Đừng để “đặc cách” trở thành nỗi hoảng sợ của mỗi mùa tuyển sinh!

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cứ vào mùa tuyển sinh, lại có những tâm thư, những đề nghị đặc cách cho thí sinh (vì những lý do ngoài điểm thi) lan truyền trên mạng xã hội, gây nên những ý kiến trái chiều về việc tuân thủ quy chế tuyển sinh hay nuông chiều cảm xúc?

“Bão” tâm thư của thí sinh

Vài năm trước, trong mỗi mùa tuyển sinh, liên tục có “cơn bão” tâm thư gửi các bộ, ngành đề nghị xét đặc cách, trong đó có Bộ Công an. Các tâm thư đều chung lý do là điểm của thí sinh cao chót vót, nhưng không đủ tiêu chuẩn lý lịch nên không được nhập học vào trường Công an.

Trường hợp đầu tiên là vào năm 2015 được dư luận xã hội ủng hộ mạnh mẽ, nên Tổng cục Chính trị CAND đã đồng ý chiếu cố tiêu chuẩn về chính trị cho thí sinh Nguyễn Đức Ng. được vào học ở Học viện Cảnh sát Nhân dân. Thế là những năm sau, tâm thư “bùng nổ” đến nỗi gây phản ứng rất mạnh trong xã hội và cuối cùng, Bộ Công an  phải có chỉ đạo để chấm dứt tình trạng “tâm thư” của các thí sinh.

Nói thế để thấy rằng đặc cách, khi đã có một, là sẽ nảy sinh hai, rồi ba. Bởi nếu không, câu hỏi sẽ được đặt ra là lý do gì chỉ giải quyết một trường hợp, trong khi các trường hợp khác cũng tương tự như vậy thì xử lý ra sao?

Thời gian đó, phản ứng trước “cơn bão” tâm thư, chúng tôi đã có những bài viết nêu quan điểm về việc không ủng hộ xét đặc cách. Bởi vì khi mà mỗi năm chỉ có một số thí sinh nhất định được vào học, thì đặc cách cho em này đồng nghĩa tước đi cơ hội của em khác, tình cảnh y như cách diễn đạt của Nam Cao "Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở!"

Hơn nữa, chúng ta đều biết điều gì đã phải chiếu cố với ưu tiên thì trong mắt mọi người cũng không còn là bình thường nữa! Ví như, trước một người được bổ nhiệm vì những lý do phi chuyên môn, chúng ta liệu có coi trọng?  

Bởi thế, lúc đó, nhà báo Nguyễn Tuấn (Báo Công an Nhân dân) đã có một bài viết gửi thí sinh viết tâm thư “gây bão” mạng xã hội với những chia sẻ rất thẳng thắn: “Bất cứ một cuộc chơi nào cũng có luật của nó và người nào muốn tham gia đều phải có nghĩa vụ tuân thủ. Còn khi đã không đủ điều kiện tham gia thì đứng sang một bên nhường lối cho người khác. Chuyện đó là đương nhiên mà cháu. Vì thế, thay vì viết tâm thư, cháu hãy dũng cảm bước sang một con đường khác. Cháu và gia đình cháu quá hiểu điều này và tôi nghĩ rằng, đó là một quyết định tự trọng, không van xin, đừng cầu mong sự thương hại từ người khác”!

Nhà báo thể thao nổi tiếng Phan Đăng cũng lên tiếng: “Vào một trường công an hay một trường phi công an, xét cho cùng, không quá quan trọng. Quan trọng là con người ta rồi sẽ chọn lựa, sẽ sống, và sẽ chết với một tư tưởng luận, một phương pháp luận như thế nào!"

2 ý kiến trên đều hoàn toàn xác đáng, để không chỉ các thí sinh muốn được đặc cách đọc, mà cả những người lớn đang ủng hộ quan điểm đó, phải suy nghĩ. Thực sự, viên gạch bắt đầu không quá quan trọng, mà quan trọng là người ta sẽ đi thế nào trên con đường đó.

Khi cảm xúc lấn át lý trí

Mùa tuyển sinh năm nay, dư luận lại ồn ào trước việc nam sinh 10 năm cõng bạn đi học Ngô Văn Hiếu không đủ điểm vào Trường Đại học Y Hà Nội và đề nghị đặc cách cho cậu. Lý do duy nhất mọi người đưa ra là vì cậu đã làm một việc tốt.

