DST: Đỉnh cao và vực sâu cách nhau… 5 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10/2017, cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (thường được biết đến với tên cũ là Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định) có giá 42.500 đồng/cổ phiếu.
Ở mức giá này, những nhà đầu tư nào kiên trì nắm giữ DST trong 4 năm (từ tháng 11/2013) sẽ đạt mức lãi ấn tượng: hơn 1.033%! Thế nhưng, những nhà đầu tư đã trải qua cảm giác thắng lớn vì nắm giữ DST chắc sẽ không thể ngờ, chỉ 5 tháng sau cái ngày đạt được đỉnh cao ấy, DST rơi về giá 2.700 đồng/cổ phiếu, giảm gần 93,65% so với đỉnh. Điều gì đã xảy ra với DST?
Nhìn lại lịch sử kết quả kinh doanh của DST, nhà đầu tư có thể thấy không có quá nhiều biến động. Năm 2012, DST lỗ gần 76 triệu đồng. Đến năm 2013, Công ty có lãi 182 triệu đồng, năm 2014, con số lãi tăng lên 141 triệu đồng trên vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh èo uột nhưng vừa đủ có lãi, năm 2015, DST đã thay đổi ngoạn mục, khi thực hiện phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 9,19:155, tức 9,19 cổ phiếu cũ được mua 155 cổ phiếu mới. Với đợt phát hành này, Công ty tăng vốn điều lệ thành công lên mức 165 tỷ đồng và năm này, lợi nhuận của DST tăng đột biến lên… 785 triệu đồng, lãi cơ bản mỗi cổ phần đạt 351,8 đồng (do Công ty hoàn tất phát hành tăng vốn vào cuối năm).
Năm 2016, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ lại sụt về 708 triệu đồng, với mức lãi cơ bản mỗi cổ phần là… 42,9 đồng. Năm 2017, dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 Công ty cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1,139 tỷ đồng. Theo đó, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của DST tiếp tục giảm về mức 36,37 đồng. Con số lợi nhuận này tính trên mức vốn trung bình trong năm, vì đầu năm 2017, DST đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên mức mới là 323 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2017 của DST, nhà đầu tư có thể thấy rõ thực trạng hoạt động èo uột của doanh nghiệp này. Mặc dù theo thời gian, doanh thu của Công ty đã được cải thiện, nhưng kết quả kinh doanh vẫn ở mức rất thấp.
Trong khi đó, chất lượng tài sản của Công ty không có gì ấn tượng. Trong tổng số 389 tỷ đồng tổng tài sản ở thời điểm cuối năm, DST có 12,2 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, hơn 86 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn (lớn hơn cả doanh thu hợp nhất năm 2017 là 63,5 tỷ đồng).
Tài sản lớn nhất là tài sản cố định trị giá 209 tỷ đồng, bao gồm 177,8 tỷ đồng quyền sử dụng đất và gần 32 tỷ đồng giá trị tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định thuê tài chính, 60 tỷ đồng vốn nắm tại doanh nghiệp khác.
Diễn biến giá mạnh hơn cả “sóng thần”, với thanh khoản thất thường, có phiên lên tới gần 6 triệu cổ phiếu được giao dịch khiến nhiều người choáng váng với mã DST.
Hiện doanh nghiệp đang chốt danh sách cổ đông (ngày 26/3 là giao dịch không hưởng quyền) để chuẩn bị Đại hội vào tháng 4 tới. Ban lãnh đạo Công ty sẽ nói gì về tương lai của doanh nghiệp, để nhà đầu tư có thể hiểu rằng, mức giá trên trời hay dưới đất là mức phù hợp với định giá DST?
VFR: Mọi lý thuyết phân tích cơ bản đều… sai
Nếu là người theo trường phái phân tích cơ bản, rất có thể nhà đầu tư sẽ “hớ” trong suốt quá trình đầu tư vào cổ phiếu VFR của Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu. Lý do đơn giản là, khi có lợi nhuận tốt, giá VFR rất èo uột, còn khi VFR bị lỗ, đó là lúc cổ phiếu lên giá.
Khi VFR xuống sàn UPCoM, giá cổ phiếu còn sôi động và hào hứng hơn lúc niêm yết trên HNX. Đó là hai trong số những nghịch lý đã xảy ra với VFR, khiến lý thuyết về phân tích đầu tư sẽ chỉ là… lý thuyết suông.
Trong 3 năm 2011 đến 2013, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VFR lần lượt là: 83 tỷ đồng, 8,5 tỷ đồng và 10,2 tỷ đồng. Giá cổ phiếu này cuối năm 2011 là 5.900 đồng; cuối năm 2012 là 6.500 đồng; cuối năm 2013 là 6.000 đồng. Đến năm 2014, VFR lỗ 123 triệu đồng, nhưng cổ phiếu lại bất ngờ tăng giá lên mức 17.900 đồng (thấp hơn 1.000 đồng/cổ phiếu so với giá đóng cửa ngày 24/12/2014).
