|
Ông Liễu Trung Tam, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội trao đổi nhân tài quốc tế Trung Quốc ở New York, bị phía Mỹ bắt và khởi tố |
Theo các tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, Hiệp hội trao đổi nhân tài quốc tế Trung Quốc (China Association for International Exchange of Personnel, CAIEP), là một tổ chức chính thức của Trung Quốc, có trách nhiệm chiêu dụ các nhà khoa học, kỹ sư và học giả Mỹ mang theo thành quả nghiên cứu hoặc công nghệ về Trung Quốc làm việc theo “Kế hoạch ngàn người” (Thousand Talents Plan) do Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra và chủ trì từ năm 2000 với mục đích tuyển mộ khoảng 2000 nhân tài khoa học công nghệ và học giả người gốc Hoa ở các nước về Trung Quốc làm việc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, sau khi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát, “Kế hoạch ngàn người” đã không được truyền thông Trung Quốc công khai nói đến nữa.
Che giấu thân phận thực, bí mật hành động
Liễu Trung Tam nguyên là Phó Bí thư đảng ủy Cục chuyên gia nước ngoài, cơ quan hành chính phụ trách “nhập khẩu trí lực cho quốc gia” của chính phủ. Năm 2017, Quốc Vụ viện Trung Quốc sáp nhập Cục Chuyên gia nước ngoài vào Bộ Khoa học và Công nghệ, Liễu Trung Tam được điều chuyển sang làm Trưởng đại diện của Hiệp hội trao đổi nhân tài quốc tế Trung Quốc tại Mỹ.
Theo các tài liệu của tòa án, sau khi tới Mỹ năm 2017, Liễu Trung Tam đã bị nghi ngờ “tiến hành các hoạt động lừa dối gian lận visa khác nhau”. Vì nhân viên của ông ta muốn tiến hành công việc toàn thời gian tuyển dụng, lôi kéo các nhà khoa học hàng đầu và các kỹ sư người Mỹ gốc Hoa mang kiến thức chuyển về Trung Quốc, nhưng cũng “không thể xin thị thực ngoại giao” để sang Mỹ, chỉ có thể qua mặt chính quyền Mỹ bằng “J-1 Visiting Scholar Visa” – thị thực nhập cảnh dành cho các học giả được mời tới Mỹ nghiên cứu, giảng dạy.
|
Ông Liễu Trung Tam khi còn ở trong nước Trung Quốc
|
Cùng năm 2017, Liễu Trung Tam nhận được yêu cầu của bộ phận Khoa học và Công nghệ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ để xin visa Mỹ loại J-1 cho một cán bộ nữ từ Hiệp hội Trao đổi nhân tài Quốc tế Trung Quốc nhập cảnh Mỹ. J-1 là thị thực học giả cho phép chủ sở hữu thực hiện nghiên cứu học thuật tại các trường đại học, bảo tàng, thư viện và các tổ chức khác của Mỹ, có quyền hạn lớn hơn các loại thị thực khác nên không dễ được cấp.
Liễu Trung Tam đầu tiên liên hệ với một số trường đại học Mỹ hy vọng nhận được lời mời từ họ để cho phép người phụ nữ vào Mỹ như một học giả thỉnh giảng. Cuối cùng, một trường đại học ở bang Georgia sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, theo nội dung của lời đề nghị, người phụ nữ này đã che giấu tư cách chính thức là quan chức của Hiệp hội trao đổi nhân tài quốc tế Trung Quốc, mà nói dối là nhà nghiên cứu của một trường đại học Trung Quốc đến Mỹ để nghiên cứu về “quản trị các tổ chức phi lợi nhuận”. Theo thư mời, bà ta phải làm việc tại trường đại học này và phải sống ở bang Georgia. Tuy nhiên, sau khi đến Mỹ, người này không nộp đơn xin giấy phép lái xe và mở tài khoản ngân hàng địa phương.v.v. không sống ở Georgia, cũng chẳng ngay lập tức tới trường đại học để gặp giáo sư "hướng dẫn" cho mình; mà lại triển khai thực hiện công việc chính thức được cơ quan bên Trung Quốc giao ở New York, trong đó có việc tuyển mộ các nhà khoa học Mỹ đưa về làm việc tại Trung Quốc.
Kết quả, Liễu Trung Tam và người phụ nữ đã bị đặc vụ FBI “thả câu” gài bẫy lật tẩy; Liễu bị FBI bắt giữ ở Fort Lee, New Jersey ngày 16/9. Cùng ngày ông ta bị đưa ra hầu tòa tại Tòa án Liên bang khu Nam New York, được bảo lãnh tại ngoại sau khi đóng khoản tiền 500 ngàn USD và buộc phải giao nộp visa để đề phòng bỏ trốn. Ông ta bị cáo buộc tội âm mưu lừa dối nước Mỹ bằng các phương pháp sai trái để xin visa Mỹ cho các quan chức Trung Quốc. Theo luật pháp Mỹ, nếu tội danh thành lập, Liễu phải đối mặt với mức án tù 5 năm.
|
Ông Liễu Trung Tam (giữa) tại một cuộc hội thảo trong nước khi đang là Chủ nhiệm Trung tâm tập huấn Cục Chuyên gia nước ngoài
|
Liễu Trung Tam có 26 năm làm việc tại Cục chuyên gia nước ngoài. Bản khởi tố cho thấy ông ta liên quan đến ba vụ án tương tự hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Chuyên gia nước ngoài, Phòng Khoa học Công nghệ của Lãnh sự quán Trung Quốc. Qua đó có thể thấy “Kế hoạch ngàn người” ở Mỹ là một vấn đề rất rộng, một dự án rất lớn
Nhân việc khởi tố Liễu Trung Tam, ông John C. Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp phụ trách vấn đề an ninh quốc gia ngày 17/9 đã ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta hoan nghênh các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài, bao gồm những người đến từ Trung Quốc; nhưng không hoan nghênh các hành vi gian lận thị thực, đặc biệt là hành vi đại diện cho một chính phủ. Chúng ta sẽ tiếp tục chống lại sự lật đổ của chính phủ Trung Quốc đối với luật pháp nước ta và việc chuyển các thành quả nghiên cứu cùng công nghệ của Mỹ về Trung Quốc để kiếm lợi”.
Ông Trump tấn công “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc
Sau khi ông Trump lên nắm quyền đã triển khai việc đánh phá “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc; không chỉ điều tra các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa được phía Trung Quốc nhắm tới, mà còn trực tiếp ra tay đối với các quan chức Trung Quốc. Tháng 10 năm 2018, FBI đã yêu cầu Bỉ bắt giữ sĩ quan tình báo Trung Quốc Từ Ngạn Quân (Xu Yanjun) và dẫn độ cho Mỹ truy tố và bị buộc tội gián điệp. Từ Ngạn Quân bị cáo buộc tiến hành “Kế hoạch ngàn người” tại Mỹ, lấy cắp bí mật của các công ty hàng không vũ trụ Mỹ. Thân phận chính thức của Từ là một Trưởng phòng của Sở An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô.
Đáng chú ý, vụ việc của Liễu Trung Tam đã được FBI phát hiện và thực hiện giăng bẫy từ năm ngoái nhưng nay ông mới bị bắt và khởi tố ngay trước thềm vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 13 sắp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang rất xấu.
(Theo Creaders.net, New York Times)