. .
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi hầu hết các khu vực thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh miền trung Hà Nam đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch vào tuần trước do chính quyền Trung ương cho thấy sự thay đổi trong chính sách Zero Covid-. Nhiều thành phố Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, không còn yêu cầu xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase thường xuyên nữa.
|
Lối vào khu phức hợp sản xuất của Tập đoàn Công nghệ Foxconn ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Weibo |
Thư ngỏ của Foxconn cũng đảm bảo rằng “cuộc sống và công việc với những người đã hồi phục khỏi Covid-19 là an toàn”, đồng thời nhấn mạnh rằng, những người “tái nhiễm sẽ không lây nhiễm cho những người xung quanh” sau những biện pháp lâm sàng.
Tác giả đáng tin cậy của bức thư ngỏ là một “nhóm chuyên gia”, bao gồm những cán bộ thuộc cơ quan y tế Hà Nam và “đội phòng chống và kiểm soát đại dịch” của Foxconn trong tỉnh.
Thông báo mới nhất này phản ánh mức độ khẩn cấp trong những nỗ lực của Foxconn nhằm khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại cơ sở Trịnh Châu, sau những gián đoạn sản xuất nghiêm trọng khi bùng phát sự cố di cư của hàng chục nghìn nhân viên và các cuộc biểu tình của công nhân trở thành bạo lực.
Mối lo ngại đó trở thành nổi bật vào cuối tháng 11, khi Apple tuyên bố đã cử một nhóm chuyên gia đến nhà máy Trịnh Châu của Foxconn để nắm bắt tình hình và hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất “nhằm đảm bảo các vướng mắc của nhân viên nhà cung cấp được giải quyết”.
Theo dự báo gần đây của nhà phân tích Kuo Ming-chi thuộc công ty TF International Securities, Apple có thể xuất xưởng với số lượng giảm 20% điện thoại thông minh trong quý nghỉ lễ này so với dự kiến.
Những cuộc biểu tình và tình trạng thiếu nhân lực tại nhà máy ở Trịnh Châu của Foxconn đã khiến Kuo cắt giảm 1/5 số lượng lô hàng iPhone dự báo, xuống còn 70 triệu đến 75 triệu chiếc trong quý 4 đến hết tháng 12, thường là quý có số lượng thiết bị bán ra lớn nhất của Apple do các lô hàng mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max, đang có nhu cầu cao trên thị trường sẽ giảm xuống còn khoảng 15 triệu đến 20 triệu chiếc.
Lễ hội mua sắm Black Friday tháng 11 ở Mỹ cho thấy, nhiều người tiêu dùng đã rất khó khăn khi tìm kiếm hai mẫu iPhone cao cấp trên các siêu thị trực tuyến và ngoài cửa hàng do sự gián đoạn sản xuất ở Trịnh Châu.
Khu phức hợp sản xuất rộng lớn của Foxconn, được gọi là “Thành phố iPhone”, thường xuyên có khoảng 300.000 công nhân làm việc trên các dây chuyền lắp ráp vào thời điểm này trong năm, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn trong dịp lễ.
Khi cơ sở sản xuất ở Trịnh Châu phải vật lộn với khó khăn để đáp ứng lịch trình sản xuất trong kỳ nghỉ lễ, cả Apple và Foxconn, nhà sản xuất theo hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới đều muốn đa dạng hóa hơn nữa các địa bàn, nơi có thể xây dựng các nhà máy và triển khai các dây chuyền lắp ráp iPhone.
Foxconn cho biết doanh nghiệp đã đầu tư 1 tỷ nhân dân tệ (142 triệu USD) vào những cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên , thủ phủ của tỉnh phía bắc Sơn Tây, theo hồ sơ giao dịch chứng khoán ngày 2/12. Công ty giải thích động thái đó là một “khoản đầu tư dài hạn” nhưng không giải thích chi tiết.
Cùng ngày, doanh nghiệp cũng công bố khoản đầu tư 58,98 triệu USD vào một công ty con tại Cộng hòa Séc, cùng với khoản đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới của Apple tại Việt Nam vào tháng 8.
Mặc dù Apple được cho là đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng quá trình di chuyển chuỗi cung cấp sẽ là một cuộc chạy đua marathon với nhiều vấn đề sẽ phải giải quyết cả ở Việt Nam và Ấn Độ.
Nhà phân tích Kuo của TF International cho biết “sẽ rất khó để Hon Hai tiếp tục trở thành nhà lắp ráp độc quyền dòng iPhone 15 Pro” vào năm 2023. Ông cho thấy, Apple đã chuyển 10% đơn đặt hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max từ Foxconn sang các nhà thầu đối thủ là Pegatron và Luxshare-ICT , những lô hàng này dự kiến sẽ được giao sớm nhất vào cuối tháng 12.
Theo South China Morning Post