Duyệt binh rầm rộ bất thường, Trung Quốc muốn gì?

Cuộc duyệt binh rầm rộ bất thường năm nay của Trung Quốc được nói là ẩn chứa thông điệp của ông Tập Cận Bình đến các quốc gia khác.   
Trung Quốc được cho là sẽ tổ chức duyệt binh bất thường vào tháng 9 tới - Ảnh: Bưu điện Hoa Nam

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, Trung Quốc sẽ tổ chức duyệt binh tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm nay. Cuộc duyệt binh được nói là nhằm kỷ niệm kháng chiến thắng lợi, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa ngày 1/10/1949.

Nữ binh sĩ Trung Quốc trong một lần duyệt binh ở Bắc Kinh. Dòng chữ tiếng Trung có nghĩa là: Trung với Đảng - Ảnh: BBC

Cuộc duyệt binh này bất thường ở chỗ nó diễn ra không vào ngày thành lập nước Trung Quốc hiện đại, mà diễn ra vào tháng 9.

Tờ Bưu điện Hoa Nam đánh giá đây là cuộc duyệt binh có sự kết hợp của Bắc Kinh và Matxcơva nhằm gửi tín hiệu ngoại giao mạnh mẽ đến Nhật Bản.

Truyền thông Hong Kong và phương Tây hôm nay đều có nhận xét cuộc duyệt binh này của Trung Quốc có thể so sánh với cuộc duyệt binh của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình đã cho thành lập một ban trù bị đặc biệt chỉ đạo, bởi 1984 là năm Trung Quốc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập nước. Lễ duyệt binh năm 1984 có sự tham gia của10.370 quân nhân, 117 máy bay các loại, 189 tên lửa, 205 xe tăng, 126 khẩu pháo, 6.429 khẩu súng các loại và 2.216 ô tô.

Cuộc duyệt binh rầm rộ năm đó của ông Đặng được cho là có ẩn ý Trung Quốc hoàn toàn không ngại vấn đề chiến tranh.

Theo tờ Văn Hối của Hong Kong, Bắc Kinh và Matxcơva dự kiến sẽ tổ chức hoạt động kỷ niệm vào cùng ngày 3/9 tới. Với Nga, đây là dịp kỷ niệm chiến tranh  thế giới 2 chống phát xít thành công. Còn với Trung Quốc, đây là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước và kháng chiến chống Nhật thắng lợi. 

Truyền thông Hong Kong loan  báo Tổng thống Nga Putin sẽ có mặt ở Bắc Kinh tham gia lễ kỷ niệm trong khi dự kiến ông Tập cũng sẽ tham gia cuộc duyệt binh của Nga tổ chức tại Matxcơva vào tháng 5 tới.

Thứ trưởng công an Trung Quốc kiêm Cục trưởng công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa hôm 22/1 vừa qua nói công an Bắc Kinh năm nay sẽ đảm nhận ‘nhiệm vụ vô cùng trọng đại’. Đó chính là bảo đảm   an ninh cho lễ duyệt binh và kỷ niệm chiến thắng phát xít.

Lần kỷ niệm này của Trung Quốc dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế bởi nước này sẽ mời ‘một số lãnh đạo các nước khác’ tham dự.

Trước đó, có ý kiến nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc mời lãnh đạo nước ngoài tham dự duyệt binh. Tuy nhiên, Đài  truyền hình trung ương Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến này. 

Theo đó, Bắc Kinh từng mời lãnh đạo tối cao Liên Xô Khrushchev dự duyệt binh kỷ niệm thành lập nước hồi năm 1959. Khi đó, cả Mao Trạch Đông và Khrushchev đều đứng tại tầng danh dự cao nhất ở Thiên An Môn.

Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, năm 2015 là lúc cả thế giới kỷ niệm chiến thắng phát xít, là dịp để Trung Quốc ‘tổng kết, nhìn lại lịch sử’ và ‘đặt kế hoạch cho tương lai’.

Bà Hoa nói Trung Quốc sẽ cùng Liên Hợp quốc và ‘một số quốc gia liên quan’ tổ chức kỷ niệm giai đoạn quan trọng này trong lịch sử. Nhưng bà Hoa không nói thêm bất cứ điều gì về thông tin Bắc Kinh duyệt binh quy mô lớn vào tháng 9.

Tờ Tân Kinh báo của Trung Quốc dẫn nguồn tin cấp cao khẳng định thông tin sẽ có duyệt binh quy mô lớn ở Trung Quốc. Tờ báo này cũng bác bỏ thông tin nói nhiều đơn vị quân đội của quân khu Bắc Kinh đang tập luyện ở vùng ngoại ô.

Theo Tân Kinh báo, các đơn vị duyệt binh mới được thành lập và chưa tổ chức tập luyện. Báo này nói cuộc duyệt binh năm nay sẽ có ‘quy mô nhỏ hơn so với năm 2009’, nhiều hạng mục công việc trong duyệt binh cũng được nói là chưa triển khai.

Cuộc duyệt binh năm nay của Trung Quốc được cho là nhằm gửi tín hiệu cảnh báo tới Nhật Bản - Ảnh: AFP
Theo thống kê, Trung Quốc đã tổ chức 14 lần duyệt binh. Lần gần đây nhất là vào năm 2009, việc chuẩn bị bắt đầu từ năm 2008. Lần duyệt binh năm 1999 cũng mất gần một năm chuẩn bị.  Tờ Nhân dân nhật báo cũng khẳng định Trung Quốc có thông lệ ‘5 năm duyệt binh quy mô nhỏ, 10 năm duyệt binh quy mô lớn’.
Rõ ràng trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga có những lý do hoàn hảo để nương tựa nhau

Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất trong lần duyệt binh này là ‘thông điệp chính trị’ của ông Tập Cận Bình, theo tờ Bưu điện Hoa Nam. Thông điệp này được diễn giải là ông Tập sẽ chứng minh rằng chưa tới 3 năm sau ngày bước lên vũ đài chính trị, ông Tập đã ‘phá vỡ thông lệ’ ở Trung Quốc bằng cách đứng ở Thiên An Môn đón nhận sự tôn trọng của quân đội. Theo phân tích của tờ Liên hợp báo (Singapore), cả Bắc Kinh và Matxcơva đều đang cần tới nhau. Trong khi Nga bị phương Tây ‘xa lánh’ vì cuộc chính biến Ukraine thì Trung Quốc cũng đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. “Rõ ràng trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga có những lý do hoàn hảo để nương tựa nhau”, báo của Singapore bình luận. Thêm vào đó, theo báo Singapore, đây cũng là dịp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, ‘thị uy với Nhật Bản’. Nhớ lại năm 1984, khi Đặng Tiểu Bình tổ chức duyệt binh ở Thiên An Môn, binh lính đi qua đã cầm theo biểu ngữ ‘Tiểu Bình, kính chào ngài’. Hành động này được cho là đã xác lập vị thế chính trị của ông Đặng tại Trung Quốc. Hiện tại, sau hai năm khởi xướng phong trào ‘đả hổ, diệt ruồi’, danh tiếng cá nhân của ông Tập đang lên rất cao và được cho là người cứng rắn về chính trị không kém ông Đặng Tiểu Bình năm xưa. Cuộc duyệt binh năm nay, theo truyền thông Hong Kong và Singapore, không nghi ngờ gì là cột mốc quan trọng trong ‘thời đại Tập Cận Bình’ ở Trung Quốc.

Theo: VTC New