DxTalks mùa 2-Tập 2: Chuyển đổi nhà máy thông minh và hướng tiếp cận tối ưu cho doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việt Nam đang đón nhận xu hướng Nhà máy thông minh trên thế giới như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội và thách thức gì so với các nước trong khu vực?

Các diễn giả tại DxTalks chủ đề "Nhà máy thông minh"
Các diễn giả tại DxTalks chủ đề "Nhà máy thông minh"

Theo một nghiên cứu đã được công bố, giá trị đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp cho lĩnh vực nhà máy thông minh được dự đoán là khoảng 229 tỉ USD vào năm 2027, tương ứng mức tăng trưởng bình quân năm là 18,5%.

Được coi là một trong những công xưởng của khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã sớm bắt kịp với xu hướng chuyển đổi sang sản xuất thông minh. Những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng nhà máy thông minh đã gặp phải những khó khăn gì, rút ra những bài học gì để có cách tiếp cận phù hợp?

Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital, chia sẻ “Tương lai là một bức tranh rất rộng, nhưng doanh nghiệp cần xác định ưu tiên cốt lõi để lên kế hoạch thực hiện. Điều quan trọng là sự liên kết giữa hiện trạng và mong muốn tương lai”.

Trong chương trình DxTalks về chủ đề “Nhà máy thông minh” do FPT Digital thực hiện, các chuyên gia đã cùng phân tích những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, các xu hướng ứng dụng công nghệ số mà thế giới đang hướng đến.

Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai nhà máy thông minh

Đại diện Omron Việt Nam, ông Phùng Duy Hân, Tổng Giám đốc, cho rằng một trong những trở ngại khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình triển khai nhà máy thông minh là tâm lý còn dựa khá nhiều vào lượng nhân công dồi dào với chi phí không quá cao. Mục tiêu của nhà máy thông minh là xây dựng môi trường làm việc hài hòa giữa con người và máy móc, nhất là những khâu mà con người có thể tránh được những công việc vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm.

Những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng nhà máy thông minh thuộc ngành có nhu cầu quản lý phức tạp, làm ra những sản phẩm có giá trị cao hoặc đòi hỏi quy chuẩn về chất lượng cao. Về cơ bản, các doanh nghiệp này thường có một nền tảng nhất định về khả năng tự động hóa và đã có kinh nghiệm triển khai thành công một số ứng dụng quản trị thông minh như e-Office, ERP. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác thường đầu tư chưa mang lại được hiệu quả cao, bởi vẫn còn sự rời rạc và thiếu liên kết trong các khâu vận hành.

Cần có phương pháp tiếp cận phù hợp

Trong DxTalks, ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital, đã khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần một cách tiếp cận bài bản, có hệ thống, bắt đầu từ định hướng, mong muốn và chiến lược của từng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh có sự đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xác định lĩnh vực muốn ưu tiên tập trung, ưu tiên thực hiện trước để tạo những tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Bản thân doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhận rõ từng giai đoạn, ứng dụng công nghệ, làm thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, tác động đến nhiều nhân sự trong nhà máy thông minh, để cách vận hành của họ được thông minh hơn, và cải thiện hiệu quả kinh doanh, về mặt chi phí và nguồn lực.

Tiếp đó, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện là kết nối giữa thực trạng doanh nghiệp và mong muốn tương lai bằng một chiến lược kinh doanh phù hợp, giúp doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu nhanh và hiệu quả nhất. Sau khi đã có sự liên kết giữa hiện trạng và tương lai, doanh nghiệp cần đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể: làm thế nào để hướng đến nhà máy thông minh, chia rõ mức độ ảnh hưởng, đo lường được lợi ích, kết quả mang lại từ việc đầu tư trong từng giai đoạn, ông Lĩnh cho biết.

Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong nhà máy thông minh trên thế giới

Mục đích của nhà máy thông minh là giúp theo dõi, điều hành, quản trị một hệ thống sản xuất phức tạp, đảm bảo đạt chất lượng với chi phí thấp, hiệu quả nhất và với nguồn lực ít nhất. Theo Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc Phần mềm công nghiệp số - Siemens Việt Nam, chuyển đổi số là cách duy nhất để giúp nhà máy có được 4 khả năng công nghệ cốt lõi, trở thành nhà máy thông minh. 4 công nghệ đó bao gồm:

Tính kết nối (connectivity): Nhà máy thông minh trước hết cần đảm bảo được tính kết nối tất cả các yếu tố trong phạm vi nhà máy, từ máy móc thiết bị, con người đến các tác nhân tham gia vào quy trình sản xuất. Ở phạm vi rộng ngoài nhà máy, tính kết nối còn hiện diện giữa các đội ngũ nghiên cứu chế tạo, chuỗi cung ứng và chuỗi khách hàng có mặt trên khắp thế giới.

Tính thích ứng (adaptability): Trong bối cảnh thị trường, khách hàng và sản phẩm luôn thay đổi và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, nhà máy thông minh phải có khả năng thích ứng được với sự thay đổi đó trong thời gian ngắn nhất, với chi phí thấp nhất.

Tính tiên liệu (preditability): Khả năng tiên liệu giúp chúng ta quản lý và theo dõi một cách chủ động các nguồn lực, máy móc thiết bị để đảm bảo vận hành một cách trơn tru, liên tục, hạn chế tối thiểu khả năng xảy ra lỗi.

Tính mở rộng (expandability): Cũng giống như máy móc cần được bảo hành để đảm bảo vận hành liên tục, nhà máy thông minh cần có khả năng mở rộng với quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Pham Thanh Dai Linh.jpg
Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital, diễn giả tại chương trình DxTalks về chủ đề “Nhà máy thông minh”

Trong DxTalks, các chuyên gia đã chỉ rõ rằng nhà máy thông minh không chỉ mang giá trị đối với chính nhà máy, mà chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của toàn bộ doanh nghiệp đó cũng sẽ hưởng lợi. Thông qua tất cả các khâu như kiểm soát, quản trị, vận hành dựa trên dữ liệu, doanh nghiệp sản xuất có thể nắm rõ ảnh hưởng của họ tới nguồn cung, giá thành hay các nguồn lực cần để sản xuất trên một đơn vị sản phẩm.

Nhà máy thông minh có thể đáp ứng được các thông tin về vòng đời sản phẩm để có thể cập nhật thời gian, khi thị trường đang thay đổi và đòi hỏi tốc độ đáp ứng của sản phẩm phải được tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp sẽ cần phải nhìn nhận rõ từng giai đoạn một, từng công nghệ như AI, Blockchain...sẽ được ứng dụng như nào để mang lại hiệu quả cao nhất, được nhiều bộ phận nhân sự áp dụng nhất.

Từ đó, doanh nghiệp có thể vận hành thông minh hơn, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, chi phí, nguồn lực, đầu tư... đồng thời tạo ra nhiều giá trị mới với năng lực cạnh tranh cao nhất.

FPT Digital là công ty thành viên thuộc tập đoàn FPT, chuyên tư vấn chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh khối doanh nghiệp, FPT Digital còn giúp các tỉnh, thành trong công cuộc chuyển đổi số và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu thêm về chuyển đổi số tại Việt Nam và thị trường quốc tế, FPT Digital thực hiện chuỗi DxTalks với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2022 gồm 10 số DxTalks mùa thứ nhất về tổng quan nền tảng chuyển đổi số.

Nối tiếp là mùa thứ 2, năm 2023, DxTalks sẽ mang lại những góc nhìn và phân tích chuyên sâu hơn trong hành trình chuyển đổi số.