Phản ứng kịp thời của các nhà lãnh đạo
Phải nói rằng, phản ứng của các nhà lãnh đạo đối với dự thảo Luật Thuế tài sản đang gây lo lắng sâu rộng trong xã hội là rất kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 17-4: “chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước”, khi dẫn chứng về đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang đưa ra công khai để lấy ý kiến nhân dân, đây chưa phải kết luận cuối cùng và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội buổi sáng cùng ngày cũng đồng tình với đề nghị các cơ quan phải chủ động thông tin cho báo chí. Theo bà, đề xuất về thuế tài sản mới chỉ là nội dung đưa ra lấy ý kiến chứ chưa "chốt", Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định.
Sau hàng loạt ý kiến lo lắng của dư luận xã hội phản ứng như trên của các nhà lãnh đạo là rất kịp thời.
Song, một lần nữa phải khẳng định, hiếm có môt dự thảo luật nào lại gây quan ngại và tranh cãi trong xã hội như dự thảo Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính công bố cho báo chí gần đây.
Nói với báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế của Bộ này, ông Phạm Đình Thi khẳng định, một trong những mục đích chính của luật là Nhà nước điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, “góp phần đảm bảo công bằng xã hội”.
Đó là mục tiêu rất tốt đẹp và rất nhân văn. Đánh thuế tài sản đối với những người giàu có sở hữu nhiều nhà cửa, đất đai, và tài sản để lấy tiền đầu tư cho xã hội thì đúng là rất dân túy.
Mặc dù vậy, ông Thi với tư cách là nhà soạn thảo chính của dự luật này lại mâu thuẫn ngay với tuyên bố như vậy. Ông đề nghị “không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi”.
Khi nói thì cam kết vì công bằng xã hội, trong khi làm, thông qua việc thiết kế chính sách, lại khác hẳn đi về bản chất thì khó mà thuyết phục được xã hội.
Những số liệu, dù là còn rất sơ lược trong bản thuyết minh dự thảo luật, cho thấy, hầu như mọi gia đình sở hữu nhà ở thành phố, đô thị và nông thôn đều phải chịu tác động của dòng thuế này. Diện tác động là cực kỳ lớn, và ảnh hưởng.
Dự thảo Luật trích dẫn các văn kiện của Đảng, của Chính phủ để làm căn cứ, nhưng chỉ trích dẫn yêu cầu về thu và hoàn toàn lờ đi yêu cầu về chi để phục vụ cho mục đích của mình là thu.
Ví dụ, dự thảo trích dẫn Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đề ra một trong các giải pháp để cơ cấu lại NSNN là: “hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;...khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, dự thảo này lại không đề cập đến mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 07, theo đó phải cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...
Bên cạnh đó, Nghị quyết đã đưa ra rất nhiều yêu cầu về chi chặt chẽ hơn. Theo đó, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25 - 26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Sao lại “lờ đi” yêu cầu về chi?
Điều rất đang tiếc là dự thảo luật này, cũng như nhiều dự thảo thuế khác hoàn toàn lờ đi yêu cầu rất quan trọng về chi tiêu chặt chẽ hơn, cơ cấu lại nguồn chi của Bộ Chính trị.
Nhìn tỷ lệ chi hiện nay không khỏi giật mình. Trong quý 1 năm nay, chi thường xuyên đã phình đến mức đáng lo ngại là 75,6% tổng chi ngân sách, còn chi đầu tư phát triển đã co lại, chỉ chiếm 14,2% tổng chi ngân sách.
Bên cạnh đó, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi đầu tư bị cắt giảm khá nhanh - từ 9,1% GDP trung bình trong giai đoạn 2011 - 2016 xuống còn khoảng 7,8% GDP năm 2017. Định chế này cho biết, cách tiếp cận này có thể không hoàn toàn được coi là bền vững về lâu dài vì Việt Nam vẫn rất cần đầu tư đáng kể cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Không thể kéo mãi tình trạng chi cho đầu tư ngày càng teo lại, chi thường xuyên ngày càng phình to như thế này.
Một ví dụ nhỏ trong ngành thuế, nơi có tới số lượng biên chế làm việc tới hơn 43.000 người. Ngành này đã tiến hành cải cách thu thuế qua mạng từ lâu nay mà không cắt giảm được bao nhiêu trong số đó. Có những cán bộ thuế chỉ thu vài trăm ngàn tiền thuế mỗi tháng trong khi vẫn nhận lương cao hơn nhiều lần. Được biết, nhu cầu kinh phí để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ thu và các mục tiêu của ngành thuế trong giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 82 nghìn tỷ đồng, như vậy bình quân lên tới 16,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết từ nay đến 2020 cắt giảm một nửa trong số 713 chi cục thuế hiện nay.
Nhưng tất cả đó mới chỉ là cam kết. Người dân đóng thuế cần thấy hành động của ngành này, và nhiều ngành khác vì “không dân nào đóng thuế nuôi đủ bộ máy này”.
“Thu để làm gì? Nếu thu để ngân sách có tiền rót vốn vào Vinashin, Vinalines, Ocean Bank thì tuyệt đối không nên thu, bởi nó sẽ cổ vũ cho điều xấu xa.
Nếu tăng thu thuế chỉ cốt để cung cấp trụ sở, nuôi biên chế, chi phí hoạt động một bộ máy cồng kềnh không tham gia cung cấp dịch vụ công cho người dân như các hội đoàn hiện nay thì hội đoàn sẽ ỷ lại, mà doanh nghiệp thì còng lưng.
Nếu tăng thuế để có ngân sách để rồi thất thoát lãng phí thì người dân sẽ không phục.
Vì vậy trước khi yêu cầu người dân, giống như “cổ đông” góp thêm vốn, thì phải chứng minh rằng phúc lợi trong tương lai của họ, con cháu họ phải tăng lên theo cấp số nhân, phải “có lãi”.
Vì vậy, nên chứng minh một chính phủ liêm chính, đẩy mạnh chống tham nhũng, bít các khe hở thất thoát ngân sách; chứng minh đường đi của đông tiền thuế từ túi người dân đến bệnh viện, trường học, cây cầu, con đường, đến tấm áo người lính, khẩu phần ăn của cháu mẫu giáo thế nào một cách minh bạch, chi tiết thì người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn lòng.
Và vì vậy, trước khi nói về thông lệ quốc tế thu tiền (thuế, phí) thế nào thì nên bàn thông lệ quốc tế tiêu tiền thế nào đã. Nếu tiêu tiền đã không chấp nhận thông lệ quốc tế, khư khư bám lấy câu cửa miệng “đặc thù Việt Nam” nuôi một bộ máy cồng kềnh chẳng giống ai, mà thu tiền từ dân lại ngụy biện trích dẫn thông lệ quốc tế thì thật không quân tử”