
Vào cuối tuần trước, khi tỷ phú Elon Musk tung ra một loạt bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích một trong những cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về kế hoạch thuế quan quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Musk dường như đã vượt cấp và đưa ra lời kêu gọi trực tiếp với ông Trump.
Nỗ lực can thiệp này đã được xác nhận bởi hai người quen thuộc với vấn đề và được tờ Washington Post đăng tải. Tuy nhiên, lời cầu khẩn của Musk đến nay vẫn chưa thành công.
Trong hôm 7/4, ông Trump tiếp tục đe doạ áp thuế bổ sung 50% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng với mức thuế 34% mà ông đã công bố vào tuần trước. Trong khi đó, Musk đã đăng một video lên X, trong đó có cảnh nhà kinh tế bảo thủ quá cố Milton Friedman ca ngợi những lợi ích của hợp tác thương mại quốc tế, phân tích nguồn gốc của các vật liệu cấu thành một cây bút chì gỗ đơn giản.
Việc Musk bất đồng quan điểm với ông Trump về một chính sách mang tính đặc trưng của chính quyền đã cho thấy rạn nứt giữa Tổng thống và một trong những cố vấn chủ chốt của ông, người đã rót gần 290 triệu USD để ủng hộ ông và các chính trị gia Cộng hòa khác trong cuộc bầu cử năm ngoái. Musk cũng bất đồng quan điểm với nhiều thành viên khác trong vòng thân cận của ông Trump về các vấn đề như thị thực H1-B cho những người nhập cư có tay nghề và về cách tiếp cận của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đối với chi tiêu của chính phủ.
Trong hôm 5/4, Musk đã công kích nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển các kế hoạch thuế quan, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, khi nêu ra thông tin về bằng cấp của ông.
"Bằng Tiến sĩ Kinh tế của Harvard là một thứ tồi tệ, không phải là thứ tốt", Musk viết.
Ông Navarro đã không đưa ra bình luận nào.

"Tổng thống đã tập hợp một đội ngũ đáng chú ý gồm những cá nhân có tài năng và kinh nghiệm cao, những người đưa ra những ý tưởng khác nhau, biết rằng Tổng thống Trump là người ra quyết định cuối cùng", thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong một tuyên bố. "Khi ông ấy đưa ra quyết định, mọi người đều cùng chung một hướng để thực hiện. Đó là lý do tại sao chính quyền này chỉ trong 2 tháng đã làm được nhiều hơn so với chính quyền trước đó đã làm trong 4 năm".
Trong một cuộc phỏng vấn với Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini vào cuối tuần trước, Musk cũng cho biết ông muốn thấy một "khu vực thương mại tự do" giữa châu Âu và Mỹ: "Cuối cùng, tôi hy vọng rằng cả châu Âu và Mỹ đều nên chuyển sang trạng thái không có thuế quan theo quan điểm của tôi".
Musk cũng cho biết ông muốn mọi người có nhiều quyền tự do hơn khi di chuyển giữa các quốc gia ở châu Âu và Mỹ và làm việc ở cả hai quốc gia "nếu họ muốn".
"Đó chắc chắn là lời khuyên của tôi dành cho Tổng thống", ông nói.
Musk, giám đốc điều hành của hãng sản xuất xe điện Tesla, từ lâu đã coi thuế quan là bất lợi cho mục tiêu kinh doanh của một công ty vốn coi cả Mỹ lẫn Trung Quốc là trung tâm sản xuất và tiêu dùng chính. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết các nhà sản xuất ô tô khác có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi mức thuế quan mới.
Musk đã phản đối thuế quan kể từ ít nhất là nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi Tesla đệ đơn kiện nhằm lật ngược mức thuế đối với hàng nhập khẩu của Tesla từ Trung Quốc vào Mỹ.
Vào năm 2020, các giám đốc điều hành cấp cao tại Tesla muốn công ty kiện chính quyền Trump vì áp thuế với Trung Quốc. Ban đầu, Musk đồng ý, nói rằng một số phần trong gói thuế của ông Trump là không công bằng với hãng sản xuất ô tô. Nhưng sau khi Tesla đệ đơn kiện vào tháng 9/2020, Musk đã phản ứng theo "cách cực kỳ tiêu cực" về quyết định này, thậm chí còn chỉ trích một số nhân viên vì đã gợi ý Tesla đệ đơn kiện. Theo một người hiểu rõ vấn đề, điều này là do các tài khoản cánh hữu trên Twitter cho biết Musk đang cố gắng lấy lòng người Trung Quốc và đi ngược lại chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

