EU thông qua dự luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà lập pháp EU đã thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt về quản lý trí tuệ nhân tạo đã giúp liên minh vượt qua Mỹ về quy định đối với một công nghệ quan trọng và đột phá.

Châu Âu đã tiến gần hơn đến việc áp dụng các quy tắc trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Reuters)
Châu Âu đã tiến gần hơn đến việc áp dụng các quy tắc trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Reuters)

Châu Âu đã tiến gần hơn đến việc áp dụng các quy tắc trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới khi các nhà lập pháp EU nhất trí về một thỏa thuận tạm thời đối với công nghệ đang được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp cũng như cuộc sống hàng ngày.

Sau 3 năm ấp ủ, Đạo luật AI ra đời khi các hệ thống AI tạo sinh (generative AI) như ChatGPT của OpenAI được Microsoft hỗ trợ và chatbot Gemini của Google trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên mối lo ngại về thông tin sai lệch và tin giả.

Việc các nhà lập pháp EU thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt về quản lý AI đã giúp khối này vượt qua Mỹ về việc đưa ra quy định đối với một công nghệ quan trọng và đột phá. Đạo luật này sẽ quản lý các mô hình AI có mục đích chung, có tác động cao và các hệ thống AI có rủi ro cao sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch cụ thể và luật bản quyền của EU.

"Tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Nghị viện Châu Âu đối với Đạo luật AI, khuôn khổ ràng buộc toàn diện đầu tiên trên thế giới dành cho trí tuệ nhân tạo. Châu Âu hiện là lãnh thổ đầu tiên thiết lập tiêu chuẩn về AI”, Ủy viên châu Âu Thierry Breton cho biết.

Tổng cộng có 523 nhà lập pháp EU đã bỏ phiếu ủng hộ đạo luật này trong khi 46 người phản đối và 49 người bỏ phiếu trắng.

Các nước EU dự kiến ​​sẽ chính thức đồng ý với thỏa thuận trong tháng 5. Theo đó, luật dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới và chính thức áp dụng vào năm 2026.

Patrick Van Eecke, một đối tác tại công ty luật Cooley, cho biết: “Liên minh Châu Âu hiện đã sở hữu thành công những điều luật về AI đầu tiên trên thế giới. Các quốc gia và khu vực khác có thể sẽ sử dụng Đạo luật AI làm kế hoạch chi tiết, giống như họ đã làm với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR)”.

Nghị viện châu Âu và các nước EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12 sau gần 40 giờ đàm phán.

Các công ty có nguy cơ bị phạt từ 7,5 triệu Euro hoặc 1,5% doanh thu đến 35 triệu Euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu tùy thuộc vào hành vi vi phạm.

Người phát ngôn của Amazon cho biết phía công ty hoan nghênh cuộc bỏ phiếu: "Chúng tôi cam kết hợp tác với EU và ngành để hỗ trợ sự phát triển an toàn, bảo mật và có trách nhiệm đối với công nghệ AI".

Marco Pancini, người đứng đầu bộ phận ngoại giao tại EU của Meta cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta không đánh mất tiềm năng to lớn của AI trong việc thúc đẩy sự đổi mới của châu Âu, đồng thời tạo điều kiện cho một thị trường cạnh tranh chính là mấu chốt quan trọng”.

Theo Reuters