|
Ảnh: The Verge |
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã công bố một dự luật mới nhằm chống độc quyền trên phạm vi rộng vào thứ 6 tuần này. Dự luật mới này được cho là nhằm vào những gã khổng lồ như Amazon, Apple, Facebook và Google. Đây là kết quả của hơn một năm điều tra sự cạnh tranh bất bình đẳng của các công ty công nghệ lớn
Các điều khoản trong dự luật này sẽ giúp chính phủ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát các công ty lớn và ngăn họ loại bỏ sự cạnh tranh khi mua lại các công ty nhỏ.
Hạ nghị sĩ David N. Cicilline, đảng viên Đảng Dân chủ và là Chủ tịch của Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện, nói rằng dự luật mới sẽ "san bằng sân chơi" và đảm bảo các công ty công nghệ đều phải tuân thủ các nguyên tắc như nhau.
"Hiện tại, các công ty công nghệ lớn dường như không thể kiểm soát và họ có quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế của chúng ta", ông Cicilline nói trong một thông cáo báo chí. "Họ đang ở một vị trí độc nhất, có thể chọn người thắng và người thua, phá hủy các doanh nghiệp nhỏ, nâng giá đối với người tiêu dùng và khiến mọi người không có việc làm."
Sức mạnh thị trường to lớn của các công ty này đã làm xáo trộn các nguyên tắc cơ bản của luật chống độc quyền ở Mỹ trong một thời gian dài. Các nhà làm luật ngày càng trở nên lo ngại về vấn đề này. Vào tháng 7, Giám đốc điều hành của 4 công ty Big Tech đã bị triệu tập trước Ủy ban chống độc quyền của Hạ viện trong một phiên điều trần kéo dài sáu giờ, một cuộc điều trần công khai chưa từng có đối với các nhà lãnh đạo.
Những người ủng hộ công nghệ lại cho rằng quy mô của Apple, Amazon, Facebook và Google đã mang lại cho người tiêu dùng sự đổi mới chưa từng có và những lợi ích công nghệ to lớn. Những người chỉ trích Big Tech phản đối rằng sức mạnh thị trường phi thường của ngành này đã gây ảnh hướng lớn tới người lao động, đàn áp các đối thủ nhỏ hơn và khiến người tiêu dùng phải trả giá những mức giá vô lý.
Theo các nhà lập pháp, dự luật vừa được Thượng viện thông qua sẽ có tác dụng:
- Đối với những Cửa hàng ứng dụng của Apple, Cửa hàng Google Play hoặc tất cả thị trường của Amazon - ngăn họ thực hiện hành vi tư lợi hoặc "chọn kẻ thắng người thua trên thị trường trực tuyến".
- Hạn chế việc mua lại nhiều công ty khác để loại bỏ các mối đe dọa cạnh tranh hoặc những mối đe dọa sẽ mở rộng hoặc giành lấy sức mạnh thị trường của các nền tảng trực tuyến.
- Hạn chế các nền tảng thống trị tận dụng quyền kiểm soát của họ trên nhiều loại hình kinh doanh để tạo cho mình lợi thế không công bằng và gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh.
- Thúc đẩy cạnh tranh trực tuyến nhiều hơn bằng cách giảm chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Cập nhật lệ phí nộp đơn cho các vụ sáp nhập, cung cấp kinh phí cho cả Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang.
Cả 4 gã khổng lồ công nghệ đều phải đối mặt với những cuộc chiến chống độc quyền lớn. Google là mục tiêu của cả ba vụ kiện chống độc quyền lớn gần đây, bao gồm một vụ kiện mang tính bước ngoặt do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình và một đơn khiếu nại khác từ một liên minh lưỡng đảng gồm các tiểu bang. Facebook phải đối mặt với các vụ kiện từ Ủy ban Thương mại Liên bang và một nhóm tổng chưởng lý các bang. Amazon đã bị luật sư của Washington DC kiện vì cố định giá. Ngoài ra, Apple và Google đã bị nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite kiện vì các chính sách trên cửa hàng ứng dụng của họ.