Gần đây, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công nghệ ủng hộ ông Trump đã choáng váng trước quyết định áp dụng mức thuế quan cao như vậy của Tổng thống và cũng thất vọng không kém khi họ không thể gây ảnh hưởng nhiều hơn đến chính sách này, hai người quen thuộc với vấn đề này nói với Washington Post.
Những người trong quỹ đạo của Musk đã trực tiếp kêu gọi những người bạn của họ trong chính quyền Trump, bao gồm Phó Tổng thống J.D. Vance và Musk, thúc đẩy chính sách thương mại tự do hợp lý hơn. Một người bạn của Musk, nhà đầu tư Joe Lonsdale, đã đăng trên X rằng ông đã tranh luận với "những người bạn trong chính quyền" trong những ngày gần đây rằng thuế quan sẽ gây tổn hại cho các công ty Mỹ nhiều hơn so với các công ty Trung Quốc.
Một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào cuối tuần trước đã tụ họp để thành lập một nhóm không chính thức nhằm vận động các thành viên của chính quyền Trump đưa ra các chính sách ôn hòa hơn, một trong những người trong nhóm cho biết.
Nhiều người đã ủng hộ ông Trump vào năm ngoái mặc dù biết rằng mức thuế quan cao mà ông đã cam kết có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghệ và nền kinh tế nói chung, nhưng họ cảm thấy rằng ông Trump có thể bị các cố vấn như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thuyết phục để áp dụng một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng không lường trước được rằng Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, người từng là một trong những cầu nối quan trọng của Musk vào quỹ đạo của ông Trump, lại là người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách bảo hộ như vậy.

Tranh chấp giữa Tổng thống và một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông diễn ra chỉ vài tuần trước khi Musk, người giàu nhất thế giới, dự kiến sẽ rời khỏi vị trí của mình trong chính quyền. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Tesla đang chịu áp lực ngày càng tăng phải đảo ngược xu hướng nhu cầu đang sụt giảm – một phần do Musk tham gia vào chính trường.
Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities, một người ủng hộ nhiệt thành của Tesla, đã hạ mục tiêu giá cổ phiếu của Tesla - thước đo khả năng tồn tại của công ty - từ 550 USD xuống còn 315 USD "để phản ánh nhu cầu sụt giảm". Ông cho biết: "Đừng đánh giá thấp phản ứng dữ dội từ Trung Quốc trước chính sách thuế quan của ông Trump và mối quan hệ với Musk".
“Tesla về cơ bản đã trở thành một biểu tượng chính trị trên toàn cầu…và đó (thuế quan) là một điều rất tệ cho tương lai của công ty công nghệ đột phá này và cơn lốc xoáy khủng hoảng thương hiệu hiện đã biến thành cơn lốc xoáy cấp mạnh nhất (F5)”, ông viết.
Cổ phiếu Tesla đóng cửa ở mức 233,29 USD một cổ phiếu trong hôm đầu tuần, giảm hơn 2,5%. Cho đến thời điểm này trong năm, cổ phiếu Tesla đã mất hơn 38% giá trị.
Musk đã đưa ra động thái hòa giải vào cuối hôm đầu tuần. Ông đã giới thiệu một chủ đề từ tài khoản đại diện thương mại chính thức của Mỹ trên mạng xã hội X, nêu bật những gì được gọi là các hoạt động thương mại không công bằng ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu của Mỹ, theo quan điểm về thuế quan của ông Trump. "Những điểm tốt", Musk viết.

Cha của Elon Musk cho biết ông chủ Tesla ngưỡng mộ Tổng thống Putin

17 xe Tesla bị cháy trơ khung: Elon Musk lên án vụ tấn công “khủng bố” tại Italy

Trung Quốc giải quyết cơn ác mộng từng "kết liễu" dự án Hyperloop của Elon Musk
Theo Washington Post