Đừng cố tình che đậy sai trái, làm tầm thường hóa tranh cổ động

VietTimes – Những tranh luận nóng bỏng quanh cuộc thi sáng tác tranh cổ động, mà hầu hết các giải thưởng cao nhất đều là tranh “đạo”, khiến giới chuyên môn buộc phải lên tiếng. 
Một góc bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh
Một góc bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh

“Mưa” giải thưởng và “rừng” sao chép

Cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” (do Công đoàn Giáo dục tổ chức, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đăng cai thực hiện) sau khi công bố các giải thưởng, đã “nổi sóng” dư luận suốt một thời gian dài, bị lên án là "đáng xấu hổ", khi các thầy cô “rinh” những giải thưởng lớn nhất nhờ “đạo” tranh.

Tổng số 28 đơn vị tham gia thì ban Tổ chức (BTC) trao tới 27 giải. Nhiều họa sĩ đặt câu hỏi liệu đây có phải là cách “ban phát” danh hiệu cho nhau trong “cơn mưa” giải thưởng, cho dù giá trị vật chất không đáng là bao?

Quy mô cuộc thi gồm 306 tác phẩm dự giải, trong đó 90 tác phẩm được chọn trưng bày. Nhưng thật buồn là có tới 50% trong số tranh trưng bày đã bị các họa sĩ tố là tranh “đạo”. Giải Đặc biệt, Giải Nhất, 2 Giải Ba và nhiều giải Khuyến khích đều bị phát hiện copy nhiều chi tiết từ các tác phẩm khác nhau, “lắp ghép” lại.

Giải đặc biệt thuộc về tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Giải Nhất của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Trưởng Khoa Nhạc họa Thể dục Trường Cao đẳng Hải Dương. Tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân vừa đoạt Giải Nhất đồng thời là người rinh Giải Ba và một giải Khuyến khích tại cuộc thi này và cả ba bức tranh đều bị tố là tranh sao chép.

Trước sự việc đáng xấu hổ này, công chúng bức xúc, giới mỹ thuật tức giận, nhưng các đại diện ngành Giáo dục một mực chọn cách lặng im chờ “bão” qua.

Giải Đặc biệt, Giải Nhất, 02 Giải Ba và nhiều Giải Khuyến khích đều bị tố cáo là tranh sao chép
Giải Đặc biệt, Giải Nhất, 2 Giải Ba và nhiều Giải Khuyến khích đều bị tố cáo là tranh sao chép

Đạo đức nghề nghiệp xuống cấp trầm trọng

Tác giả tham gia dự giải vô tư “đạo” tranh từ các trường phái của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thậm chí, tác phẩm dự giải được đưa lên trang thông tin của BTC, nhiều người cũng cắt lấy cụm nhân vật “vừa mắt” để đưa vào “tác phẩm” của mình; nhân vật được copy từ bức tranh nguyên gốc “Thanh niên tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” đã xuất hiện trong 7 bức tranh sao chép.

Câu chuyện “đạo” tranh càng trở nên đáng buồn hơn vì tác giả đoạt giải đều là những người đứng trên bục giảng ở các trường nghệ thuật. Cộng đồng họa sĩ sôi sục đặt câu hỏi về vai trò định hướng thẩm mỹ, tinh thần giáo dục của những cô thầy phạm lỗi trong sự việc này?

Nếu làm công việc sáng tạo thực sự thì đều cảm thấy khó chấp nhận một cuộc thi “kỷ lục” về “đạo” tranh như thế; dẫn tới việc nhiều họa sĩ đã bức xúc buông những lời nặng nề, họa sĩ Đỗ Văn Tăng gọi thẳng tên: “Chỉ là thói ăn cắp”; họa sĩ Nguyễn Dzũng Art nói ngắn gọn: “Trơ trẽn!”; họa sĩ Hoàng Duy nhấn mạnh: “Vẽ ra một trò cệch cỡm so với một tổ chức chính trị lớn như vậy”.

“Còn mặt mũi nào đứng lớp? Danh dự, lòng tự trọng đâu?” – Họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ viết. “Chỉ vẽ có mấy cái tranh cổ động thôi mà cũng phải đi… “ăn cắp” thì còn làm được gì?” – Họa sĩ Đặng Tiến bức xúc; họa sĩ Lê Quang than: “Một người thầy hỏng – hỏng nhiều thế hệ!”

Trong cuộc trao đổi với VietTimes,  họa sĩ Phan Niệm -  giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế - cho biết: “Là người thầy, tôi không thể chấp nhận được chuyện nhái tác phẩm của người khác, đã vậy còn đem dự thi. Tôi vẫn thường nói với sinh viên rằng có thể các em vẽ chưa đẹp, nhưng điều đó vẫn dễ chấp nhận hơn việc sao chép ý tưởng của người khác”.

