Chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ ngày càng được nhiều nước châu Á đón nhận; Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ; Tòa Trọng tài Thường trực La Haye không công nhận cái gọi là “quyền lịch sử” trong các tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc… Foreign Policy ngày 21/7 đã giải thích về những thất bại ngày càng nhiều trong lĩnh vực đối ngoại của Trung Quốc.
Theo Foreign Policy, không một ai kể cả tổng thống Barack Obama, đã «đóng góp» nhiều như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào việc «giúp» Mỹ được chào đón tại châu Á. Kể từ năm 2012, chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã san bằng nhiều năm trời nỗ lực tận tụy của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước láng giềng châu Á về những lợi lộc có đi có lại của sự trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc. Dưới thời ông Tập, Bắc Kinh đã hứng chịu một loạt thất bại ngoại giao, Foreign Policy nêu rõ.
Ba năm qua đã chứng kiến một chuỗi những thất bại và thua kém nghiêm trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Tòa Trọng tài La Haye, hôm 12/7/2016, đã bác bỏ yêu sách «đường 9 đoạn » mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở cho các đòi hỏi về những đảo và đá đang có tranh chấp, cũng như ngang ngược nhận vơ 85% diện tích Biển Đông là thuộc về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là một thất bại nặng nề, đánh sập một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với phần còn lại của châu Á. Phán quyết của Tòa là một vố đau, gây bối rối, làm xói mòn hình ảnh một bộ mặt tươi cười mà Trung Quốc tìm cách phô trương.
Thế nhưng, phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye chỉ là sự kiện mới nhất trong chuỗi thất bại về ngoại giao của Trung Quốc. Trước đó là quyết định của Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD, một hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Hoa Kỳ, bất chấp những phản đối mạnh mẽ và những lời đe dọa phũ phàng của Trung Quốc đối với Seoul. Thái độ độc đoán của Trung Quốc và lời kêu gọi Hàn Quốc hãy ưu tiên chú ý tới các quan ngại về an ninh của Bắc Kinh hơn là các vấn đề an ninh của Seoul, là nhằm gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn, thế nhưng đã gây ra kết quả ngược lại. Quyết định triển khai THAAD đã thúc đẩy Hàn Quốc gần gũi hơn với Mỹ và mở cửa cho sự hợp tác chiến lược ba bên Mỹ-Hàn-Nhật, một điều mà từ lâu nay Bắc Kinh căm ghét, Foreign Policy nêu rõ.
Đương nhiên, quyết định triển khai THAAD là do thất bại ngoại giao của Trung Quốc trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Thực tế, việc Bình Nhưỡng giễu cợt lời cảnh cáo của Bắc Kinh là không nên tiến hành thử hạt nhân và tên lửa là một phản ứng gây ngạc nhiên. Ông Tập Cận Bình đã cử đặc phái viên sang Bình Nhưỡng để thuyết phục Triều Tiên không nên tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Thế nhưng, ngay khi đặc phái viên Trung Quốc về tới nước, ra khỏi máy bay, thì Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành thử tên lửa. Và để chọc tức, Bình Nhưỡng đã làm việc này ngay trước Tết Nguyên Đán.
Thất bại trên bán đảo Triều Tiên tiếp nối sau thất bại ở Senkaku, một quần đảo có tranh chấp mà Bắc Kinh đã tìm cách khai thác như để chọc một cái gai vào liên minh Mỹ-Nhật với câu hỏi liệu Mỹ có ủng hộ Nhật Bản hay không trong một cuộc xung đột với Trung Quốc. Thế nhưng vào tháng 4/2014, trong chuyến thăm Nhật Bản tổng thống Obama đã nói rõ là điều 5 trong thỏa thuận liên minh Mỹ-Nhật được áp dụng đối với vùng quần đảo Senkaku.
Theo Foreign Policy, các vụ máy bay và tàu biển Trung Quốc thâm nhập vào khu vực quần đảo Senkaku và Biển Hoa Đông đã gây tác động lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản, dẫn đến việc vào năm 2014, Tokyo quyết định diễn giải lại Hiến pháp cho phép tiến hành phòng vệ tập thể và đạt được các nguyên tắc chỉ đạo phòng thủ Nhật–Mỹ năm 2015, thừa nhận Nhật Bản có vai trò to lớn hơn đối với an ninh khu vực.
Mùa xuân năm 2016, chiến hạm thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã ghé vào các cảng ở Vịnh Subic – Philippines, vịnh Cam Ranh – Việt Nam và Sydney – Úc, trước sự tức tối của Bắc Kinh. Thắng lợi của thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử Thượng viện gần đây mở ra khả năng Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, một ác mộng khác mà Trung Quốc đã lo ngại từ lâu nay.
Tháng 6/2016, bộ máy ngoại giao của ông Tập Cận Bình đã đạt được một thắng lợi quan trọng trong cuộc gặp giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN tại Côn Minh: Trung Quốc đã gây sức ép buộc ASEAN phải rút một bản tuyên bố bày tỏ quan ngại về những căng thẳng tại Biển Đông. Tuy nhiên, cách hành xử độc đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác chưa từng thấy về an ninh giữa Úc, Nhật Bản, Mỹ và các nước duyên hải trong vùng.
Ngoài châu Á, Bắc Kinh tiếp tục gặp vận đen tại châu Âu, nơi mà bất chấp sức ép của Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu đã bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh cho được hưởng «quy chế nền kinh tế thị trường» trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Thậm chí, Liên hiệp châu Âu và Mỹ khởi động cơ chế chống bán phá giá do việc Trung Quốc sản xuất dư thừa thép và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, các chính sách kinh tế mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã gây thất vọng nơi cộng đồng doanh nhân Mỹ, vốn lâu nay là cơ sở ủng hộ quan hệ Mỹ-Trung. Không có được sự ủng hộ của giới doanh nhân Mỹ, mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, có thể sẽ còn phức tạp hơn, ảnh hưởng đến môi trường hoạch định chính sách đối với tân tổng thống và ông sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định.
Foreign Policy đánh giá, điều ngoài sức tưởng tượng là chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình đã gây ra hậu quả ngoài ý muốn là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và củng cố chính sách «tái cân bằng» của Obama – một thành công mà Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Quốc Phòng Mỹ không thể đạt được như vậy, ngay cả lúc thuận lợi nhất.
Làm thế nào để giải thích tất cả những điều này? Sau cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ năm 2008-2009, các nhà phân tích Trung Quốc đã sai lầm khi kết luận rằng Mỹ đang ở trong giai đoạn cuối cùng của sự suy tàn và rằng đây là thời điểm để xóa bỏ một thế kỷ nhục nhã bằng cách khẳng định ảnh hưởng của mình thay vì chờ thời bởi vì Trung Quốc đã phát triển kinh tế.
Do vậy, chiến lược của Trung Quốc dựa trên những giả thuyết sai lầm, rằng Trung Quốc với lợi thế địa lý, đang trở nên to lớn hơn, và mạnh hơn về quân sự và rằng một nước Mỹ đang suy tàn sẽ từng bước rút ra khỏi vùng này. Các nước châu Á sẽ không có lựa chọn nào khác và chấp nhận các lợi ích của Trung Quốc.
Foreign Policy đặt vấn đề, với tất cả những việc tồi tệ đang trở nên bất lợi này, liệu vị thế ông Tập Cận Bình trong giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ như thế nào?