Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong tháng Tư, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 690.440 lượt, tăng 11,7% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng trong bốn tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, khách đến Việt Nam từ châu Á đạt hơn 1,73 triệu lượt người, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là, một số nước và vùng lãnh thổ có khách đến Việt Nam giảm nhiều, như Trung Quốc giảm 33,2%; Malaysia giảm 6,1%; Campuchia giảm 28,1%; Thái Lan 23,7%; Lào 35,5 giảm 17%; Philippines giảm 16,1%; Indonesia giảm 21,6%; Đài Loan giảm 2,7%.
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tiếp trong 11 tháng qua
Trao đổi với PV Dân trí về nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh liên tiếp trong 11 tháng qua, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm, nhưng sâu xa là sự yếu kém của ngành du lịch. Từ bao năm nay công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam vẫn “như xưa”, không có sự chuyển biến nhiều.
Một điều dễ nhận thấy rằng, khi thị trường gặp trục trặc từ nguyên nhân khách quan thì lượng khách đến Việt Nam giảm ngay. Điều này chứng minh rằng công tác quảng bá của chúng ta rất yếu nên khi thị trường thế giới sụt giảm thì chúng ta bị ảnh hưởng ngay. Thị trường Nga và Trung Quốc là một ví dụ”.
Ngày 21/5, chia sẻ quan điểm về vấn đề trên với PV Dân trí, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nguyên nhân khách quan: Do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và du lịch cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Bên cạnh đó, hạn hẹp kinh phí xúc tiến du lịch cũng là một trong những nguyên nhân đáng bàn. Về nguyên nhân chủ quan là do công tác quảng bá, xúc tiến của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thủ tục xin cấp visa còn rườm rà,…”.
Cũng theo ông Bình, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thì ngành du lịch cần mổ xẻ tất cả các vấn đề tồn đọng trên, làm lại nghiêm túc một cách chuyên nghiệp hơn. Và ngay từ bây giờ chúng ta cần phải làm quyết liệt hơn nhiệm vụ xúc tiến thì mới có hy vọng đuổi kịp được các nước trong khu vực.
Ông Bình cũng cho biết thêm, so với các năm trước, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giống Việt Nam ở vạch xuất phát ban đầu về xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp. Nhưng đến giờ này họ đã bỏ ta quá xa…
Còn ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC cho biết: “Ngành du lịch của chúng ta vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị. Sản phẩm du lịch còn hạn chế, chính sách visa không cởi mở,… Ngay như thủ đô Hà Nội cũng chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, khách đến Hà Nội chỉ có một vài điểm tham quan, vui chơi truyền thống để đi. Nhiều năm nay Hà Nội chưa phát triển thêm được các sản phẩm mới. Muốn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ với giá cả cạnh tranh,…”.
Tuy nhiên mới đây Tổng cục Du lịch lại đưa ra kết quả khảo sát khiến dư luận giật mình, hoài nghi: với 94,9% người được hỏi khen du lịch Việt Nam “tốt” và “rất tốt”; 5,69% đánh giá “trung bình”; chỉ 0,22% nhận xét “kém” và “rất kém”...
Thiết nghĩ, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp tích cực, hiệu quả cho du lịch Việt Nam, không nên tự ru ngủ mình với một kết quả nghiên cứu sơ bộ trong thời gian ngắn.
Ngoài những tồn tại yếu kém ở nguyên nhân khách quan thì có đến 80% do nguyên nhân chủ quan dẫn đến công tác quản lý, xúc tiến, quảng bá du lịch của nước ta thua xa các nước bạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malayssia và thua ngay cả các nước có ngành du lịch non hơn chúng ta như Lào, Campuchia.
Ngành du lịch cũng cần phối hợp với các ban ngành liên quan để có giải pháp hạn chế tình trạng chặt chém khách du lịch, nạn trộm cắp, móc túi ở các địa điểm tham quan, vui chơi; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; Học tập công tác quảng bá, xúc tiến của các nước trong khu vực; Nâng cao trình độ chuyên môn,… để du lịch Việt Nam không bị “mất khách” và tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Dân trí