Theo đó, Bộ KHĐT mong muốn phía Trung Quốc cho vay với các điều kiện vay ưu đãi hơn nữa, đồng thời không áp dụng điều kiện phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công.
Hiện, cả ba Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ KHĐT đang khá lúng túng giải bài toán vốn cho dự án này. Cụ thể, Bộ GTVT muốn áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ khoản tín dụng ưu đãi bên mua từ Trung Quốc cho dự án. Nói cách khác là đồng ý vay với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công.
Bộ GTVT cho rằng, nếu bổ sung đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn để dùng vốn trong nước, thì khả năng hoàn vốn của cả hai đoạn cao tốc không còn khả thi.
Nhưng nếu tách riêng đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT độc lập cũng rất khó thu xếp vốn vì tổng mức đầu tư quá lớn.
Ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi bên mua từ Trung Quốc hiện đều có ràng buộc là phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị của Trung Quốc nên không thực sự hấp dẫn.
Trong khi lợi thế của công trình đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do vậy, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng.
Còn theo Bộ KHĐT, các điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD này của Trung Quốc là chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo cơ chế cấp phát. Do vậy, chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.
Về đề nghị đàm phán tiếp với phía Trung Quốc, Bộ KHĐT “hứa”, nếu thành công trong đàm phán với các điều kiện có lợi hơn, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án để trình Thủ tướng phê duyệt.