Ông Cicilline đã chủ trì phiên điều trần vào tháng 7, đây là đỉnh điểm của cuộc điều tra kéo dài hơn một năm của tiểu ban của ông về sự thống trị thị trường của những gã khổng lồ công nghệ. Trong thời gian đó, tiểu ban này đã thu thập hơn 1,3 triệu tài liệu từ các công ty công nghệ, đối thủ cạnh tranh của họ và các cơ quan thực thi chống độc quyền. Sau phiên điều trần, tiểu ban đã công bố một báo cáo dài 449 trang cáo buộc 4 công ty này "lạm dụng quyền lực độc quyền".
Quy mô của các công ty này là quá khổng lồ
Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới, với lượng người dùng gần bằng hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ - cộng lại. Amazon kiểm soát 38% doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ, trong khi Walmart, đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ, chỉ chiếm 6%. (Amazon cũng thu thập dữ liệu về các nhà bán lẻ khác bằng cách sử dụng nền tảng khổng lồ của mình.) App Store của Apple là một cửa ngõ mạnh mẽ để các nhà phát triển phần mềm tìm kiếm đối tượng với cơ sở khách hàng iPhone và iPad khổng lồ của công ty. Google xử lý khoảng 90% tất cả các tìm kiếm trên web trên toàn cầu.
Robert Weissman, chủ tịch nhóm vận động người tiêu dùng Public Citizen, cho biết dự luật mới này là một "bước tiến lớn" nhằm buộc các công ty công nghệ thống trị phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quyền lực chưa được kiểm soát của họ. Ông nói trong một tuyên bố: “Big Tech nên nhìn nhận điều này: Quốc hội gửi một thông điệp rõ ràng rằng bữa tiệc thống trị cuối cùng đã kết thúc đối với họ".
Các đối thủ nhỏ hơn đã tán dương động thái này.
Roku, hiện đang gặp bất lợi với Google về thỏa thuận tiếp tục lưu trữ ứng dụng YouTube TV trên các thiết bị phát trực tuyến của mình, đã gọi dự luật mới này là một bước quan trọng để hạn chế hành vi thống trị tuyệt đối của Big Tech. "Roku đã có kinh nghiệm trực tiếp cạnh tranh và tương tác với những gã khổng lồ độc quyền này", công ty cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi đã thấy cách họ trắng trợn phớt lờ luật chống độc quyền và gây hại cho người tiêu dùng bằng cách tận dụng sự thống trị của họ trong một ngành kinh doanh để kìm hãm sự cạnh tranh của toàn bộ đối thủ".
Spotify, vốn đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Apple, gọi các dự luật mới là một "dấu hiệu rõ ràng cho thấy động lực thay đổi của chính phủ" sau một loạt "các hoạt động phản cạnh tranh đã không được kiểm soát trong thời gian quá dài, gây cản trở việc cạnh tranh và đe dọa sự đổi mới".
Một tuyên bố trước đó trong ngày của Hạ nghị sĩ Ken Buck, một đảng viên Cộng hòa Colorado, là thành viên cấp cao của Ủy ban chống độc quyền Hạ viện, cho thấy quan điểm của của mình.
Ông Buck nói: “Big Tech đã lạm dụng sự thống trị của mình trên thị trường để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh, kiểm duyệt bài phát biểu và kiểm soát cách chúng ta nhìn và hiểu thế giới. "Không làm gì không phải là một lựa chọn, chúng ta phải hành động ngay bây giờ."
Tuy nhiên, những người ủng hộ và đại diện của ngành công nghệ cảnh báo rằng dự luật có thể làm tổn hại đến vai trò kinh tế của Mỹ trên thế giới và cản trở người tiêu dùng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số miễn phí.
Matthew Schruers, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp máy tính và Truyền thông của tập đoàn thương mại công nghệ cho biết: "Họ coi thường các nguyên tắc đã điều chỉnh nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ và sẽ ngăn các công ty công nghệ lớn cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ cải thiện cuộc sống của họ."
Facebook và Google từ chối bình luận. Apple và Amazon đã không trả lời các tin nhắn phỏng vấn.
Theo The Verge