Có một thực tế, là chúng ta luôn kêu gọi sống thượng tôn pháp luật, nhưng lại rất dễ để cảm xúc và lý trí lẫn lộn. Bởi thực tế, theo quy chế tuyển sinh, Hiếu không thể được đặc cách vào học Trường Đại học Y Hà Nội. Vì chẳng có tiêu chuẩn nào là “cõng bạn” để xét cả. Vậy tại sao nhiều người vẫn bất chấp việc đó là vi phạm để đề nghị? Nhất là khi con số 0,25 điểm trong tuyển sinh là không hề nhỏ, đủ để khiến hàng trăm thí sinh phải dừng lại bên ngoài cánh cổng trường đại học, chứ không chỉ là chênh giữa Đại học Y Hà Nội với Đại học Y Thái Bình.

Nếu chúng ta có con em thi vào Đại học Y Hà Nội năm nay, lại đang chấp chới thiếu số điểm 0,25, liệu chúng ta có đồng ý đặc cách cho một thí sinh vì lý do 10 năm cõng bạn, để cơ hội vào trường của con em mình bị loại?

Khi tôi đang viết bài này, thì một người bạn gửi cho tôi đoạn dưới đây mà tôi không rõ tác giả, nhưng vì đồng quan điểm nên tôi xin được trích: “Trong câu chuyện này cần tách bạch 2 vấn đề. Chuyện Hiếu 10 năm cõng bạn là một câu chuyện xúc động truyền cảm hứng; còn chuyện Hiếu thiếu 0,25đ lại là một câu chuyện khác. Nếu Hiếu được đặc cách, thì với hàng trăm bạn thiếu 0,25đ như Hiếu, đó là sự bất công. Bởi ai trong chúng ta cũng có những uẩn ức trong cuộc đời, chỉ khác nó được hiện ra hay giấu kín trong lòng mà thôi. Tôi không cõng bạn, không có nghĩa tôi không có lòng trắc ẩn, ko thấu hiểu nỗi đau với người bệnh trong tương lai.

Cứ thử tưởng tượng xem, nếu Hiếu được đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? Hình ảnh của em sẽ được gắn với một cậu bạn được “đỗ vớt” nhờ 10 năm cõng bạn? Chắc chắn em không bao giờ muốn hình ảnh mình bị đóng đinh trong trí nhớ mọi người như vậy. Cõng được bạn, sao cõng được định kiến? Người bệnh cần tài năng và tấm lòng của mọi mắt xích trong ngành Y, đâu chỉ riêng bác sĩ. Và cũng đâu chỉ thủ đô mới có người bệnh? Mà tài năng hay tấm lòng, với Hiếu, chắc không khó. Người cần giúp hơn là Minh, cậu bạn 10 năm trên vai Hiếu!”

Hãy dạy tinh thần luôn vì cộng đồng

Sáng nay, cảm thấy thật nhẹ lòng khi thấy Ngô Văn Hiếu cho biết nếu được đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội em cũng xin từ chối. Không nên sử dụng sự nổi tiếng của mình là cõng bạn 10 năm qua để xin vào trường đại học.

Chính Hiếu cũng “thấy mình không nên được đặc cách vì việc này còn liên quan đến nhà trường cùng nhiều người khác. Bởi thi đại học là đấu trường sòng phẳng. Thí sinh dùng năng lực để cạnh tranh công bằng”.

Hiếu cảm nhận rất rõ “gánh nặng” trong tương lai nếu em được đặc cách vì “không hợp lý và lo không biết mình có theo kịp những bạn tự trúng tuyển không, rồi bạn bè nhìn mình thế nào nếu được nhận vào học là nhờ tình bạn với Minh.”

Cách nhìn nhận vấn đề của Hiếu khiến tôi trân trọng em hơn. Nếu đủ thực lực, từ Đại học Y Thái Bình, Hiếu có thể trở thành giáo viên của trường, hoặc thi Bác sĩ Nội trú, làm tiến sĩ ở Trường Đại học Y Hà Nội, hay ra nước ngoài học tập. Cơ hội cho em còn rất nhiều, sao cứ phải đòi đặc cách cho em?

Khi chúng ta lên tiếng đòi đặc cách cho một thí sinh mà bất chấp cả pháp lý, là chúng ta làm mất đi lòng tự trọng, ý chí tự khẳng định của các em, đồng thời, góp phần hướng xã hội đến sự thiếu công bằng.

Tại sao chúng ta không dạy cho các bạn trẻ lòng tự trọng, không dựa dẫm vào bất cứ ai ngoài bản thân mình, tinh thần luôn vì người khác và cộng đồng, không màng đến lợi ích cá nhân -- cái tinh thần đã đưa nước Nhật trở thành cường quốc từ đống tro tàn của đại chiến thế giới lần 2 -- mà lại cứ kêu gọi đặc cách, để 2 từ “đặc cách” trở thành nỗi hoảng sợ của nhiều trường, nhiều ngành trong mỗi mùa tuyển sinh, đồng thời, là nỗi hoang mang của những thí sinh không có gì để đặc cách?