Trong 2 năm sau đó, giá cổ phiếu VFR liên tục duy trì ở vùng trên 10.000 đồng/cổ phiếu, dù Công ty cũng liên tục… báo lỗ. Đến đầu năm 2017, khi VFR chuẩn bị phải hủy niêm yết vì lỗ 3 năm liên tiếp, giá cổ phiếu này giảm về mức 8.500 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5/2017, tiếp tục giảm về mức 7.600 đồng/cổ phiếu khi mới lên UPCoM, nhưng sau đó lại tăng mạnh lên mức 15.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017. Hiện nay, VFR lại giảm về mức 5.300 đồng/cổ phiếu, sau khi báo lãi tới 40 tỷ đồng năm 2017, tương đương mức thu nhập 2.664 đồng/cổ phiếu.
Điểm thú vị là, dù giao dịch cổ phiếu luôn ở mức èo uột nhưng giao dịch cổ đông lớn của VFR khá sôi động. Từ cuối năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An trở thành cổ đông lớn sở hữu hơn 13% vốn điều lệ trong khi cùng thời điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN thực hiện bán ra một lượng tương ứng. Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã bán toàn bộ 7,9% vốn điều lệ VFR.
Câu chuyện của VFR khiến nhà đầu tư bình thường không biết đâu là căn cứ để giao dịch. Tận cùng của tin xấu là lúc giá cổ phiếu vươn lên đỉnh cao, còn khi kết quả kinh doanh tốt, thì giá cổ phiếu ở vùng đáy! Ai đã điều khiển giá cổ phiếu VFR để giá cổ phiếu này giao dịch kỳ lạ như vậy?
KPF: Dòng tiền ngô nghê hay tăng giá theo kịch bản?
Tính đến đầu năm 2018, cổ phiếu KPF của Công ty cổ phần Tư vấn Dự án Quốc tế KPF là một khoản đầu tư sinh lợi không thể tốt hơn với nhà đầu tư chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1/2018, KPF có giá 42.550 đồng/cổ phiếu, trong khi vùng đáy của cổ phiếu này hồi đầu năm 2017 là dưới 8.000 đồng/cổ phiếu.
Với sự thay đổi giá này, KPF mang lại mức lợi nhuận lên tới 432% chỉ trong vòng 8 tháng. Cần lưu ý là, cổ phiếu này kể từ khi niêm yết (đầu năm 2016) có giá chủ yếu dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Vậy đâu là động lực giúp KPF tăng giá vượt trội so với lịch sử giá của chính mình và tăng giá vượt trội thị trường như vậy?
Theo báo cáo tài chính quý IV/2017, KPF có doanh thu 99 tỷ đồng, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2016 là 103 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước là 9,65 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phiếu KPF đạt 960,51 đồng. Điểm đặc biệt là lợi nhuận cả năm 2017 của Công ty tập trung gần như 100% vào quý IV/2017, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tài chính (đóng góp 21 tỷ đồng trên 20,392 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).
Thuyết minh chi tiết tại KPF cho thấy, khoản lợi nhuận này đến từ việc thu lãi do bán cổ phần (16 tỷ đồng) và 5 tỷ đồng do thu lãi của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, KPF đã thoái vốn một loạt ở các công ty Phú Gia Hà Nam (giá gốc 39,2 tỷ đồng), Đầu tư Tam Hà (giá gốc 39,2 tỷ đồng), Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam (giá gốc 44 tỷ đồng), Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia (giá gốc 23 tỷ đồng), hợp tác đầu tư với Hợp tác xã Chân Lý (10 tỷ đồng), thu hồi nhiều khoản phải thu khác.
Nhờ đó, báo cáo tài chính của KPF có một điểm sáng nhất là khoản gần 127,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền ở thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, khoản tiền này được sử dụng làm gì? Hiệu quả sử dụng ra sao là những điểm nhà đầu tư cần biết khi “lao” vào mua KPF với giá 42.000 đồng.
Nhà đầu tư say sóng KPF cần tìm hiểu lợi nhuận năm 2018 của Công ty sẽ đến từ đâu khi năm 2017, Công ty không có lãi từ hoạt động chính; chỉ còn hơn 14 tỷ đồng phải thu khách hàng, các hạng mục tài sản khác cơ bản… trống trừ khoản đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm trị giá 67,5 tỷ đồng.
Sau khi lên đỉnh 42.550 đồng/cổ phiếu, mã KPF “nguội dần” về giá hiện nay 32.500 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, với mức thu nhập chưa đến 1.000 đồng/cổ phiếu, giá hiện nay của KPF có ổn không?
Ngắm KPF và nhiều mã có biến động giá bất thường không thể không đặt câu hỏi: Dòng tiền đầu tư ngô nghê hay đà tăng, giảm giá có kịch bản? Ai sẽ trả lời cho thị trường câu hỏi này?