Lời khuyên trên của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy tâm đắc sau khi tham dự Talkshow “Xếp hàng - Qua góc nhìn văn hóa” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vừa diễn ra cuối tuần này.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Ánh, ở miền Bắc người ta chỉ xếp hàng từ thời tem phiếu. Lúc đó nhiều người dân đã phải tận dụng cả rổ rá, gạch, ghế… để "xí" chỗ cho mình. Và đến hiện nay, việc xếp hàng ở Việt Nam luôn có hiện tượng “chen hàng”. “Năm 1996 tôi sang Mỹ, đến một tòa nhà cao nhất nước Mỹ và biết được rằng ở đây cũng phải xếp hàng, nhưng họ xếp hàng khác Việt Nam”, bà Ánh nhớ lại.
“Người Việt chỉ làm tốt dưới sức ép hay một mối đe dọa nào đó. Ngay việc thường ngày nhất, người ta hay chen 1 cục trước cửa thang máy, không đợi người ở trong ra mà ở ngoài đã chen vào làm cho khu vực sảnh và cửa thang máy như xảy ra cuộc chiến. Những người chen hàng ấy không nghĩ đến việc nhường nhịn cho người khác”, TS. Ánh phân tích.
Từ thực tế đó, TS. Ánh mở rộng phân tích về tính cách người Việt: Việc người Việt hay ham lợi, sốt ruột, thích hưởng lợi ngay là bởi chúng ta không tin rằng chúng ta sẽ được đối đãi công bằng, chúng ta có tính tập thể lớn, trong đó bao gồm văn hóa thứ bậc, có nghĩa là người này được ưu tiên hơn người kia. Không xếp hàng vì sợ bị thiệt.
Các diễn giả trao đổi tại Talkshow.
|
Đồng quan điểm, PGS.TS ngành Văn học Ngô Văn Giá - Nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí – ĐH Văn Hóa Hà Nội cũng giải thích, khi đứng trước lợi ích và rời khỏi sự kiểm soát, văn hóa xếp hàng của người Việt lập tức biến mất và trở thành đám đông hỗn loạn dẫn đến việc biểu hiện xấu.
Trong buổi Talkshow, các diễn giả tham dự cũng khẳng định văn hóa xếp hàng xấu trước mắt sẽ gây vướng bận, phiền hà cho người khác, khiến hình ảnh quốc gia, đất nước trở nên xấu xí. Còn về lâu dài, sẽ làm mất sự công bằng xã hội, dẫn đến tham nhũng. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng khi ngày nay, văn hóa xếp hàng của người Việt Nam ngày càng tốt lên, mọi người bắt đầu có thói quen nhắc nhở những người chen hàng và biết xấu hổ khi bị nhắc vì chen hàng.
Talkshow trên là một hoạt động trong khuôn khổ dự án cộng đồng “Tôi xếp hàng” do nhóm sinh viên của chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khởi động từ 17/12/2018.
Sinh viên Đỗ Thị Việt Hà – Trưởng BTC dự án “Tôi xếp hàng” cho biết, ý tưởng về dự án này xuất phát từ việc nhận thấy “văn hóa xếp hàng” có tác động trực tiếp đến đời sống của cá nhân từng người cũng như cộng đồng xã hội nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của từng cá nhân và xã hội. Trưởng dự án bày tỏ hi vọng mỗi cá nhân cùng chung tay hành động nhiều hơn nữa để lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của hành vi xếp hàng nơi công cộng. Từ đó hình thành thế hệ người Việt biết ứng xử văn minh ở mọi nơi, mọi lúc.