|
TS. Võ Trí Thành: “Đừng nhìn Trung Quốc về mặt số liệu mà đánh giá thấp vị thế của quốc gia này". (Ảnh: Hoàng Nguyên) |
Tìm kiếm một thỏa thuận “cân bằng”
Nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng (CIEM), cho rằng: Mục đích cuối cùng hai nước hướng đến là “một thỏa thuận nhằm tìm ra sự cân bằng”.
Trong đó, mỗi nước đều có lợi thế nhất định và đang cố gắng tối đa hóa lợi ích kinh tế - chính trị cho riêng mình.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh về cách tiếp cận vấn đề của ông Donald Trump: Nó có sự khác biệt lớn so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Cụ thể, ông Obama đã sử dụng chiến lược xoay trục sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết hợp với các triết lý đề cao sự dân chủ và công bằng, hình thành nên sức mạnh mềm đề giữ vị thể “tạo lập cuộc chơi” cho Mỹ.
|
TS. Võ Trí Thành chia sẻ với các thành viên CLB Cafe Số về chủ đề: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự ảnh hưởng đến Việt Nam". (Ảnh: Hoàng Nguyên)
|
Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump, vốn là doanh nhân, có một suy nghĩ khó đoán hơn, sử dụng cách tiếp cận trực tiếp vấn đề khi tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Trước các mối nghi ngại trong nước, ông Trump cũng biết cách lấy lòng cử tri bằng cách thực hiện 3 việc nhất quán, đó là: (1) Giữ lời hứa khi tranh cử (nhưng việc thực hiện tới đâu còn phụ thuộc vào các quy định của luật pháp Mỹ và điều kiện thực tế), (2) Theo đuổi phương châm "America First" (nên dịch là “nước Mỹ trước tiên”, chứ không phải là "nước Mỹ trên hết"); (3) Có sự thực dụng của một doanh nhân - mọi “thắng thua đều quy thành tiền”.
Ngoài ra, nước Mỹ cũng có sẵn một số lợi thế riêng.
Cán cân thương mại hiện nay cho thấy giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên tới 500 tỷ USD, trong khi đó, giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chỉ 160 tỷ USD. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, rõ ràng “dư địa” của Mỹ để tiến hành áp thuế lên mặt hàng Trung Quốc là lớn hơn.
Với vai trò là một cường quốc mới nổi, Trung Quốc đã trở thành “hiện tượng” khi có tốc độ tăng trưởng đáng nể trong 30 năm qua và đặt ra câu hỏi lớn đối với thế giới về tham vọng của quốc gia này.
Lợi thế lớn nhất của Trung Quốc đến từ thị trường trong nước đầy sức hấp dẫn với bất kỳ quốc gia nào, với dân số 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng nhanh và một tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Trung Quốc (thông qua vụ ZTE) cũng cho thấy vị trí top 10 trong lĩnh vực công nghệ, tất nhiên, sẽ phải còn khá lâu nữa quốc gia này mới bắt kịp Mỹ.
Nhưng với vị thế mới này, Trung Quốc đang dần tiến tới những mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Đừng nhìn Trung Quốc về mặt số liệu mà đánh giá thấp vị thế của quốc gia này... Đây vẫn là đất nước có nhiều tiềm lực, có khả năng tập trung nguồn lực trong nước để xử lý vấn đề” – TS. Võ Trí Thành bình luận.
Tác động thế nào tới Việt Nam
TS. Võ Trí Thành cho biết, có một số người kỳ vọng dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, dòng vốn đầu tư đã bắt đầu rút ra khỏi Trung Quốc từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra.
Nguyên nhân chính là nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cùng với đó là các chính sách thắt chặt hơn của chính quyền.
Mặt khác, sự bất ổn từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến thương mại giảm, đầu tư cũng giảm theo. Dòng tiền thay vì đầu tư sẽ tìm đến những tài sản trú ẩn như vàng.
"Chính vì vậy, điều chúng ta chờ đợi là nguồn vốn ồ ạt chảy vào Việt Nam gần như khó có thể xảy ra", ông Thành đánh giá.
Đồng tình với nhiều học giả quốc tế, nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhận định: Dù cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang ở mức độ song phương nhưng nếu lan rộng ra hậu quả không chỉ cho hai nước mà toàn thế giới.
Nếu cuộc chiến diễn ra trên quy mô toàn cầu, chắc chắn nền kinh tế thế giới sẽ giảm đi một vài điểm phần trăm. TS. Võ Trí Thành cho biết, theo một số mô hình, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tỏ ra khá nhạy cảm đối với sự thay đổi này.
“Cuộc chiến này, đầu tiên là đụng vào tỉ giá, tài chính và ngoại hối. Trong ngắn hạn là sự dịch chuyển tiền có thể thấy ngay trên thị trường chứng khoán, thị trường tài chính. Theo nghĩa ấy, không cần đợi trung dài hạn, hàng chục tỷ USD sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi, tác động mạnh đến thị trường” – TS. Võ Trí Thành nhận định.
Bên cạnh đó, các biến động trên cũng tác động tới nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam thể hiện qua: chỉ số lạm phát, vay nợ nước ngoài và áp lực nợ công.
Do đó, để đối phó với những thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại, TS. Thành nhấn mạnh tới các giải pháp gây dựng niềm tin cho thị trường tài chính và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong nước thông qua hoạt động như: tiến hành tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 trong hệ thống ngân hàng.
Trung Quốc và Mỹ sẵn sàng cho “giai đoạn 3”? Ngày 18/9, chính quyền ông Donald Trump phát đi thông báo cho biết sẽ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, bản danh sách được công bố kèm theo đã giảm khoảng 300 mặt hàng so với đề xuất ban đầu. Mức thuế sẽ được áp dụng kể từ ngày 24/9/2018. Trong một thông báo, tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cho biết mức thuế sẽ tăng lên 25% vào ngày 1/1/2019. Bên cạnh đó, ông Trump cũng khẳng định: “Trong trường hợp Trung Quốc trả đũa chống lại người nông dân và các ngành công nghiệp tại Mỹ, chúng ta sẽ ngay lập tức thúc đẩy giai đoạn 3 – đánh thuế thêm khoảng 267 tỷ USD hàng hóa nữa”. Ngay sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu mới, Trung Quốc cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc phát đi thông báo cho biết rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành trả đũa để bảo vệ quyền và lợi ích thương mại tự do của mình, đồng thời cáo buộc hành động của Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên bất ổn. Trong buổi họp báo vào chiều 18/9, ông Geng Shuang, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hành động trả đũa là việc “buộc phải làm” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ông cũng cho biết phía Mỹ đã không cho thấy thiện chí nhằm giải quyết tranh chấp thương mại thông qua các cuộc đàm phán bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, các phản hồi từ phía Trung Quốc không đưa ra mốc thời gian hay các chi tiết cụ thể của hành động trả đũa của nước này. Được biết, kể từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại, Mỹ đã tiến hành áp thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc và nhận về đòn trả đũa tương tự. Các phát ngôn cứng rắn từ Mỹ và Trung Quốc là có thể hiểu được vì hai nước này đang tìm kiếm lợi thế cho mình trên bàn đàm phán./. |