Trao đổi với VietTimes, họa sĩ Lê Huy Tiếp – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận định: “Tôi từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật, do Cục Thông tin tuyên truyền và cổ động tổ chức, nhưng chưa lần nào tôi thấy có nhiều sai phạm kinh khủng như cuộc thi này. Chỉ cần nhìn qua đã thấy là sao chép các tranh cổ động của Trung Quốc, Nga… Đây là sự xuống cấp của một nền giáo dục và đạo đức nghề nghiệp”.

Đừng tầm thường hóa tranh cổ động

Giới chuyên môn bức xúc là thế, nhưng vẫn ồn ào một luồng dư luận trên các mạng xã hội bênh vực cho các thầy cô “ẵm” giải nhờ tranh “đạo”, cho rằng tranh cổ động có ai coi trọng đâu, nên xưa nay vẫn vậy, chỉ là người nọ “chép” của người kia.

Tranh cổ động của họa sĩ Trần Từ Thành (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Tranh cổ động của họa sĩ Trần Từ Thành (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Trả lời phỏng vấn của VietTimes, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đưa quan điểm hoàn toàn ngược lại với các ý kiến trên: “Cho rằng tranh cổ động không xứng đáng gọi là “tranh” là sai lầm trầm trọng. Vào thời kỳ chiến tranh, người ta vẫn thường đem mỹ thuật cũng như âm nhạc vào chính trị, tạo ra một dòng chảy riêng biệt. Cuộc cách mạng đưa tới những cảm xúc đặc biệt, khiến họa sĩ vẽ nên các tác phẩm có sức mạnh, bên cạnh việc cầm súng chiến đấu”.

“Họa sĩ Việt Nam có nhiều người vẽ tranh cổ động rất “đẳng cấp”, như họa sĩ Trường Sinh để lại dấu ấn trong lòng công chúng với các tranh: “Nixon phải trả nợ máu”; “Khải hoàn môn của học thuyết Nixon”; “Thừa thắng xông lên”…” Các họa sĩ Phan Thông, Lê Thanh Đức, Thái Sơn, Huỳnh Văn Gấm, Xuân Hồng, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Huỳnh Văn Thuận, Đặng Đức, Phạm Lung... có nhiều tác phẩm giá trị như: “Thừa thắng xông lên”, “Giặc phá ta cứ đi”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Chung một ngọn cờ”… Tranh cổ động của các họa sĩ Việt đã được triển lãm tại nhiều nước châu Âu; khi tôi dự các cuộc triển lãm này, tôi nhận thấy dòng tranh cổ động thời chiến mang lại những cảm xúc đặc biệt với người xem” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định.

Ông Ngô Kim Khôi cung cấp thêm: “Không chỉ Việt Nam, các nước phát triển vẫn có dòng tranh cổ động tồn tại lâu đời; chẳng hạn như ở Pháp có họa sĩ Alix Aimé vẽ tranh cổ động cho Pháp làm quảng cáo cho triển lãm thuộc địa. Trên toàn thế giới, nước nào cũng có tranh cổ động, nhưng chưa thấy nơi nào có tình trạng “đạo” tranh hỗn loạn như kỳ thi vừa qua của Công đoàn Giáo dục”.

Tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh
Hai bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh
Tranh cổ động "Thanh niên Việt Nam sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" Họa sĩ Phạm Lung. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tranh cổ động "Thanh niên Việt Nam sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" Họa sĩ Phạm Lung. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

“Câu chuyện về các giải thưởng nhờ “đạo” tranh vừa qua là một điều xấu hổ. Đáng nói hơn hết khi các cơ quan, đơn vị liên quan hiện nay chọn giải pháp im lặng trước dư luận. Điều này nói lên rằng trong giáo dục, các thầy cô đã đặt nhẹ vai trò “sáng tác”, hiển nhiên cho rằng lấy một vài chi tiết ở tranh cổ động này “xào nấu” với một vài chi tiết ở tranh khác, là điều không quan trọng, thậm chí còn có thể “chấp nhận”, “cho phép”, nên mới có những tranh “đạo” được trúng giải cao. Chúng tôi cho rằng Công đoàn Giáo dục và Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp nên mạnh dạn tìm ra giải pháp công khai, minh bạch tổ chức lại giải thưởng, loại bỏ các tranh phạm quy, để cuộc thi được trong sáng. Nhất là vai trò của các thầy cô được đặt vào vị trí cao quý xứng đáng. Đừng cố bao biện, che đậy, dẫn dắt dư luận theo những nhận thức sai lệch, làm tầm thường hóa tranh cổ động”.